28/03/2024 lúc 21:00 (GMT+7)
Breaking News

Cơn sốc giá dầu: Nặng, nhẹ thế nào

VNHN - Giá dầu tăng tới gần 20% sau vụ tấn công Saudi Arabia diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn, khi kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.

VNHN - Giá dầu tăng tới gần 20% sau vụ tấn công Saudi Arabia diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn, khi kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.

Khói bốc lên sau đám cháy ở cơ sở của Aramco ở thành phố Abqaib, Saudi Arabia - Ảnh: Reuter

Giá dầu thế giới hôm 16/9 có lúc tăng vọt lên hơn 71 USD/thùng sau cuộc tấn công nhằm vào cơ sở dầu Saudi Arabia vào cuối tuần qua, khiến nguồn cung dầu toàn cầu giảm 5%.

Theo Reuters, giá dầu Brent có thời điểm tăng đến gần 20% trong khi giá dầu thô Mỹ tăng gần 16% lên mức cao nhất kể từ tháng 5. Dù vậy, “cơn sốc” này đã có xu hướng giảm bớt khi nhiều bên nỗ lực hạ nhiệt.

Giá dầu thế giới giảm khoảng 6% trong ngày 17/9 sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho biết nước này nỗ lực khôi phục nguồn cung dầu mỏ như cũ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cho phép sử dụng kho dự trữ dầu chiến lược của nước này để bảo đảm nguồn cung ổn định.

Từ thị trường…

Ông Saul Kavonic, một nhà phân tích năng lượng tại Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gián đoạn nguồn cung và giá dầu phản ứng như thế trên thị trường dầu mỏ".

Một số chuyên gia nói với hãng tin Reuters rằng giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng nếu Saudi Arabia không nhanh chóng khôi phục lại nguồn cung dầu bị ảnh hưởng. Ông Samuel Ciszuk, làm việc tại tổ chức năng lượng toàn cầu ELS Analysis (Thụy Điển), nhận định nguồn cung toàn cầu bị giảm 5% là rất lớn và sẽ mất vài tuần để tình trạng này bắt đầu gây sức ép lên thị trường.

"Giá dầu thô sẽ tăng thêm ít nhất 15-20 USD/thùng trong kịch bản nguồn cung dầu của Saudi Arabia bị gián đoạn 7 ngày. Mức giá này sẽ tăng lên ít nhất 100 USD/thùng với kịch bản 30 ngày gián đoạn" - ông Robert McNally, Chủ tịch Công ty Rapidan Energy (Mỹ), dự báo.

Tuy nhiên, theo tờ The New York Times (Mỹ), một số ý kiến khác lại tin rằng thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới sẽ không chịu cú sốc nghiêm trọng. Theo họ, vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh kho dự trữ dầu toàn cầu cao hơn mức bình thường, một số nước sản xuất dầu có nguồn dự phòng dồi dào và các cơ sở dầu ở Mỹ cho đến giờ đã tránh được sự tàn phá trong mùa bão năm nay. Song song đó, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu góp phần làm giảm nhu cầu về năng lượng.

Nỗi lo lúc này là vẫn chưa rõ Saudi Arabia sẽ mất bao lâu để sửa chữa cơ sở Abqaiq bị tấn công hôm 14/9 vì nơi này có quy mô rộng lớn và nhiều thiết bị phức tạp cần được kiểm tra.

Các nhà đầu tư cho rằng giá dầu thế giới tăng hay giảm và diễn biến như thế nào sẽ phụ thuộc vào khả năng hồi phục của cơ sở lọc dầu Abqaiq của Aramco, cũng như cách Washington và Riyadh phản ứng.

…đến chính trường

Hiện mọi sự chú ý đang đổ dồn về cách phản ứng của Mỹ và Saudi Arabia sau khi đưa ra kết luận sơ bộ rằng vũ khí của vụ tấn công có nguồn gốc từ Iran. Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan, đồng thời khẳng định sẽ không tham gia đàm phán với Mỹ ở mọi cấp độ, dù áp lực đó là như thế nào. Theo giới phân tích, 2 cơ sở dầu của Saudi Arabia bị tấn công hôm 14/9 vừa qua, sẽ phải mất nhiều tháng để khôi phục, thay vì vài tuần như tuyên bố trước đó.

