29/03/2024 lúc 22:01 (GMT+7)
Breaking News

Cuba và cách nhìn mới về thành phần kinh tế tư nhân

VNHN - Cuộc tranh cãi trong nhiều năm tại Cuba về vai trò của lực lượng lao động tư nhân và hợp tác xã cuối cùng cũng chuyển được sang cấp độ mới. Vậy mục tiêu cho sự phát triển của lực lượng này hiện tại cần phải là gì?

VNHN - Cuộc tranh cãi trong nhiều năm tại Cuba về vai trò của lực lượng lao động tư nhân và hợp tác xã cuối cùng cũng chuyển được sang cấp độ mới. Vậy mục tiêu cho sự phát triển của lực lượng này hiện tại cần phải là gì? Trong những ngày qua, phát biểu của một số quan chức đã cho thấy một vài manh mối với những sắc thái khác nhau. Những tuyên bố này dao động từ việc coi “lao động tự doanh” (cách gọi chính thức của Cuba hiện tại cho mọi hình thức kinh tế tư nhân trong nước – hiện vẫn đang chỉ bao gồm các lao động cá nhân, kinh doanh hộ gia đình hoặc kinh doanh cỡ nhỏ) như một “mô hình việc làm”, đặt thành phần kinh tế này vào những khu vực nhạy cảm như lương thực, thực phẩm, cho tới việc coi đây là một lựa chọn để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngày 21/12/2018 , Quốc hội Cuba đã họp nhằm thông qua dự thảo Hiến pháp mới, đặc biệt công nhận nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa - Nguồn: cand.com.vn

* Sự lẫn lộn về khái niệm

Vấn đề đầu tiên là phải từ bỏ dứt điểm những uyển ngữ nhằm “ru ngủ dư luận” như hiện tại. Hiến pháp đã rất rõ ràng trong việc công nhận quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, và những hành vi kiểu “lẫn lộn khái niệm” sẽ có những hậu quả nhất định trong chính sách. Thành phần kinh tế được gọi là “tự doanh” hiện tại bao gồm các hoạt động với quy mô, độ phức tạp và triển vọng mở rộng rất khác nhau.

Để minh họa, việc thúc đẩy phát triển các bộ phận kinh tế đơn giản, mà mục đích chỉ là để tạo thêm việc làm và đảm bảo nhu cầu tối thiểu, đòi hỏi những công cụ chế tài rất khác so với những cơ chế cần thiết cho những doanh nghiệp “khởi nghiệp năng động”, hay những loại hình dịch vụ, hàng hóa phức tạp, chi tiết cho những nhu cầu rất thời đại. 

Tại Uruguay, những doanh nghiệp thuộc dạng thứ hai này đã được định dạng rõ ràng từ sớm, và từ đó họ được nhà nước cung cấp cơ chế đồng hành rất cụ thể và thích hợp. Nói cách khác, “hệ sinh thái” các thể chế và chính sách để nuôi dưỡng các “doanh nghiệp năng động” cỡ nhỏ là rất khác nhau trong từng trường hợp.

Một số nghiên cứu tại khu vực đã chỉ ra hệ quả tiêu cực đối với năng suất chung của nền kinh tế, cụ thể là việc duy trì một hệ thống nhiều các công ty rất nhỏ không thể tăng trưởng quy mô. Khung điều tiết cần công nhận những khác biệt và khuyến khích việc tạo ra những thể chế và chính sách hỗ trợ cho tiến trình khởi nghiệp trong các giai đoạn khác nhau và tùy theo những đặc điểm riêng biệt.

Thêm vào đó, khung điều tiết hiện tại của Cuba còn lẫn lộn chủ doanh nghiệp với người làm thuê, lao động tự chủ và doanh nghiệp nhỏ. Người lao động tự chủ đảm nhiệm chức năng sản xuất và vị trí xã hội nhất định tại tất cả các nước, với tỷ lệ đóng góp dao động từ dưới 10% như tại Nhật Bản cho tới hơn 50% như tại Colombia. Trong một số trường hợp, thành phần này tồn tại đơn giản như một lựa chọn việc làm ngoài doanh nghiệp duy nhất, trong khi tại nơi khác họ được coi là những khởi nghiệp cá nhân. 

Một chi tiết rất đáng quan tâm là liệu bao nhiêu trong số “lao động tự doanh” đăng ký hiện tại ở Cuba thực sự là những lao động tự chủ kể trên, và bao nhiêu trong số họ trên thực tế là doanh nghiệp không chính thức – hiện vẫn chưa được công nhận pháp lý và phải hoạt động dưới danh nghĩa này. Sự lẫn lộn về khái niệm này cũng diễn ra trong trường hợp của thành phần kinh tế hợp tác xã (kinh tế tập thể), kể cả ở thành thị lẫn nông thôn.

