20/04/2024 lúc 06:08 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển từ “may sẵn” sang “may đo”

VNHN - Xu hướng phát triển toàn cầu đang đòi hỏi cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục (GD) đương đại để tạo ra một hệ thống thích nghi và linh hoạt hơn.

VNHN - Xu hướng phát triển toàn cầu đang đòi hỏi cần phải thiết kế lại hệ thống giáo dục (GD) đương đại để tạo ra một hệ thống thích nghi và linh hoạt hơn.

Ảnh minh họa - TL

Xây dựng lại cách tiếp cận

Trước hết, chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận GD mà không phải tập trung vào nội dung chính yếu các môn học. Nói cách khác, cần thay đổi cách dạy của thầy, cô giáo và cách học của trò, nhằm xây dựng một nền GD cá thể hóa (có thể gọi là nền GD “may đo” để phân biệt với “may sẵn” có một kích thước chung cho tất cả mọi người), với các đặc điểm chính sau đây:

Ðầu tiên, thay cho việc chỉ dạy chữ, chỉ truyền đạt kiến thức (giờ thì đã bổ sung thêm là kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề) nên dạy cách suy nghĩ và sáng tạo. Nhà trường đại học cần chú trọng GD khai phóng, cần hướng dẫn cho sinh viên biết cách tự học, tự nghiên cứu để đạt được các mục tiêu sống của mỗi người, biết cách hội nhập để phát triển và giữ gìn bản sắc. Tâm điểm của thử thách này chính là xây dựng lại cách nhìn của chúng ta về khả năng và sự hiểu biết của người học.

Theo quan điểm cũ, trường ÐH tốt được dành cho những thí sinh có điểm thi đầu vào cao nhất. Việc thi tuyển được dùng để bảo đảm rằng chỉ có các sinh viên trí tuệ tài năng nhất (theo chuẩn do người lớn đặt ra) được nhận vào các trường có uy tín. Quan điểm mới cho rằng, khi tài năng bên trong của mọi sinh viên được bộc lộ, tất cả các trường ÐH sẽ trở thành trường học tốt. Theo nhiều chuyên gia, đây chính là tư tưởng cốt lõi của việc đổi mới GDÐH.

Tái cơ cấu hệ thống

Trong các đặc điểm của GDÐH mới nêu trên, khó thực hiện nhất là làm sao cho các trường ÐH của Việt Nam đều trở thành những trường tốt. Ðây là việc của các cơ sở GD, chắc chắn không ai có thể làm thay được nhưng xã hội, doanh nghiệp cần đầu tư thêm cho GD, huy động thêm nguồn lực và chắc chắn cần một phương thức quản lý hiệu quả của Nhà nước.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia về “Sắp xếp mạng lưới GDÐH trong bối cảnh tự chủ GD và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21” diễn ra gần đây tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, chuyên gia Trần Ðức Cảnh đã báo cáo về “Một đề xuất cho mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội” đến năm 2045. Theo đó, chuyên gia này cho rằng, chúng ta cần giảm số lao động không qua đào tạo, đẩy mạnh sự phân luồng ở bậc trung học thành hệ THPT và trung học nghề; chuyển hệ trung cấp sang đào tạo nghề từ ba tháng đến hai năm. Tỷ lệ dân số (18 - 60 tuổi) có bằng (cao đẳng) 2-3 năm, tăng từ 3,7% lên 9,53%. Dân số có bằng ÐH 4 - 5 năm tăng từ 9,3% đến 20%, đáp ứng nhu cầu quản lý, kỹ thuật và chuyên môn. Số lượng thạc sĩ tăng đáng kể, từ 0,6% lên 4,2%, đáp ứng nhu cầu quản lý và chuyên môn cao. Số người được đào tạo chuyên môn cao (bác sĩ, luật sư, nha sĩ, dược sĩ, ...) chiếm 1% số lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Số dân có bằng tiến sĩ tăng từ 0,06% lên 0,27% hay 213.050 tiến sĩ, dự kiến 80% tham gia giảng dạy và nghiên cứu, chiếm 70% số giảng viên ÐH trong thời gian 25 năm tới. Trình độ chuyên môn, quản lý, nghiên cứu được đào tạo tiếp tục tăng những năm sau, đáp ứng nhu cầu ngành nghề từng giai đoạn phát triển của xã hội.

Cũng theo chuyên gia Trần Ðức Cảnh và một số chuyên gia, để hiện thực hóa mô hình phát triển nguồn nhân lực nêu trên, cần phải tái cơ cấu hệ thống các trường CÐ, ÐH, theo hướng: ÐH nghiên cứu và giảng dạy: đào tạo đến bậc học tiến sĩ; ÐH vùng: giảng dạy và nghiên cứu một số lĩnh vực, đào tạo lên tới thạc sĩ, một số nhỏ có thể đào tạo bậc tiến sĩ; ÐH cấp cử nhân (4 năm) là chính: thực hiện nhiều loại hình đào tạo, từ khoa học xã hội nhân văn, sư phạm đến kỹ sư thực hành (polytechnics), một số trường có thể liên kết đào tạo cao đẳng; ÐH 2 năm (CÐ), chia thành hai hệ: liên thông trực tiếp lên ÐH và chuyên môn, kết hợp đào tạo các khóa, chương trình ngắn hạn.

Tiếp theo, cần tái cơ cấu nhà trường với quyền tự chủ đã được xác lập để có những chuyển biến tích cực và hiệu quả theo hướng thực hiện đồng thời ba chức năng có tầm quan trọng như nhau là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Nghiên cứu khoa học cần hướng tới ba mục tiêu: nâng cao chất lượng đào tạo, tăng nguồn thu cho trường và thiết thực phục vụ cộng đồng.

Trong bối cảnh mới, các trường ÐH cũng rất cần chú trọng việc huy động nguồn lực ngoài trường (outsourcing) từ trong và ngoài nước trong quá trình tái cơ cấu. Ðể có một giải pháp hội nhập hiệu quả, cần chú ý đến những xu thế của GDÐH toàn cầu, trong đó: Một là, sự thay đổi nhân khẩu học khi tuổi thọ tăng, tỷ lệ sinh giảm và hệ quả là sự suy giảm dân số thanh niên (tuổi từ 15 đến 24 tuổi) khiến cho nguồn tuyển sinh giảm. Hai là, quốc tế hóa GDÐH quốc gia liên quan đến việc tuyển sinh viên quốc tế vào các trường ÐH Việt Nam (ngoài việc dựa trên lợi thế về chi phí đào tạo thấp, điều kiện địa lý và sinh hoạt tốt, các trường ÐH cần chú trọng đến tiếng Anh và những trải nghiệm chất lượng từ cảm giác được chào đón, đến chỗ ăn ở, các dịch vụ nghề nghiệp). Ba là, đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp và GDÐH.Bốn là, nhu cầu về các kỹ năng cụ thể trước những thách thức của tự động hóa. Năm là, thương hiệu và giá trị - yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn của sinh viên.