20/04/2024 lúc 07:25 (GMT+7)
Breaking News

Công nghệ bùng nổ: Giới toán và công nghệ cần một lời thề Hippocrates

VNHN - Các ứng dụng thuật toán ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng thuật toán cũng có đầy những thiên kiến cùng các quyết định sai. Vậy làm cách nào để hạn chế điều đó?

VNHN - Các ứng dụng thuật toán ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng thuật toán cũng có đầy những thiên kiến cùng các quyết định sai. Vậy làm cách nào để hạn chế điều đó?

Sử gia Yuval Harari, tác giả cuốn Homo Sapien, từng nhận định: “Bạn sẽ chấp nhận cung cấp cho các công ty Google hay nhà nước những dữ liệu về cơ thể bạn – đổi lại bạn sẽ có một cuộc sống có tuổi thọ cao hơn”. Trong ảnh là minh họa về hoạt động thu thập và phân tích dữ liệu gene của 23andMe trên tờ Financial times. 

Chúng ta cần một lời thề Hippocrates giống như cách mà giới y học đã làm, Hannah Fry, Phó Giáo sư toán đô thị tại Đại học London (UCL) nhấn mạnh. “Trong y học, bạn học về đạo đức ngay từ ngày đầu. Trong toán học và công nghệ cũng vậy, cần phải ưu tiên bổ sung quy định đạo đức ngay từ đầu và là kim chỉ nam cho mỗi bước đi của bạn”.

Hannah Fry, cho biết, tương đương với lời thề của bác sĩ, lời thề đạo đức dành cho các nhà toán học và kỹ sư máy tính cũng vô cùng quan trọng, bởi họ là những người đang xây dựng công nghệ định hình tương lai xã hội. Trước sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mới, có thể tác động sâu rộng tới mọi mặt của đời sống con người, thì các nhà toán học, kỹ sư máy tính và nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan cần một lời thề Hippocrates để bảo vệ công chúng trước lợi ích của những công ty công nghệ đầy quyền năng. 

Cam kết đạo đức sẽ khiến các nhà khoa học cân nhắc kỹ lưỡng hơn trong việc nghiên cứu các ứng dụng khả thi và buộc họ chỉ theo đuổi những công nghệ - mà tối thiểu - phải không gây hại cho xã hội.

Fry nghiên cứu về sức mạnh và những hiểm họa của toán học hiện đại và tháng 12 tới đây, cô sẽ giảng bài trên chương trình khoa học dành cho đại chúng Royal Institution Christmas Lectures 2019 [Chuỗi bài giảng Giáng sinh của Học viện hoàng gia]. Đây là chương trình phổ biến khoa học cho đại chúng uy tín nhất ở Anh, bắt đầu được triển khai từ năm 1825, có sự tham gia của các nhà khoa học uy tín kể từ thời nhà vật lý Michael Faraday đến nhà vũ trụ học Carl Sagan ngày nay.

Trong chuỗi ba bài giảng về Bí mật và Lời nói dối: Sức mạnh Tiềm ẩn của Toán học, Fry sẽ nghiên cứu các trường hợp may mắn và rủi ro, từ việc tìm kiếm đối tác hoàn hảo đến việc duy trì sức khỏe và sự hạnh phúc. Cô cũng sẽ nghiên cứu về quá trình các thuật toán “nuốt chửng” dữ liệu, xâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống chúng ta như thế nào, cũng như những vấn đề mà toán học nên tránh xa; và chúng ta phải làm gì khi các con số không còn đáng tin nữa.

Fry cho biết cô nhận thấy các “điểm mù” đạo đức đang tồn tại trong giới khoa học khi đang trình bày về một mô hình máy tính mô tả các cuộc nổi loạn năm 2011, mà cô đã thực hiện cho sở cảnh sát Metropolitan trong một hội thảo ở Berlin. Các cử tọa, có hiểu biết về thực trạng kiểm soát của chế độ chuyên chế cảnh sát kiểm soát, đã truy vấn cô về vấn đề đó. Khi trở về London, Fry nhận ra rằng các nhà toán học, kỹ sư máy tính và nhà vật lý đã quen với việc giải quyết các vấn đề chuyên môn trừu tượng đến mức họ hầu như không bao giờ dừng lại để cân nhắc về những khía cạnh đạo đức trong việc ứng dụng các nghiên cứu của họ.

Nhưng vấn đề này đã trở nên cấp bách khi các nhà nghiên cứu đang xây dựng các hệ thống nhằm thu thập và bán dữ liệu cá nhân, khai thác các nhược điểm cá nhân của con người và đưa ra các quyết định một mất một còn. Có thể nói ví von là, “chúng ta có những công ty công nghệ, trong đó đầy những cậu bé còn rất trẻ và thiếu kinh nghiệm, thường là những cậu bé da trắng chỉ ở trong môi trường toán học và khoa khoa học máy tính,” Fry nói.