Nhiều hợp tác xã trên thực tế là những tổ chức bán nhà nước, theo chức năng và cơ chế ra quyết định, hơn là những đơn vị kinh tế tập thể. Cả hai thành phần này, tư nhân và hợp tác xã, cho tới nay đều chịu một sự diễn giải rất hẹp, thiếu khách quan và cứng nhắc về quyền sở hữu, cả từ khía cạnh pháp lý lẫn khía cạnh kinh tế. 

Việc chỉnh sửa những sai sót này là cần thiết – và cũng không đồng nghĩa với việc gỡ bỏ các hạn chế do các lý do thuộc về lợi ích xã hội – bởi vì những biến dạng bắt nguồn từ sai sót nhận thức này có thể tạo hiệu ứng độc hại cho các kết quả kinh tế và xã hội. Như vậy, các quy định pháp lý cần sử dụng những phạm trù rõ ràng, tương thích với thực tiễn quốc gia, và việc gọi “đúng tên của sự việc” này trước hết cần được thực hiện trong những liên lạc chính thức trước khi mở rộng ra toàn xã hội.

* Nhu cầu phân bổ lực lượng lao động

Theo logic này, thành phần tư nhân và hợp tác xã đang được kêu gọi đóng một vai trò rộng lớn hơn rất nhiều so với “một mô hình việc làm”, hay nguồn tích trữ các lao động dư thừa. Hiện tượng thiếu liên kết và phân tán rời rạc trong hoạt động sản xuất cũng tương đối nổi cộm. 

Năng suất lao động của Cuba là rất thấp, cho dù vẫn không có đủ những dữ liệu để tiến hành những so sánh quốc tế khả tín; ngoài ra mức độ năng suất còn dao động lớn giữa các ngành nghề kinh tế. Nếu giả sử rằng các lĩnh vực xuất khẩu của Cuba có mức năng suất có thể so sánh với các nước trong khu vực, thì năm 2018, khoảng 5% số lao động có việc làm tại Cuba đã cung cấp tới 55% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. 

Tương tự, đảo quốc Caribe này có chỉ số giá trị xuất khẩu tính theo đầu người thuộc loại thấp nhất Mỹ Latinh, chỉ 212 USD/người vào năm 2018, một con số mà ngay cả trong trường hợp bị Mỹ bao vây cấm vận kinh tế, thương mại, cũng là không thể giải thích nổi đối với một quốc gia có quy mô của Cuba.

Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, ý nghĩ rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ giúp thu hẹp khoảng cách hiện tại đó cũng không thực tế. Với một bộ khung thuận lợi hơn rất nhiều so với Cuba, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chỉ chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu của Mỹ Latinh, mặc dù tại Chile tỷ lệ này đạt mức 13%, hay ngay cả tại Liên minh châu Âu thành phần này cũng chỉ chiếm 33% giá trị xuất khẩu (nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU có khác biệt về bản chất). 

Mặc dù thành phần kinh tế phi quốc doanh có thể không chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động xuất khẩu, nhưng họ có thể cung cấp những dịch vụ bổ trợ cho doanh nghiệp (tư vấn, vận tải, đóng gói, thiết kế) hoặc tăng năng suất lao động (dịch vụ tại nhà, dịch vụ cho cá nhân, vận tải…).

Đề xuất ở đây là thúc đẩy sự tham gia toàn phần của thành phần tư nhân và hợp tác xã vào hoạt động ngoại thương, bỏ qua lập trường coi nguồn thu nhà nước là mục tiêu ưu tiên trong ngắn hạn, và quan trọng hơn, là thúc đẩy dây chuyền sản xuất hoàn thiện với tất cả các cơ sở sản xuất sẵn có mà không phân biệt loại hình doanh nghiệp. Cuba phải làm sao để những khó khăn, thách thức dần mang tính sản xuất, chứ không còn mang tính thể chế và hành chính.

Một xu hướng khác đang ngày càng mạnh mẽ tại Cuba là sự gia tăng việc làm không chính quy, và các nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân và đặc điểm rất đa dạng của hiện tượng này. Tuy vậy, có một quan điểm gần như đồng nhất rằng đây là một khuynh hướng phát triển tiêu cực, đặc biệt là tại một quốc gia có mức đầu tư công cho xã hội rất lớn như Cuba. 

Tỷ lệ hoạt động kinh tế cao và nền móng rộng rãi là những điều kiện đảm bảo tính bền vững của nhà nước phúc lợi. Tỷ lệ hoạt động kinh tế của Cuba đã liên tục sụt giảm từ năm 2009. Vào năm 2018, chỉ có 64% dân số trong độ tuổi lao động của Cuba có việc làm chính quy. Xu hướng đó lại càng nghịch lý khi biết rằng trong khoảng thời gian này, La Habana đã đưa ra khá nhiều thay đổi trong quy định dành cho lao động tự doanh và hợp tác xã thành thị. 

