20/04/2024 lúc 19:46 (GMT+7)
Breaking News

Cơ hội đánh giá toàn diện cán bộ tiến tới đại hội XIII của Đảng

VNHN - Nước ta đang tập trung cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã phải hoãn tiến hành đại hội đảng bộ các cấp. Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay cũng có mặt thuận lợi, đó là có thể đánh giá thêm về năng lực, phẩm chất đạo đức của các cán bộ qua công tác phòng, chống dịch đang ở giai đoạn quyết liệt, cao điểm.

VNHN - Nước ta đang tập trung cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã phải hoãn tiến hành đại hội đảng bộ các cấp. Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam NGUYỄN TÚC cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay cũng có mặt thuận lợi, đó là có thể đánh giá thêm về năng lực, phẩm chất đạo đức của các cán bộ qua công tác phòng, chống dịch đang ở giai đoạn quyết liệt, cao điểm.

Điều chỉnh thời gian cho phù hợp với tình hình mới

- Trong bối cảnh cả nước đang ở cao điểm chống đại dịch Covid-19, cùng với nhiệm vụ chống dịch trước mắt, các địa phương tiếp tục tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Bối cảnh này đặt ra vấn đề gì trong công tác chuẩn bị đại hội, thưa ông?

- Năm nay, công tác chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong hoàn cảnh rất đặc biệt, điều kiện khó khăn hơn nhiều so với những kỳ đại hội trước, do cả nước đang dồn toàn lực quyết liệt thực hiện trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Chiến dịch này đã thu hút khối lượng nhân lực, vật lực rất lớn. Nếu các cấp ủy đảng không có sự phối hợp chặt chẽ, khéo léo thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị, tiến hành đại hội các cấp.

Thực tế rõ nét nhất hiện nay là Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách chống dịch, như tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người ở cùng một chỗ, thực hiện cách ly xã hội... ít nhất tới ngày 15.4 tới. Do đó, nhiều địa phương đã hoãn đại hội đảng các cấp để tập trung cho công tác phòng, chống dịch. 

Ông Nguyễn Túc 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều nơi đã và đang làm tốt thông qua việc điều chỉnh thời gian tiến hành đại hội các cấp. Việc điều chỉnh thời gian này là cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Kế hoạch tiến hành đại hội các cấp theo dự kiến của Trung ương dựa trên cơ sở đại hội các cấp diễn ra trong điều kiện bình thường, còn bây giờ trong giai đoạn cao điểm chống dịch như chống giặc, tình hình hiện nay cũng như “trong thời chiến” thì cấp ủy đảng, đặc biệt là cấp tỉnh ủy, quận ủy cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

- Trong hoàn cảnh khó khăn bao giờ cũng xuất hiện yếu tố thuận lợi. Cụ thể trong tình hình hiện nay thì như thế nào, thưa ông?

- Tôi cho rằng thời gian này là cơ hội tốt để chúng ta thử thách cán bộ, nhằm có được những đánh giá một cách toàn diện, tỉnh táo hơn. Đây là lúc để những cán bộ nào thực sự vì dân, vì nước, vì công việc bộc lộ phẩm chất đạo và năng lực, trình độ. Nói cách khác, nó giống như “lửa thử vàng...”. Do đó, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước theo hướng dẫn của Trung ương, của Ban Tổ chức Trung ương trong công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội, thì chúng ta cũng cần chú ý đến yếu tố phẩm chất đạo đức, năng lực của đội ngũ cán bộ được thể hiện cụ thể như thế nào trong những ngày này.

Công tác nhân sự cần thận trọng hơn nữa

- Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhiều điểm mới trong công tác chuẩn bị nhân sự cũng như bầu cử tại đại hội. Ông đánh giá thế nào về những điểm mới này?

- Qua tham gia Đại hội Chi bộ nơi tôi đang sinh hoạt thấy rằng, cách thức tiến hành bầu cử trong đại hội đảng bộ các cấp có một điểm mới rất hay so với những đại hội trước. Cụ thể, theo Chỉ thị số 35-CT/TW, đại hội đảng viên bầu Bí thư trực tiếp tại đại hội. Trước đây, chúng ta tiến hành bầu cấp ủy tại đại hội, sau đó cấp ủy tiến hành bầu ra bí thư. Lần này Trung ương yêu cầu bầu bí thư trực tiếp tại đại hội, qua đó khẳng định người đứng đầu có vị trí cực kỳ quan trọng. Nếu để cấp ủy bầu ra bí thư có thể chưa hoàn toàn bảo đảm tính khách quan, không tránh khỏi những vấn đề không mong muốn, như có sự nể nang giữa những người trong cấp ủy, hoặc không loại trừ có vấn đề lợi ích nhóm, cánh hẩu hay ảnh hưởng của yếu tố gia đình, dòng họ… Nếu đưa ra toàn thể đại hội bầu bí thư, theo tôi, sẽ bảo đảm chất lượng khách quan hơn, tránh được những tiêu cực có thể có trong quá trình tiến hành đại hội.

Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cũng yêu cầu rõ, những người đứng đầu cấp ủy phải là những người có uy tín trong đảng và nhân dân. Vì sao lại có yêu cầu này? Đó không gì khác bởi Đảng ta là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, do đó, người trong cấp ủy phải là người được thừa nhận, được tín nhiệm trong đảng và nhân dân. Thực tế thời gian qua cho thấy, có những cán bộ có uy tín trong Đảng rất cao, nhưng uy tín trong nhân dân không cao bằng, thậm chí có những điều nhân dân còn chê trách. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng chỉ ra vấn đề này. Có trường hợp dân đã có ý kiến, nhưng khi đưa ra đại hội, đồng chí này vẫn được bầu vào cấp ủy.

Do đó, tôi cho rằng, dự kiến danh sách nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp cần được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, nếu không lấy ý kiến toàn dân thì cũng nên lấy ý kiến của đại diện các tầng lớp nhân dân để họ tham gia góp ý kiến. Đối với Trung ương, tôi cũng tha thiết đề nghị, để bảo đảm nhân sự được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới là những người thực sự có uy tín lớn trong nhân dân thì danh sách các ứng cử viên này nên được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và để nhân dân giám sát, đúng với tinh thần Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành quy chế và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

- Công tác cán bộ được xác định là khâu then chốt của then chốt xây dựng Đảng. Nhưng thực tế, thời gian qua cho thấy vẫn có những trường hợp lãnh đạo cao cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật..., thưa ông?

- Vừa qua chúng ta cũng thấy một số vụ việc kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ cấp cao trong Đảng. Gần đây nhất, Bộ Chính trị và Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân do đã để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thực tế đó cho thấy, công tác nhân sự đã chặt chẽ rồi thì cần chặt chẽ, thận trọng hơn nữa, và nên có ý kiến tham gia của các tầng lớp nhân dân. Như lời dạy của Bác Hồ dặn với Công an nhân dân: “Các chú mỗi người có hai cái tai, hai con mắt nhưng nhân dân thì hàng triệu tai, hàng triệu mắt. Hỏi dân thì dân nói cho biết hết”. Với tinh thần đó, muốn làm công tác nhân sự thật tốt, tránh những sai sót không mong muốn, thì chúng ta phải dựa vào nhân dân, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về đề án nhân sự của đại hội, đặc biệt là đối với những vị trí lãnh đạo chủ chốt.

- Xin cảm ơn ông!