Về khía cạnh điều tra vụ tấn công, Liên quân Arab ngày 16/9 đã công bố kết quả sơ bộ, khẳng định vũ khí được sử dụng trong cả hai vụ tấn công này đều có nguồn gốc từ Iran.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của lực lượng liên quân, Đại tá Al Maliki cho biết: “Kết quả điều tra sơ bộ ban đầu đã chỉ ra rằng, các vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công hai cơ sở của tập đoàn dầu khí nhà nước Aramco của Saudi Arabia là của Iran. Các máy bay không người lái (UAV) trong vụ tấn công không được phóng đi từ lãnh thổ Yemen - giống như lực lượng Houthi đã nhận trách nhiệm trước đó. Houthi chỉ là một công cụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đó là những gì họ sử dụng để hiện thực hóa mục tiêu và chương trình nghị sự của họ trong khu vực. Kết quả này sẽ ngay lập tức được công khai khi quá trình điều tra hoàn tất”.

Hiện Saudi Arabia đang mời các chuyên gia Liên Hợp Quốc và quốc tế tham gia vào quá trình điều tra và đánh giá hậu quả của vụ tấn công “lớn chưa từng có” nhằm vào nước này.

Trong khi đó, Mỹ khẳng định gần như chắc chắn Iran đứng đằng sau vụ việc này. Theo Tổng thống Donald Trump, vụ tấn công vào Saudi Arabia có thể sẽ bị đáp trả bằng một vụ tấn công lớn hơn.

Thế giới những ngày qua đã đồng loạt lên tiếng quan ngại về vụ tấn công, coi đó là hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa, để tránh xảy ra một cuộc xung đột mới. Đặc biệt là trong bối cảnh, vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào được đưa ra cho các cáo buộc về thủ phạm tiến hành vụ tấn công.

Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và một số quan chức Mỹ sẽ sớm tới Saudi Arabia để thảo luận về vấn đề. Trong khi Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/9 cũng xác nhận Tổng thống Putin sẽ tới Saudi Arabia vào tháng 10 tới.

Về phần mình, giữa tâm điểm cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công từ Mỹ và Saudi Arabia, Iran đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng đây là chiến dịch nói dối, nhằm bôi nhọ hình ảnh đất nước Iran, nhằm tạo cớ cho những động thái chống Iran “tiếp theo” trong tương lai của các quốc gia này.

Và hậu quả

"Cú sốc nguồn cung sụt giảm, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đi xuống và các điểm nóng địa chính trị bùng nổ, là điều chúng ta không mong muốn", Rob Subbaraman - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Nomura Holdings cho biết.

Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt tín hiệu cảnh báo. Hồi tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Theo IMF, GDP toàn cầu có thể chỉ tăng 3,2% năm nay, 3,5% năm tới.

Số liệu công bố ngày 16/9 cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 8 của Trung Quốc tăng chậm nhất kể từ năm 2002. Các nền kinh tế mới nổi phải giải quyết thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai, như Ấn Độ hay Nam Phi, thì lại đang đối mặt với rủi ro dòng vốn rút đi và nội tệ yếu.

Khi giá dầu tăng vọt, chính phủ và doanh nghiệp tại các nước xuất khẩu dầu sẽ có thêm nguồn thu. Trong khi đó, các nước tiêu thụ sẽ bị tăng chi phí, từ đó khiến lạm phát tăng và nhu cầu giảm. Là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại từ việc giá tăng vọt. Nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng đang phải dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu.

Dù vậy, lạm phát hiện không phải mối lo trực tiếp của kinh tế toàn cầu. Lo ngại lớn hơn là tác động của cú sốc giá lên nhu cầu toàn cầu vốn đang rất yếu. Louis Kuijs - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economics nhận xét: "Sản xuất thiếu hụt và giá tăng sẽ bóp nghẹt khả năng mua hàng, gây sức ép lên chi tiêu trong thời điểm bấp bênh của kinh tế toàn cầu". Một nghiên cứu của IMF năm 2017 chỉ ra nếu giá dầu tăng hơn 10% và duy trì trong một năm, GDP toàn cầu sẽ giảm 0,1% trong 2 năm.

Tin tức từ Saudi Arabia đã làm tăng khả năng các ngân hàng trung ương toàn cầu nới lỏng tiền tệ. David Mann - kinh tế trưởng tại Standard Chartered cho rằng: "Chúng ta sẽ thấy các ngân hàng nới lỏng nhiều hơn trong vài tuần tới".

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippine Benjamin Diokno cho biết việc giá dầu tăng sẽ được bàn bạc trong cuộc họp về lãi suất tuần tới của cơ quan này. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng có cuộc họp chính sách tuần này. Từ trước đó, phần lớn nhà kinh tế đã dự báo cơ quan này hạ 0,25% lãi suất.