25/04/2024 lúc 12:12 (GMT+7)
Breaking News

Chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp cho hơn 3.500 người tại Bắc Ninh

VNHN - Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tổ chức 60 lớp đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho hơn 3.500 lượt nông dân.

VNHN - Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp tổ chức 60 lớp đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho hơn 3.500 lượt nông dân.

Cán bộ, thanh niên tại đây đã được tham gia và chuyển giao 62 quy trình kỹ thuật mới phục vụ các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện được 8 đề tài, dự án mới và 5 đề tài, dự án chuyển tiếp từ năm 2018 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Qua đó, nông dân các địa phương có thể áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến, giống cây trồng, vật nuôi mới, công nghệ bảo quản, chế biến vào thực tế để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 Nông dân được tập huấn kỹ thuật và tham gia sản xuất rau an toàn tại Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao (Việt Đoàn, Tiên Du).

Tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ 100% kinh phí tuyên truyền, tập huấn chuyển giao KH-KT; hỗ trợ 100 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu cho tổ chức, cá nhân sản xuất từ 0,5 ha rau chuyên canh trở lên được cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm. Qua đó, nhiều mô hình mới có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương được nhân rộng.

Trong chăn nuôi, ngành chức năng thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư; vận động người dân đầu tư xây dựng các mô hình như nuôi gà an toàn sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải.

Sở KH&CN hướng dẫn mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường.

Phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi để giảm mùi, diệt khuẩn và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, các trang trại nuôi lớn và các hộ ở những vùng nuôi thủy sản tập trung đã từng bước thực hiện các biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại gây ô nhiễm nguồn nước; đẩy mạnh phát triển theo hướng ổn định diện tích, thâm canh tăng năng suất, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT, quản lý tốt môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, bảo đảm chất lượng ATVSTP.

Qua đó, nhiều vùng nuôi có sản lượng thủy sản hơn 200 tấn/năm như Xuân Lai, Bình Dương, Nhân Thắng (Gia Bình), Trung Chính, Phú Hòa, Phú Lương (Lương Tài), Việt Hùng, Hán Quảng, Phù Lãng (Quế Võ)... đang tiến tới nuôi theo vùng đạt tiêu chuẩn sản phẩm an toàn.