Điều này cho ta thấy rõ ràng cách tiếp cận của Chính phủ là quá hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho biết hiện tượng trốn thuế hoặc khai man doanh thu một cách đại trà có liên quan tới yếu tố hoạt động thể chế trong khuôn khổ điều tiết, và đặc biệt là gánh nặng thuế hiện tại là quá cao. Trong bối cảnh mới, việc hợp lý hóa bộ quy định thuế và khuyến khích hợp pháp hóa cần phải trở thành một bộ phận hữu cơ của khuôn khổ thể chế.

* Mở rộng vai trò của thành phần kinh tế phi nhà nước

Một bức xúc phổ biến nữa của thành phần kinh tế phi nhà nước là cảm nhận rằng họ chỉ là bậc thang thấp nhất trong bộ máy phát triển kinh tế, nếu xét theo đặc điểm những hoạt động mà họ được cấp phép, hay nói đúng hơn, không phải là đặc điểm mà là ý đồ chính trị ẩn trong những quy định về các loại hình hoạt động của giới tư nhân. 

Thậm chí dù cho rằng thành phần kinh tế tư nhân không nên trở thành thành phần thống trị trong nền kinh tế, thì La Habana cũng không nên áp đặt tính chất, cường độ và năng suất hoạt động của thành phần này. Một trong những mâu thuẫn cản trở thành phần kinh tế tư nhân thăng hoa là sự tách biệt gần như hoàn toàn giữa nhu cầu lao động thực tế và hoạch định giáo dục, đặc biệt là giáo dục bậc cao và đào tạo nghề. 

Trong khi số người có trình độ giáo dục từ đại học trở lên chiếm tới 1/5 lực lượng lao động của Cuba, thì giới tự doanh lại bị cấm hoàn toàn tham gia các dịch vụ hay loại hình hoạt động kinh tế đòi hỏi trình độ giáo dục bậc cao hay tri thức, những hoạt động thường cho phép bù lại chi phí đào tạo dễ dàng hơn. 

Những tuyên bố hồi đầu tháng này về việc bãi bỏ danh mục các hoạt động mà thành phần tự doanh được phép hoạt động (thay vào đó, lao động tự doanh được đăng ký không hạn chế và chính quyền sẽ xem xét từng dự án một) đã nhận được sự hoan nghênh nhất trí cao, và là một bước then chốt theo hướng đi này. 

Quy mô kinh doanh của thành phần này cũng nên được quyết định bởi các điều kiện kinh tế xã hội và khuôn khổ điều tiết nhằm đảm bảo những cân bằng cần thiết cho xã hội, thay vì được ấn định theo con số cụ thể như hiện tại, và điều này cần được chuyển thành một mục tiêu công khai của chính sách kinh tế.

Thành phần tư nhân và hợp tác xã hiện đã mang tính quyết định trong sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa có vai trò này trong ngành du lịch. Tuy nhiên, trong cả hai lĩnh vực này, họ đều bị ảnh hưởng từ tầm nhìn theo kiểu áp đặt giới hạn và ngắn hạn như hiện tại. 

Doanh nghiệp quốc doanh, sớm hay muộn, cũng sẽ phải hướng tới một cuộc cải tổ sâu sắc và toàn diện. Thay vì nhìn nhận thành phần ngoài nhà nước như một mối đe dọa cho sự tồn tại hay tính ổn định của biên chế lao động của mình, La Habana cần coi đây là một đồng minh then chốt để xoa dịu những hệ quả của tiến trình cải cách không thể tránh được nói trên, tạo ra cho nền kinh tế độ linh hoạt cần thiết để duy trì đồng thuận xã hội. 

Một điểm yếu thường trực là mức độ đầu tư bị bóp nghẹt và sự hỗ trợ yếu kém của hệ thống tài chính; quá trình hiện đại hóa các ngân hàng và thể chế tương đương và sự thích nghi của các tổ chức này với các điều kiện mới cũng là yếu tố quyết định thành công của chính sách mới.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiệu quả liên quan trước hết tới việc luân chuyển nhịp nhàng lực lượng lao động sang các thành phần kinh tế năng động và có năng suất cao. Tất nhiên không thể xác định các thành phần này một cách hoàn toàn chính xác, và quan điểm cho rằng nhà nước là tổ chức duy nhất có khả năng làm được điều này không phải là kết luận luôn chính xác. 

Trên chặng đường thay đổi, một số hoạt động hiện tại sẽ bị xóa bỏ để nhường chỗ cho những động cơ tăng trưởng mới. Nếu đó là thách thức lớn nhất đối với Cuba, La Habana cần phải trao cho doanh nghiệp tư nhân và các hợp tác xã vai trò rất khác với những gì họ đang nhận được ngày hôm nay./.