20/04/2024 lúc 20:08 (GMT+7)
Breaking News

Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần: Phát huy truyền thống trong hội nhập phát triển

Sau 17 năm hoạt động theo phương thức Cổ phần hóa (từ năm 2000), vượt qua những thách thức khắc nghiệt của cơ chế thị trường, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đến nay đã phát triển lớn mạnh, giữ vững truyền thống là đơn vị chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh Nghệ An.

VNHN - Sau 17 năm hoạt động theo phương thức Cổ phần hóa (từ năm 2000), vượt qua những thách thức khắc nghiệt của cơ chế thị trường, Công ty CP Thủy sản Vạn Phần (xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đến nay đã phát triển lớn mạnh, giữ vững truyền thống là đơn vị chế biến thủy sản chủ lực của tỉnh Nghệ An.

 

Nước mắm là sản phẩm chính và là mặt hàng làm nên uy tín, thương hiệu của Công ty Vạn Phần từ bao năm nay. Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp - nhất là đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Công ty Cp Thủy sản Vạn Phần đã sớm đưa hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ISO - 22:000:2005 áp dụng vào sản xuất. Trên cơ sở đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Công ty đã ứng dụng 4 Đề tài khoa học công nghệ mới, qua đó quá trình sản xuất đảm bảo sạch hơn, quy trình kỹ thuật tiên tiến hơn, giúp làm tốt công tác bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Ảnh : Giám đốc Công ty CP thủy sản Vạn Phần Diễn Châu -  Võ Văn Đại nhận giải thưởng Top 300 thương hiệu hàng đầu Việt Nam do người tiêu dùng bình chọn năm 2014 tại Hà nội

Để có nguyên liệu đảm bảo chất lượng tốt, vào vụ chính của nghề đánh bắt cá, công ty chọn những mẻ các cơm béo nhất, tươi ngon nhất mua về phân loại, chọn riêng làm chượp nhằm cho ra loại nước mắm có độ đạm cao và thơm ngon. Việc ứng dụng khoa học công nghệ mới luôn được công ty quan tâm và trên thực tế công ty đã chuyển đổi quy trình sản xuất từ nấu phá bã sang kéo rút, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng năng suất lao động, đảm bảo vệ sinh hơn và nâng cao chất lượng nước mắm… Tiếp đến là công tác quản lý chất lượng sản phẩm, bao gồm từ khâu chọn nguyên liệu cho đến quá trình tổ chức sản xuất, trên cơ sở giữ cách chế biến nước mắm truyền thống là sử dụng phương pháp ủ chượp, gài nén, không sử dụng chất bảo quản.Thời gian ủ chượp phải đảm bảo 10 - 12 tháng, khi nước mắm hình thành trong suốt, có màu từ vàng rơm đến màu cánh dán nhạt, mất mùi tanh và có mùi thơm đặc trưng… nước mắm sẽ được rút đợt đầu, gọi là nước mắm cốt… Nhờ vậy mà sản phẩm Nước mắm Vạn Phần được người tiêu dùng ưa thích, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và sử dụng mã vạch theo quy định của Quốc gia và Quốc tế, được Bộ Công thương tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao cùng với nhiều Giải thưởng khác. Có thể nói, việc phát triển và mở rộng thị trường cho sản phẩm của Công ty Thủy sản Vạn Phần vốn là một yêu cầu vừa trước mắt vừa lâu dài nhưng trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì thực sự không dễ dàng. Điều đáng mừng là Công ty Vạn Phần đã từng bước thực hiện được yêu cầu quan trọng đó. Đơn vị đã mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh miền Bắc, doanh số ngoại tỉnh không ngừng tăng. Sản phẩm Nước mắm, mắm tôm Vạn Phần đã khẳng định uy tín và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đơn vị đã thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt nam dùng hàng Việt nam” thông qua việc sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Công ty chú ý đến việc đa dạng hoá sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ảnh : Đóng chai sản phẩm nước mắm tại Công ty cổ phần thủy sản Vạn Phần

Mặc dù có những khó khăn mới như: giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, việc vay vốn cho hoạt động sản xuất cũng rất khó vì không có tài sản thế chấp… nhưng  kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 là minh chứng sinh động về sự vượt khó của đơn vị để ổn định sản xuất và phát triển. Công ty đã mua được hơn 500 tấn cá và 150 tấn muối, đảm bảo nguyên liệu đủ cho sản xuất cả năm 2016 và dự trữ cho năm 2017. Không những thế, tính đến 30/9/2017 công ty đã mua được 895 tấn cá và 242 tấn muối, đủ cho sản xuất của năm 2018. Doanh thu của năm 2016 tăng 30% so với năm 2015 (đạt 16,6 tỷ đồng) và 9 tháng đầu năm 2017 doanh thu đạt 70% kế hoạch năm (11,5 tỷ đồng)… Đó là một kết quả đáng mừng mà chỉ có sự quyết tâm rất cao của cả một tập thể mới đạt được.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, những trở ngại đối với doanh nghiệp nói chung, với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản nói riêng, vẫn còn nhiều. Trong đó, sự quản lý của nhà nước chưa đồng bộ, thiếu sự công bằng trong kinh doanh; thuế suất VAT 10%  là quá cao, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm như  của công ty (nên giảm còn 5% thì phù hợp với đặc điểm sản xuất và vì quyền lợi của người tiêu dùng). Bên cạnh đó, việc vay vốn phát triển sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD. Nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm để chống hàng giả, nâng cao năng suất lao động, xây dựng thương hiệu và tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước./.