25/04/2024 lúc 13:51 (GMT+7)
Breaking News

Có nhiều khe hở trong việc bảo vệ người lao động ở doanh nghiệp phá sản

VNHN - Theo ông Young-mo, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thực tế một doanh nghiệp chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường.

VNHN - Theo ông Young-mo, chuyên gia về quan hệ lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thực tế một doanh nghiệp chuẩn bị phá sản luôn có những dấu hiệu báo trước, với việc hoạt động kinh doanh bất bình thường.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có chủ bỏ trốn đều nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, cũng như các chế độ khác của người lao động, sau đó chủ doanh nghiệp âm thầm tẩu tán tài sản, bỏ trốn... Tuy nhiên, sự phản ứng chậm chạp của các cơ quan chức năng và những khoảng trống pháp lý, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật của các chủ đầu tư khiến người lao động là những người phải gánh chịu nhiều hậu quả, thiệt thòi.

Thông tin về thực trạng hiện nay, bà Trần Thị Thanh Hà - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/10/2018, số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 6.760 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, rút giấy phép kinh doanh, chủ bỏ trốn, tính đến tháng 9/2018 là 2.270 doanh nghiệp với số nợ BHXH phải tính lãi khoảng 147 tỷ đồng; ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 17.728 người lao động.

Ảnh minh họa

Tiêu biểu như tại tỉnh Đồng Nai: Từ 1/1/2012 đến 31/12/2018, có 66 doanh nghiệp đang sử dụng 7.272 lao động có chủ bỏ trốn. Trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 65/66 doanh nghiệp, chiếm 98,48%, còn lại là doanh nghiệp liên doanh.

Qua tổng kết, số nợ BHXH của các doanh nghiệp ở Ðồng Nai bỏ trốn lên tới hơn 100 tỷ đồng, ảnh hưởng tới khoảng 5.000 NLĐ. Điển hình là vụ bỏ trốn của chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (100% vốn Hàn Quốc, ở KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vào dịp cận tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, với tổng số tiền lương còn nợ là 13,7 tỷ đồng, 16,3 tỷ đồng tiền BHXH, ảnh hưởng đến 1.900 người lao động.

Ảnh minh họa

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mặc dù đã có 62 tỉnh, thành phố ký quy chế phối hợp quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký thành lập, nhưng chủ yếu mang tính hình thức, chưa thực chất, công tác phối hợp chưa tốt nên hiệu quả chưa cao; ý thức tuân thủ của doanh nghiệp tại Việt Nam còn kém. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, mất tích chiếm 50% trong DN ngừng hoạt động tại Việt Nam. Đáng chú ý vướng mắc hiện nay chính là các quy định pháp luật chưa rõ ràng trong chế tài xử lý đối với DN giải thể, có chủ bỏ trốn... Đơn cử, dù Bộ luật Lao động 2012 quy định trường hợp DN bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT… của NLĐ được ưu tiên thanh toán. Song trên thực tế, nhiều trường hợp, phần tài sản cố định của DN khi giải thể hầu như không còn gì đáng giá, còn diện tích đất lại là tài sản đi thuê của Nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân khác.

Ở góc độ khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định pháp luật về phá sản DN quá phức tạp, kéo dài, trong khi Luật Phá sản chưa có quy định về thủ tục giải quyết án phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của DN.

Ảnh minh họa

Đối với DN có chủ bỏ trốn thì Luật DN chưa có quy định về DN có chủ bỏ trốn; chưa có quy định về quy trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng DN có chủ bỏ trốn. Chế tài xử lý đối với các chủ DN không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ tính răn đe. Tiếp đến, về xử lý tài sản của DN phá sản, có chủ bỏ trốn, Luật Đầu tư không quy định xử lý tài sản của DN ngừng hoạt động do vắng chủ. Trong khi đó, Luật Phá sản 2014 quy định, đối với các khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó, còn tiền lương, tiền BHXH mà DN còn nợ của NLĐ phải chi trả sau, bằng các tài sản còn lại của DN.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế kiểm tra, giám sát này phải được thực hiện một cách hợp lý và hiệu quả, yêu cầu có sự phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực như: Cơ quan quản lý đầu tư, cơ quan thuế, hải quan và BHXH. Định kỳ 3 tháng, các bên trao đổi thông tin với nhau về việc DN đã nợ thuế, nợ BHXH hoặc thay đổi địa chỉ kinh doanh; kết hợp với công tác quản lý tại địa phương để kịp thời phát hiện những trường hợp DN không tiến hành các thủ tục pháp lý để hoạt động cũng như chấm dứt hoạt động. Trong nhiệm vụ chức năng của mình, các bên tiến hành xử lý các DN theo đúng các quy định pháp luật. Cơ chế hậu kiểm này không chỉ để xử lý DN vi phạm mà còn có thể kịp thời phát hiện các DN gặp khó khăn về tài chính, hỗ trợ và giúp các DN đề ra các biện pháp khắc phục khó khăn đó.