29/03/2024 lúc 00:50 (GMT+7)
Breaking News

Chuyên gia Anh gợi ý cách cứu sông Tô Lịch

VNHN - Cedo Masksimovic, nhà nghiên cứu về nước và môi trường ở Trường Hoàng gia London cho rằng việc chỉ tập trung làm sạch nước sông không có tác dụng. Giáo sư Cedo Masksimovic, chuyên gia về hệ thống nước và môi trường, Khoa Kỹ thuật dân dụng và môi trường, Trường Hoàng gia London (Imperial College London), Anh, bình luận và đưa ra phương hướng về việc tái sinh sông Tô Lịch.

VNHN - Cedo Masksimovic, nhà nghiên cứu về nước và môi trường ở Trường Hoàng gia London cho rằng việc chỉ tập trung làm sạch nước sông không có tác dụng. Giáo sư Cedo Masksimovic, chuyên gia về hệ thống nước và môi trường, Khoa Kỹ thuật dân dụng và môi trường, Trường Hoàng gia London (Imperial College London), Anh, bình luận và đưa ra phương hướng về việc tái sinh sông Tô Lịch.

Việc làm sạch một con sông phụ thuộc vào việc bạn có giải quyết vấn đề tận gốc hay không, tức là có ngăn nó bị ô nhiễm trở lại hay không. Nếu bạn cố làm sạch nhiều lần nhưng nó vẫn bị ô nhiễm thì bạn sẽ tốn rất nhiều tiền. Tôi được biết các nhà khoa học Nhật Bản đã dùng công nghệ nano để làm sạch sông Tô Lịch của Hà Nội. Đây là một phương pháp tốt nhưng không giúp xử lý vấn đề một cách tổng thể, không phải là giải pháp lâu dài.

Việc làm sạch dòng sông cần được thực hiện cùng lúc với việc xử lý nước thải của thành phố. Các bạn cần thu gom nước thải và xây dựng hệ thống đường ống dẫn tới nhà máy xử lý, ngăn chúng đổ ra sông. Hệ thống đường ống dẫn nước thải có thể bị quá tải khi có mưa lớn, vì thế nên có phương án giảm thiểu lượng nước mưa chảy vào hệ thống này. Thành phố nên có một chiến lược để cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề của đô thị đang phát triển.

Bên cạnh ô nhiễm sông, còn có vấn đề quản lý nước, sóng nhiệt, hiệu suất sử dụng năng lượng, đa dạng sinh học, các giá trị thẩm mỹ, thậm chí là chế biến lương thực. Tất cả những vấn đề này cần được bao trùm dưới một chiếc ô, gọi là Các giải pháp Xanh (Blue Green Solutions - BGS). BGS do nhóm nghiên cứu của Imperial College London thực hiện, đưa ra các phương án giúp các thành phố thích ứng và giảm thiểu các "áp lực đô thị".

Quá trình đô thị hóa gia tăng, biến đổi khí hậu và các điều kiện thời tiết cực đoan gây ra các áp lực, làm ô nhiễm nước và không khí, giảm các nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Khi có chiến lược dài hạn, các bạn sẽ nhận dạng được vấn đề ô nhiễm sông hồ nằm ở đâu trong tổng thể. Khi nhận ra điều gì là nghiêm trọng nhất, bạn sẽ xử lý từng vấn đề một.

Tôi biết mọi người thường đặt vấn đề là "Chúng tôi không có đủ tiền để làm, chỉ có đủ kinh phí cho một vấn đề, như làm sạch sông mà thôi". Điều này xảy ra ở các thành phố lớn trên thế giới như London, Bắc Kinh...Tuy nhiên các bạn không nhất thiết phải có đủ kinh phí để xử lý tất cả các vấn đề cùng một lúc, chiến lược sẽ giúp giải quyết một số thành phần với số tiền ít hơn. Các bạn sẽ xử lý một vấn đề trong tổng thể, liên quan đến kiểm soát lũ, cung cấp nước uống.chứ không phải riêng lẻ.

Sông Tô Lịch ô nhiễm chảy qua nhiều khu dân cư ở Hà Nội.

Sau đó các bạn giải quyết các vấn đề khác theo từng giai đoạn, mà không tạo thêm rắc rối cho mình. Tôi khuyến cáo không nên lấp sông vì các bạn sẽ tốn rất nhiều tiền, sau đó những thế hệ sau cũng tốn nhiều chi phí để thay thế bằng các công trình khác. Việc này đã xảy ra ở Mỹ và Hàn Quốc. Mật độ dân số cao là tình trạng chung ở nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ như ở Jakarta, Indonesia, các ngôi nhà liền kề nhau, rất khó để đặt các đường ống dẫn nước thải.

Tại Rio de Janeiro, Brazil, nước bị đổ ra ngay trên phố và chảy xuống các con lạch nhỏ, trong đó có cả nước thải. Chính quyền các đô thị đông dân không cần lắp các đường ống dẫn nước thải lớn, vì chúng khó đi qua các tòa nhà. Các nhà máy xử lý nước thải cũng có quy mô nhỏ với chi phí thấp.

Tôi muốn lưu ý rằng nhà chức trách không chỉ sử dụng giải pháp kỹ thuật để xử lý, mà cần tăng cường tương tác với người dân để nâng cao ý thức của họ. Người dân ở các đô thị cần được hướng dẫn về cách tham gia vận hành các đường ống dẫn nước thải, trong đó có việc tránh ném các loại rác thải cứng vào toilet như xác động vật, vật liệu khó tiêu hủy. Khi người dân góp phần làm đường ống dẫn nước thải không bị tắc nghẽn, họ có thể sống trong môi trường sạch sẽ. Việc xử lý ô nhiễm sông không thể thực hiện được trong một đêm, đó là một quá trình dài.

Nếu không dừng việc xả thải xuống sông thì chính quyền chỉ lãng phí tiền bạc của mình. Xét về kinh phí, tôi không chọn cách làm của người giàu (là người có nhiều tiền và cần có giải pháp hữu hiệu) hay của người nghèo (có ít tiền và muốn giải quyết vấn đề). Tôi chọn cách làm của nhóm thứ ba, đó là những người sáng suốt, họ dùng nguồn lực có hạn nhưng cố gắng đến gần giải pháp tối ưu, khi họ có trong tay một chiến lược.

Chính quyền cũng có thể huy động nguồn vốn của tư nhân để thực hiện. Ví dụ như ở Nhật Bản, nơi có khoảng 200.000 hồ bị ô nhiễm, các công ty xây dựng chi một khoản, khoảng 10% chi phí làm sạch hồ. Khi hồ và môi trường xung quanh trong lành hơn, các công ty có thể thu lời nhờ giá bất động sản tăng cao hơn so với trước đó.