“Họ chưa bao giờ được yêu cầu suy nghĩ về khía cạnh đạo đức, họ chưa bao giờ được yêu cầu xem xét về cách người khác nhìn nhận cuộc sống có gì khác biệt so với họ, nhưng rốt cục, đây là những người đang định hình tương lai cho tất cả chúng ta.”

Quan điểm cần có lời thề Hippocrates dành cho các nhà khoa học đã từng được đưa ra thảo luận trước đây, trong đó có cả nhà triết học Karl Popper, người đã viết vào năm 1969: “Một trong số ít những điều mà chúng ta có thể làm được là cố gắng đánh thức nhận thức của tất cả các nhà khoa học về trách nhiệm mà họ cần phải có.” Ba mươi năm sau, Ngài Joseph Rotblat, GS Toán Đại học London, người đã từ bỏ dự án nghiên cứu bom hạt nhân của phe Đồng minh vì lý do đạo đức và nhận giải Nobel Hòa bình năm 1995, đã tán thành một cam kết do nhóm sinh viên Mỹ Pugwash khởi thảo về việc cần phải “nghiên cứu có trách nhiệm, không gây hại cho xã hội và môi trường”. Ông cũng đồng thời viết một bài trên tạp chí Science năm 1999 về việc cần có lời thề Hippocrates trong khoa học.
Fry cho biết cô không chống lại các thuật toán mà muốn giúp công chúng hiểu rõ về những hạn chế của chúng. Cô trích dẫn trường hợp của cuốn sách giáo khoa kinh điển The Making of a Fly của nhà sinh vật học người Anh Peter Lawrence. Có thời điểm, chỉ vì sự nhầm lẫn trong tính toán của các lệnh toán nhằm đẩy giá lên cao và có lãi nhất, mà cuốn sách này đã bị đẩy giá lên tới 23 triệu USD. Còn Fry thì đã xóa tài khoản Facebook của mình và sử dụng tên giả cho các địa chỉ email trực tuyến, cho biết cô cũng tin rằng công chúng phải chịu trách nhiệm trong việc các sản phẩm do các hãng công nghệ đưa ra.

Các nhà toán học, kỹ sư máy tính và nhà vật lý đã quen với việc giải quyết các vấn đề chuyên môn trừu tượng đến mức họ hầu như không bao giờ dừng lại để cân nhắc về những khía cạnh đạo đức trong việc ứng dụng các nghiên cứu của họ.

“Chúng ta có được công nghệ mà mình yêu cầu. Nhưng việc có một cuộc trao đổi mang tầm quốc gia về những gì chúng ta thực sự muốn là vô cùng quan trọng. Bởi vì khả năng cao là chúng ta vẫn cứ đưa ra những quyết định tán thành trong khi vẫn chưa có được một cái nhìn đầy đủ về chúng.”
“Công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm di truyền, 23andMe, là một trường hợp điển hình,” cô lấy thêm ví dụ. “Chúng ta thực sự trao cho họ dữ liệu riêng tư nhất, đó là DNA của bản thân, nhưng sự chấp thuận này không chỉ là vấn đề của riêng chúng ta, mà còn là vấn đề của con cháu chúng ta. Có thể hiện tại chúng ta không sống ở một thế giới, nơi mọi người bị phân biệt đối xử về mặt di truyền, nhưng ai dám nói rằng trong 100 năm tới chúng ta sẽ không làm thế? Và chúng ta đang trả tiền để gửi thêm DNA của bản thân vào bộ dữ liệu đó.”

Hannah Fry: “Tương lai không tự dưng mà xảy ra. Chúng ta đang xây dựng nó, và chúng ta đang xây dựng nó mọi lúc”. Ảnh: Paul Wilkinson/ TheGuardian.

Câu trả lời nằm ở việc phải trang bị kiến thức cho tất cả mọi người. “Tương lai không tự dưng mà xảy ra. Chúng ta đang xây dựng nó, và chúng ta đang xây dựng nó mọi lúc. Cần một cuộc thảo luận ở tầm quốc gia về điều đó, những gì mọi người đang phát biểu trên phương tiện truyền thông, những gì mọi người đang bàn luận trên Twitter và trên Instagram, tôi tin rằng chúng tạo ra sự khác biệt.”
 “Một trong những vấn đề mà toán học phải chống lại, đó là những giá trị của nó không thể trực tiếp nhìn thấy được,” Fry nói. “Các nhà toán học không thể nhận thấy được sự bùng nổ [của vấn đề này] chỉ từ góc nhìn của riêng mình. Nhưng mặc dù không thể nhìn thấy được, toán học vẫn tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của chúng ta, và tại thời điểm này trong lịch sử, điều đó lại càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết.”./.

Đinh Anh Thư dịch (Theo Tạp chí Tia sáng)

Nguồn:https://www.theguardian.com/science/2019/aug/16/mathematicians-need-doctor-style-hippocratic-oath-says-academic-hannah-fry