29/03/2024 lúc 14:01 (GMT+7)
Breaking News

Cơ hội cho trí tuệ Việt sánh vai với công nghệ thế giới

VNHN - Trí tuệ Việt hoàn toàn có thể sánh vai với các “đại gia” công nghệ trên thế giới, để vươn lên tầm cao mới.

VNHN - Trí tuệ Việt hoàn toàn có thể sánh vai với các “đại gia” công nghệ trên thế giới, để vươn lên tầm cao mới.

Những ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB. Cuộc gọi diễn ra tại buổi làm việc và kiểm tra công tác nghiên cứu, sản xuất thiết bị mạng 5G tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Đáng nói, gNodeB là thiết bị do Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nghiên cứu và sản xuất.

Mạng di động 5G chính thức lần đầu tiên được kết nối thử nghiệm tại Việt Nam vào sáng 10/5/2019. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị mạng do Việt Nam tự sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Cột mốc này đánh dấu Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Đáng chú ý, hiện trên thế giới chỉ có 5 công ty là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G. Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G.

Điều này cho thấy, trí tuệ Việt hoàn toàn có thể sánh vai với các “đại gia” công nghệ trên thế giới, để vươn lên tầm cao mới. Với những người làm trong ngành công nghệ, những thành tựu đạt được trong thời gian qua hoàn toàn có thể dự báo được. Khi trò chuyện với một doanh nhân trong ngành, vị này rất tự tin khẳng định: Nói Việt Nam có lợi thế về mặt công nghệ là hoàn toàn đúng. “Một là tố chất con người. Con người Việt Nam có tố chất rất tốt. Người Việt có tư duy làm toán rất tốt. Công nghệ liên quan đến toán học, tức tư duy logic, giải quyết vấn đề. 

Đó chính là điều kiện về con người. Người Thái sáng tạo hơn người Việt Nam rất nhiều, nhưng tư duy về công nghệ Việt Nam hơn hẳn Thái Lan”, vị này chia sẻ. Cho nên, hiện nay tài nguyên công nghệ về mặt con người của Việt Nam thuộc loại đông đảo trong Đông Nam Á. Cái nôi của ngành gia công phần mềm Đông Nam Á nằm ở Việt Nam chứ không phải nước nào khác. Một vài năm trở lại đây, giới công nghệ Việt Nam liên tục trình làng những sản phẩm “make in Vietnam”. Có dự án thành công, có dự án thất bại, nhưng điều đó đánh dấu một cột mốc quan trọng: Ngành công nghệ Việt không chấp nhận phận gia công.

Nhìn chuỗi thời gian từ khi Internet vào Việt Nam, những doanh nghiệp công nghệ Việt vẫn chưa tìm được vị thế xứng đáng. Họ vẫn phải đứng sau lưng các ông lớn thế giới, chấp nhận làm gia công phần mềm để có công ăn việc làm, để rồi nhận lại phần lợi nhuận ít ỏi. Đó là con đường mà dường như quốc gia nào cũng phải trải qua, nhưng nếu cứ đi mãi trên con đường ấy, doanh nghiệp công nghệ Việt không giàu được, đất nước không mạnh lên trên bản đồ công nghệ thế giới. Nhìn Trung Quốc gia công chiếc iPhone là thấy, giá trị mang lại cho đất nước này chỉ vô cùng ít ỏi, còn người chủ công nghệ là Apple nhận phần lớn lợi nhuận.

Lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị mạng do Việt Nam tự sản xuất.

Nhưng Trung Quốc đã thay đổi. Họ không chấp nhận phận gia công mà dần chuyển đổi để tham gia sâu hơn vào ngành công nghệ thế giới. Họ đã thành công, có những “đại gia” công nghệ nức tiếng thế giới như Huawei, ZTE, Xiaomi, Baidu,... Ấn Độ cũng đang vươn mình mạnh mẽ trong bản đồ công nghệ toàn cầu với những start up thành công vang dội, dù xuất phát điểm cũng từ “kiếp gia công”. “Vậy nên, Việt Nam phải đặt vấn đề nghiêm túc: Nếu không thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu và thay đổi chúng ta sẽ đi đến đâu? Chúng ta không giàu bằng gia công được đâu”, ông Nguyễn Minh Quý, CEO của Tập đoàn Internet Novaon, đã nói với tôi điều đó.

Đây là thời điểm rất phù hợp để đưa ra ngọn cờ Make in Vietnam. Việt Nam bắt đầu xuất hiện những công ty công nghệ làm ra sản phẩm và bán được sản phẩm. Việt Nam đã có công ty với 2.000 người, tập trung làm sản phẩm công nghệ thực sự và mang lại doanh thu mỗi năm là 2 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, làm ra các sản phẩm Make in Vietnam với ước mong cạnh tranh được với những tập đoàn đa quốc gia. Giới “thợ săn” công nghệ thế giới cũng đã nhìn thấy điều đó. Người trong ngành nhận thấy, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm các quỹ dồn cho start up Việt Nam thời gian qua tăng lên khủng khiếp.

Hiện tại, rất nhiều quỹ ở Đông Nam Á, quỹ ở Nhật Bản, Hàn Quốc đổ về Việt Nam. Họ bắt đầu “càn quét” các start up tiềm năng vì họ thấy sau Indonesia, Việt Nam sẽ là trung tâm thứ hai tạo ra một loạt “unicorn”, tức là “start up Kỳ Lân tỷ USD”. Nhưng, phải nhìn nhận vào thực tế, xác suất để có được một start up “tỷ đô” có khi khó hơn cả đánh xổ số. Cho nên, chặng đường các doanh nghiệp công nghệ Việt phải đi còn rất dài và rất xa, đó là con đường không có điểm dừng.

Ngay các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng phải không ngừng thay đổi, cải tiến để thích ứng với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng như mong mỏi của người dùng. Việt Nam đang vượt lên phạm vi gia công. Nhưng chúng ta còn chặng đường dài để khẳng định con đường “Make in Vietnam” có thành công hay không, có đưa Việt Nam vươn lên thành quốc gia hùng cường hay không? Nhưng chúng ta phải đi, doanh nghiệp phải chạy, bởi có con đường nào được tạo ra nếu thiếu đi dấu chân của những người khám phá.