25/04/2024 lúc 15:03 (GMT+7)
Breaking News

Covid-19 khiến tăng trưởng tín dụng giảm

VNHN - Tính đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,54%); tổng nguồn vốn huy động tăng 0,51% (cùng kỳ tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

VNHN - Tính đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 2,54%); tổng nguồn vốn huy động tăng 0,51% (cùng kỳ tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dự báo về khả năng tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, có khả năng tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 vẫn cao hơn năm 2019 nhưng sẽ thấp hơn mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu của Chính phủ về các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp là nhằm vào nỗ lực vượt qua khó khăn trước mắt. Việc tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ phải trông chờ vào quý III, IV năm nay nếu dịch bệnh được khống chế sớm. Điều này là khả thi vì với sự hỗ trợ cần thiết, các doanh nghiệp, nhất là ở những lĩnh vực xuất khẩu thế mạnh, có thể bật nhanh ngay khi dịch bệnh được khống chế.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tính từ đầu năm đến hết tuần đầu tháng 3, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ đạt 0,1%, trong khi cùng kỳ năm 2019 đạt 0,85%. 3 ngành nông - lâm - thủy sản, thương mại và công nghiệp chiếm khoảng 50% dư nợ tín dụng toàn hệ thống là 3 ngành chịu tác động mạnh nhất.

Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam. Ảnh: Internet

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông tin, mức độ dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh rất khó lường trước. Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, ngân hàng “hy sinh” ít nhất 300-450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh.

Ngân hàng cũng sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng nếu cần thiết. Trong bối cảnh đó, việc ngân hàng giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng là cách để tự cứu mình. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí, lương, thưởng để giảm lãi suất tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngay sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại lớn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Vietcombank, VietinBank, BIDV đã thống nhất tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từ mức giảm hiện tại 1,5% xuống tới 2,5%/năm. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách.