23/04/2024 lúc 13:49 (GMT+7)
Breaking News

Cô giáo 25 năm bám Đảo Thổ Chu - Tết dù ở đâu cũng là tết sum vầy

VNHN - Gắn bó với đảo Thổ Chu đã 25 năm, cô giáo Hà Thị Oanh không hề hối hận với quyết định năm xưa.

VNHN - Gắn bó với đảo Thổ Chu đã 25 năm, cô giáo Hà Thị Oanh không hề hối hận với quyết định năm xưa.

“Đảo tuy xa, nhưng cũng rất gần gũi vì người dân trên đảo sống chan hòa, yêu thương gần gũi như một gia đình lớn”, cô giáo Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Thổ Châu trên đảo Thổ Chu chia sẻ. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi những người con xa xứ tất bật thu vén, chuẩn bị hành trang về quê để đoàn viên với gia đình, thì cô Oanh cùng rất nhiều người dân Thổ Chu lại đang chuẩn bị cho một cái “Tết sum vầy” nữa cho gia đình lớn trên hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc này.

Theo chồng ra Thổ Chu năm 1995, khi đó cô Oanh mới 23 tuổi. Cô gái trẻ không khỏi ngỡ ngàng và chạnh lòng vì xa gia đình. Bước chân đầu tiên lên đảo đã cảm nhận được cuộc sống khó khăn về mọi mặt mà kể không hết được. Thời điểm đó Thổ Chu chỉ có khoảng 20 nóc nhà, đường xá đi lại rất khó khăn, thời tiết rất khắc nghiệt, có khi biển động cả tháng và cả tháng mới có một chuyến tàu về đất liền.

“Tôi quê ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Lúc mới ra đảo cũng chạnh lòng và nhớ nhà lắm, nhưng ông xã cũng động viên rằng “hai vợ chồng đồng lòng thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn”. Chúng tôi đã cùng người dân nơi đây bám đảo, không chỉ là xây dựng cuộc sống mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước”, cô Oanh nói. Những năm ấy đất liền còn thiếu thốn, ở đảo Thổ Chu cuộc sống càng khó khăn. Học sinh trên đảo gầy gò, lại theo bố mẹ di cư tự do, nay đây mai đó nên nghỉ học thường xuyên.

Có những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương, cô giáo Oanh cũng xao lòng. Nhưng khi nhìn thấy nụ cười của những cô cậu học trò, với mái đầu khét mùi nắng gió, cô Oanh lại cảm thấy vững tâm hơn: “Đảo cách đất liền hơn 200 km đường biển. Ngày ấy từ đất liền ra đảo phải qua hai chuyến tàu khách mất khoảng 16 tiếng. Phương tiện thông tin chỉ là chiếc đài nhỏ để nghe chương trình phát thanh. Trên đảo chỉ có 2 lớp học và 2 thầy giáo.

Do tình hình trên đảo thiếu giáo viên tôi đã tình nguyện ra dạy một lớp 1 trên đảo. Sau đó, tôi được tạo điều kiện để đi học sư phạm ở Kiên Giang và tôi đã chính thức công tác, gắn bó với trường từ năm 1996 đến nay”. Giờ đây, cái tên Thổ Chu đã không còn xa lạ. Xã đảo Thổ Châu trên đảo Thổ Chu hiện có gần 500 hộ dân với hơn 1.800 nhân khẩu. Thay đổi vượt bậc chính là cơ sở vật chất. Các công trình an sinh, văn hóa, xã hội như trạm y tế, bưu điện, trường mầm non, trường cấp 1,2… đã được đầu tư xây dựng khang trang.

Cô không hối hận về quyết định của mình.

Đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng thời đảm bảo cả chất lượng và điều đáng mừng nhất là số học sinh đến trường ngày càng tăng: “Ngày mới ra đảo điều tôi ấn tượng nhất là hình ảnh các em học sinh “đầu trần, chân đất”. Qua quá trình gắn bó, công tác và giảng dạy, tôi thấy rằng lựa chọn của mình rất đúng đắn và không có gì phải hối hận. Ai ở trên đảo cũng đều rất khó khăn, thiếu thốn… nhưng cũng chính vì vậy mà tất cả đã xích lại gần nhau hơn, gắn bó, nương tựa nhau cho đến ngày nay”.

Trường hiện có 18 cô giáo và 10 thầy giáo, cùng 320 học sinh của cả 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS. Các thầy cô giáo dạy ở trường đến từ mọi miền đất nước như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Vĩnh Long, Kiên Giang… Các thầy cô sẽ lồng ghép trong bài giảng giới thiệu về quê hương của mình. Qua đó, các em học sinh hiểu rõ hơn truyền thống, phong tục của mỗi địa phương. Các em học sinh cũng rất hào hứng, đón nhận và tiếp thu dễ dàng hơn truyền thống và nền văn hóa đa dạng của đất nước.

Theo cô Oanh, trong suốt nhưng năm gắn bó với đảo thì 4-5 năm hay có công việc đột xuất mới về thăm nhà, thăm quê ở Hải Phòng. Có một số giáo viên trẻ khi ra đảo, thấy môi trường sống ở đảo khó khăn và xa xôi cũng có phần nào bi quan. Nhưng sau thời gian đầu bỡ ngỡ và dành hết tâm huyết cho học sinh, các thầy cô giáo trẻ giờ đây cũng đang gắn bó hết mình với đảo. Chính các em học sinh, những ánh mắt trẻ thơ ấy đã níu chân các thầy cô. Thay vì nản lòng vì điều kiện khó khăn, thì đó lại là động lực để các thầy cô bám đảo và lấy nhiệt huyết, tình yêu nghề bù đắp cho các em học sinh. Tấm lòng chân thành, quý trọng của cư dân trên đảo cũng dần dần giúp các thầy cô vơi đi nỗi nhớ nhà.

“Chúng tôi cũng nhận được những món quà tri ân vô cùng đặc biệt. Đó là những bó hoa dại hái trên rừng hoặc là những bánh xà bông thơm, được chứa đựng trong đó là rất tình cảm chân thành của các em học sinh”, cô Oanh cho biết. Hàng năm đều có trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, các thầy cô giáo và chính quyền địa phương đều đến tận nhà động viên gia đình, đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ các mạnh thường quân hỗ trợ các em trở lại trường. Đó có thể là hỗ trợ về sách vở, đồ dùng học tập. 

Kể về “học trò cưng” để lại ấn tượng nhất, cô Oanh đã nhắc đến em Nguyễn Phương Ái. Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng em vẫn cố gắng học. Gia đình cũng tạo điều kiện hết sức để em vào đất liền học tập sau khi kết thúc chương trình PTCS. Phương Ái sau đó đã đỗ vào trường Đại học Tài chính và hiện em đã trở về địa phương công tác sau khi tốt nghiệp đại học. Đây là trường hợp điển hình học sinh vượt khó và quyết tâm trở lại xây dựng quê hương. Đảo tuy xa, nhưng cũng rất gần gũi như một gia đình lớn.

Tất cả sự chan hòa gắn kết đã giúp những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ nhà và yêu thương hơn hòn đảo - quê hương thứ hai của mình. “Mỗi dịp Tết đến, chính quyền địa phương cũng quan tâm, động viên giáo viên bằng những món quà nhỏ. Phía nhà trường cũng cố gắng tạo khoản thu nhập tăng thêm, dù không lớn, nhưng phần nào động viên tất cả các thầy cô có một cái Tết vui vẻ”, cô Oanh cho biết.

Đoàn Thanh niên của trường cũng tổ chức giao lưu với các đơn vị bộ đội trên đảo, hay cùng các đoàn thanh niên tình nguyện ở trong đất liền ra tổ chức nhiều hoạt động gắn kết tình quân dân, mang tình cảm của quê hương của đất liền ra với đảo xa. Tất cả sẽ cùng nhau gói bánh chưng, tổ chức đi thăm hỏi, chúc Tết nhau cùng giúp nhau vơi đi nỗi nhớ nhà khi đón Tết xa quê, xa gia đình. Khi qua quê ai cũng nhớ lắm, nhất là vào thời khắc giao thừa. Trước đây còn khó liên lạc, nhưng bây giờ họ có thể thường xuyên gọi điện hỏi thăm cha mẹ, anh chị em trong gia đình, gửi gắm những lời chúc một năm mới với nhiều may mắn, bình an tới người thân mỗi dịp Tết đến Xuân về.