19/04/2024 lúc 15:13 (GMT+7)
Breaking News

Cuộc cách mạng thay đổi từ tư duy đến cách làm du lịch

VNHN - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự đã làm thay đổi diện mạo thế giới, thay đổi thói quen và cả nhận thức của con người về những giá trị mà nhiều năm trước chúng ta cho rằng “không tưởng”.

VNHN - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự đã làm thay đổi diện mạo thế giới, thay đổi thói quen và cả nhận thức của con người về những giá trị mà nhiều năm trước chúng ta cho rằng “không tưởng”.

Nhờ những ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (hệ thống cơ sở dữ liệu cho phép lưu trữ và truyền tải các khối thông tin được liên kết với nhau nhờ mã hóa)… mà hành vi tiêu dùng, giải trí của con người thay đổi. Với những bước tiến nhanh và mạnh mẽ của nền công nghệ thông tin thế giới, ngành du lịch cũng được hưởng lợi trong việc định vị nhu cầu mới của thị trường.

Thời gian qua, một số công ty du lịch Việt đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ để không bị tụt lại, song vẫn phải chấp nhận một thực tế đáng tiếc là để ngỏ "miếng bánh" du lịch trực tuyến cho các doanh nghiệp ngoại. Liệu các doanh nghiệp du lịch trong nước có thể xoay chuyển tình thế, biến “nguy” thành “cơ”??? Và ngành du lịch đã có những “kế sách” gì để tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại?

Mặc dù chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (trong 3 lần xếp hạng liên tiếp vừa qua, tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế năm 2015 lên vị trí 63/140 năm 2019), nhưng những bước chuyển mình về công nghệ của du lịch Việt vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Thậm chí, các sàn du lịch trực tuyến thua ngay trên “sân nhà” khi bị các “cá mập” ngoại xâm chiếm “lãnh thổ.” Theo báo cáo từ Google và Temasek, quy mô du lịch trực tuyến Việt Nam năm 2018 đạt 3,5 tỷ USD (tăng 15%), dự kiến 2025 con số này sẽ lên tới 9 tỷ USD. Xu hướng du lịch trực tuyến đang thay đổi chóng mặt.

Tới nay, chỉ khoảng 30% khách hàng chọn tour du lịch truyền thống, 71% du khách tìm kiếm thông tin điểm đến trên internet, 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến cho hành trình đến Việt Nam. Các chuyên gia dự báo theo đà phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, các tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới. Đặc biệt, 2 trong số 10 xu hướng du lịch thời gian gần đây là du lịch chủ động không qua các công ty lữ hành để mua tour, du lịch kết hợp thương mại phần lớn đều dùng điện thoại thông minh - smartphone tra cứu và tìm kiếm thông tin.

Để đáp ứng xu hướng này, các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency) “nở rộ” trở thành kênh hỗ trợ cho các hoạt động tìm kiếm thông tin, book vé, hay phòng khách sạn... Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử cho thấy độc chiếm tới 80% thị phần thị trường Việt Nam là các đại lý du lịch trực tuyến toàn cầu như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Expedia.com. Không chỉ du khách quốc tế vào Việt Nam đều sử dụng dịch vụ của các “sàn” nước ngoài này mà thậm chí khách du lịch nội địa cũng quen dùng.

Như vậy có thể nói, doanh nghiệp du lịch Việt đã thua ngay trên “sân nhà.” “Thực tế tôi thấy hầu như không có sự dịch chuyển sang 4.0 trong các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam. Những doanh nghiệp lớn, nếu quyết tâm gia nhập công nghệ 4.0 như Gotadi, Luxstay, Vntrip, Vivavivu… thì lại bị đối thủ nước ngoài như Booking, Agoda… cạnh tranh. ‘Ông’ nào manh nha đầu tư nghiêm túc như Luxstay thì lại bị nước ngoài thôn tính nên thành phần vốn của người Việt còn lại trong những ứng dụng này cũng không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10-20%,” ông Tuấn Hà, CEO Vinalink, người sáng lập mạng Khảo sát trực tuyến Việt Nam Vietnamsurvey.com đánh giá.

Theo ông Hà, giống như Grab nghe có vẻ rất Đông Nam Á, nhưng thực ra đứng đằng sau lại là Softbank. Bởi thực tế, chỉ có các đại gia nước ngoài mới đủ mạnh để đầu tư mấy chục tỷ USD cho các platform (nền tảng) như vậy. Cùng chia nhau “miếng bánh” nhỏ nhoi, các công ty Việt Nam như Tripi, Gotadi, Mytour.vn đã nỗ lực giới thiệu ứng dụng di động tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh và cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng. Những cố gắng này nhằm thay thế cho những dịch vụ truyền thống đã trở nên lỗi thời.

Agoda là một trong những "ông lớn" của sàn du lịch trực tuyến thế giới. 

Nhưng liệu như vậy có là đủ? Nắm bắt nhu cầu giao dịch và tương tác với khách hàng, ngày nay, nhiều ứng dụng di động xuất hiện, trở thành các sản phẩm du lịch công nghệ tiêu biểu như: thực tế ảo (virtual reality - VR), thực tế ảo tăng cường (augmented reality - AR), sử dụng ứng dụng trên màn hình tương tác, phần mềm ứng dụng du lịch thông minh (smart tourism) bằng công nghệ 360... Song những giải pháp mới hiện mới có các “ông lớn” như Saigontourist, Vietravel… dám mạnh tay đầu tư.

Trong khi đó, một số công ty lữ hành quy mô khác như Hanoitourist, Transviet, Vietnamtourism… cũng được đánh giá đang trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh. Lướt qua website các đơn vị này thấy thông tin sản phẩm mặc dù phong phú, cụ thể về thời điểm, giá cả, các dịch vụ… nhưng đa số việc ứng dụng công nghệ mới dừng ở mức cơ bản. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp mang tâm lý “làm cho có” theo phong trào, nên chỉ dừng ở các thao tác đơn giản như tạo lập website, kết nối với các ứng dụng trên điện thoại di động.

Vì thiếu quan tâm đầu tư nên nội dung các trang web sơ sài, ít cập nhật thông tin, tốc độ truy cập chậm lại kém tương thích giữa các ứng dụng với thiết bị di động... Hệ lụy là sau khi tìm đến, nhiều khách hàng vì thất vọng mà một đi không trở lại. Thậm chí, ngay việc duy trì hoạt động của website với một số doanh nghiệp nhỏ cũng là bài toán khó khăn, bởi thiếu nguồn lực cả tài chính và nhân sự vận hành.

Ngoài ra, theo số liệu từ Tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh - Euromonitor International, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch của các đơn vị liên quan đến hoạt động du lịch (như điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển khác -ngoài hàng không) của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch (tàu hỏa, thuyền, xe khách...) tại Việt Nam dự đoán giai đoạn 2017-2022 chỉ ở mức 5%.

Thực tế này cho thấy đã đến lúc những người hoạt động trong ngành “kinh tế không khói” cần phải thực sự coi trọng việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch, lữ hành để không bị bỏ lại phía sau trong một “cuộc chơi” đòi hỏi sự nhanh nhạy, tìm tòi những thế mạnh mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.