28/03/2024 lúc 17:14 (GMT+7)
Breaking News

Công tác Tuyên giáo góp phần tạo dựng niềm tin & hội nhập

VNHN - Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Điện Biên anh hùng đang không ngừng đổi mới vươn lên, quyết tâm xây dựng Điện Biên giàu đẹp, văn minh. Qua đó, ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí công tác Tuyên giáo trong việc tạo dựng niềm tin cho nhân dân các dân tộc Điện Biên và hội nhập

VNHN - Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người Điện Biên anh hùng đang không ngừng đổi mới vươn lên, quyết tâm xây dựng Điện Biên giàu đẹp, văn minh. Qua đó, ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí công tác Tuyên giáo trong việc tạo dựng niềm tin cho nhân dân các dân tộc Điện Biên và hội nhập với Quốc tế.

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có đường biên giới tiếp giáp với hai quốc gia láng giềng là Lào và Trung Quốc; là tỉnh có hành lang du lịch xuyên Á theo đường cửa khẩu Quốc tế Tây Trang; là vùng đất lịch sử tự hào, gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; đây cũng là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, mang đậm bản sắc truyền thống của một vùng Tây Bắc. Điện Biên hôm nay không chỉ là vùng đất lịch sử, mà còn là miền đất đầy hấp dẫn đối với du khách muôn phương, điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai quán triệt học tập Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Tuy nhiên, là một địa phương miền núi có xuất phát điểm rất thấp về kinh tế nên Điện Biên còn gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; đời sống của đồng bào khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận của đồng bào các dân tộc thiểu số về âm mưu của kẻ địch, còn hạn chế, trong khi đó các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu chống phá, tiếp tục thực hiện ráo riết chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Chúng luôn lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chia rẽ tình đoàn kết các dân tộc, xúi giục đồng bào di dịch cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật; tình trạng các loại tội phạm buôn bán ma túy xuyên quốc gia cũng diễn biến hết sức phức tạp...

Song, vượt lên những khó khăn ấy, hệ thống công tác Tuyên giáo trong toàn tỉnh đã bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của ngành và gắn vào thực tế của mỗi địa phương đơn vị, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, để việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng với nội dung ngày càng đa dạng, sâu sắc, có sức thuyết phục và lan tỏa hơn. Nội dung, phương thức công tác tuyên giáo và định hướng dư luận có nhiều đổi mới, nhanh nhạy, chủ động hơn, phù hợp với từng đối tượng, mỗi nhiệm vụ đều gắn với sản phẩm cụ thể. Kịp thời tham mưu cấp ủy tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt, triển khai sơ, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định của Đảng; chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu, đề xuất cấp ủy xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm được dư luận quan tâm; góp phần từng bước hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (người đúng thứ 4 từ trái sang) trao giải  cho các thí sinh tại Hội thi Báo cáo viên giỏi cấp huyện do huyện Điện Biên tổ chức

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, những năm qua về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,15% (đạt mục tiêu đề ra); Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng định hướng; Tái cơ cấu nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tiến bộ, thu hút được các dự án lớn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán, nhất là nguồn thu từ đất tăng cao (tăng 54% so với dự toán); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ, nhất là vốn ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp tư nhân (tăng 53% so với năm 2017); Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thu hút đầu tư đạt khá; cải cách hành chính tiếp tục có chuyển biến rõ nét; công tác xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; Chất lượng giáo dục đào tạo, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm mới cho lao động tiếp tục có chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo vệ, giữ vững, không để các vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng.

Đạt được những thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Tuyên giáo; đáng chú ý là đến nay 14/14 đảng bộ trực thuộc tỉnh, 645 Tổ chức cơ sở đảng, với 37.108 đảng viên được nghiên cứu, quán triệt và học tập, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,  tiếp tục được Ban Tuyên giáo các Đảng bộ trực thuộc tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tham mưu cấp uỷ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể tới các cấp, các ngành triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú. Qua đó góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội và công tác đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch được triển khai ngày càng chặt chẽ, khoa học, đồng bộ. Công tác định hướng thông tin tuyên truyền, báo chí - xuất bản, hoạt động thông tin, công tác tuyên giáo tiếp tục bám sát hướng dẫn, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác giáo dục lý luận chính trị, lịch sử đảng, văn hóa, văn nghệ, báo chí xuất bản, khoa giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội  ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp được quan tâm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới… Toàn tỉnh hiện có 05 đồng chí Báo cáo viên Trung ương, 50 đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh và 352 báo cáo viên cấp huyện là lãnh đạo chủ chốt, đây thực sự là lực lượng quan trọng làm nòng cốt về báo cáo viên, tuyên truyền miệng, để tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội.

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng (người đứng thứ hai  từ phải sang) trao tặng quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách  tại xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa

Công tác chỉ đạo, định hướng báo chí được thực hiện có hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh, định hướng nội dung tuyên truyền, nhất là đối với các nội dung nhạy cảm. Công tác nắm bắt dư luận xã hội được thực hiện kịp thời, chất lượng thông tin ngày càng nâng lên; chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, không để hình thành những điểm nóng, kịp thời đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử xấu. Công tác phối hợp, định hướng việc tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ đảm bảo an toàn, chặt chẽ, đúng quy định, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo dựng niềm tin trong nhân dân các dân tộc.

Chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) được nâng cao, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình trong nước, quốc tế, thành tựu của đất nước, của tỉnh làm tài liệu tuyên truyền về công tác TTĐN; đã phối hợp xây dựng các phóng sự tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Điện Biên phát sóng trên các kênh truyền hình đối ngoại VTC10, VTC1; xuất bản ấn phẩm TTĐN bằng song ngữ Việt - Anh nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Điện Biên được phát hành trong và ngoài tỉnh; một số cơ quan chức năng đã xây dựng chuyên mục thông tin đối ngoại trên trang thông tin điện tử, Ban Tuyên giáo đã thẩm định và cho phát hành 10 loại ấn phẩm giới thiệu, quảng bá du lịch Điện Biên… Bên cạnh đó, tại địa bàn các xã biên giới, các lực lượng, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo tuyên truyền, vận động giáo dục quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa của công tác TTĐN, nhằm thực hiện tốt Luật Biên giới quốc gia, Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền. Qua đó góp phần tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…

Trên địa bàn tỉnh, năm 2019 là năm kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2019), 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949 - 10/10/2019); 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2019) và 15 năm chia tách thành lập tỉnh Điện Biên (01/01/2004 - 01/01/2019). Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi để ngành Tuyên giáo làm tốt công tác tuyên tuyền, nhằm tiếp tục ổn định tình hình chính trị, xã hội; cùng với sự chuyển biến tích cực về kinh tế; kỷ cương, kỷ luật hành chính dần đi vào nền nếp; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục được nâng lên, sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong năm 2019 và những năm tiếp theo./.