29/03/2024 lúc 02:40 (GMT+7)
Breaking News

Công ty CPTM Thái Hưng (Thái Nguyên): 'Núp mác' khôi phục sản xuất để thâu tóm đất vàng?

VNHNO - Thay vì thực hiện khôi phục sản xuất của Nhà máy thép Gia Sàng như cam kết, khi mua lại từ Thi hành án tỉnh Thái Nguyên. Công ty CPTM Thái Hưng lại thực hiện “xóa sổ” hoạt động sản xuất để chuyển sang xây dựng trung tâm thương mại. Động thái trên khiến hàng trăm lao động của Nhà máy lao đao…

VNHNO - Thay vì thực hiện khôi phục sản xuất của Nhà máy thép Gia Sàng như cam kết khi mua lại từ Thi hành án tỉnh Thái Nguyên. Công ty CPTM Thái Hưng lại thực hiện “xóa sổ” hoạt động sản xuất để chuyển sang xây dựng trung tâm thương mại. Động thái trên khiến hàng trăm lao động của Nhà máy lao đao…

Nhà máy thép Gia Sàng tang hoang trong quá trình giải phóng mặt bằng của Cty CPTM Thái Hưng

Kiến nghị đến Việt Nam Hội nhập Online, người lao động tại Nhà máy cán thép Gia Sàng cho hay: “Suốt 6 năm qua hàng trăm công nhân lao động chúng tôi phải sống trong cảnh lao đao bởi GSS (Nhà máy cán thép Gia Sàng – PV) cổ phần hóa làm ăn thua lỗ đẩy chúng tôi vào bước đường mất việc làm, không lương, không có bất cứ một chế độ quyền lợi,… Từ tháng 9/2012 đến nay tổng số tiền nhà máy nợ công nhân chúng tôi là trên 40 tỷ đồng gồm: Lương, BHXH, BHYT. Trong đó, tiền BHXH người lao động tự bỏ ra đóng, tiền công nhân bị tai nạn rủi ro, ốm đau, thai sản, chết … và rất nhiều khoản nợ khác.

Việc Công ty CPTM Thái Hưng mua lại Gia Sàng để khôi phục sản xuất khiến chúng tôi vô cùng sung sướng và hy vọng lại được thắp lên sau những ngày tăm tối. Tuy nhiên, thay vì hoạt động sản xuất và đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ sau 6 tháng Cty Thái Hưng đã chính thức “xóa sổ” luôn Gia Sàng bằng một trung tâm thương mại.

Toàn bộ thiết bị máy móc, nhà xưởng đều giải tán, công nhân đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Động thái trên của Cty Thái Hưng chẳng khác nào đẩy người lao động đến bước đường cùng bởi Gia Sàng đã khó khăn kiệt quệ, nay đến nhà xưởng và mặt bằng cũng mất thì ai sẽ là người đứng ra đảm bảo quyền lợi cho người lao động?...”.

Nhà máy thép Gia Sàng tang hoang trong quá trình giải phóng mặt bằng của Cty CPTM Thái Hưng

Tìm hiểu về sự việc trên, PV được biết: Năm 2013, Công ty Gia Sàng dừng mọi hoạt động sản xuất, kèm theo đó là số nợ phải thanh toán cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Thái Nguyên và các khoản nợ khác. Do doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ trên nên năm 2014, Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên đã tổ chức thi hành bản án theo Quyết định 07 của TAND thành phố Thái Nguyên.

Sau nhiều cuộc họp, các đơn vị liên quan đã thống nhất giải quyết thi hành án bằng cách bán đấu giá công khai toàn bộ khối tài sản trên đất của doanh nghiệp với điều kiện: tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (Công ty Thái Hưng) là đơn vị trúng đấu giá 56 tỷ đồng, cam kết sẽ thực hiện các yêu cầu của người lao động, cũng như chủ trương của UBND tỉnh.

Tháng 12/2016, Thái Hưng đã đưa thép Gia Sàng hoạt động trở lại theo đúng cam kết trong sự hân hoan của toàn thể cán bộ công nhân viên. Thế nhưng, chỉ 6 tháng sau đó, công ty này bất ngờ cho dừng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà máy cán thép.  

Nhà máy thép Gia Sàng chỉ còn lại cái tên, ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

Động thái trên của Cty Thái Hưng đã vi phạm về điều kiện cũng như chủ trương của UBND tỉnh Thái Nguyên khi được mua lại nhà máy theo Gia Sàng mà Chi cục Thi hành án đã đưa ra. Tuy nhiên, ngày 23/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ban hành quyết định số: 3669/QĐ-UBND (do ông Vũ Hồng Bắc - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký) về việc Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City) ngay trên phần đất nhà xưởng cũ rộng 22,6 ha của nhà máy thép Gia Sàng (?).

Vậy, mục đích ban đầu khi mua lại Gia Sàng của Cty Thái Hưng là gì? Đây có thực sự là một cuộc “giải cứu” người lao động hay cố tình “núp mác” khôi phục sản xuất để thâu tóm đất vàng? Quyền lợi của người lao động tại nhà máy Gia Sàng ai sẽ là người chịu trách nhiệm bởi Gia Sàng lúc này chỉ còn là một cái tên không tài sản, không hoạt động sản xuất?

Để rộng đường dư luận, PV đã liên hệ trực tiếp tới Công ty CPTM Thái Hưng để tìm câu trả lời. Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua sau khi gửi nội dung phản ánh và nhận được câu trả lời: “nội dung làm việc bên em đang cho các bộ phận tổng hợp”, Cty Thái Hưng cũng bặt vô âm tín.

Trong một diễn biến khác, để thông tin được khách quan hai chiều, PV cũng đã đem phản ánh gửi đến UBND TP. Thái Nguyên thì đại diện của đơn vị này cho biết: “Dự án của Cty Thái Hưng không thuộc thẩm quyền của UBND TP, từ chủ trương cho đến giao đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh”.

Xin được nhắc lại, điều kiện để Cty Thái Hưng trúng thầu của Chi cục Thi hành án tỉnh Thái Nguyên cũng như chủ trương của UBND tỉnh là: “Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không được tháo dỡ nhà xưởng, dây chuyền sản xuất mà phải đầu tư để tái sản xuất, giải quyết việc làm và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”. Việc Cty Thái Hưng trúng đấu giá đã gắn với việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội, vậy tại sao cho đến bây giờ người lao động vẫn phải bơ vơ? Ai sẽ là người đứng ra đảm bảo quyền lợi cho họ?

Việt Nam Hội nhập Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!