18/04/2024 lúc 17:07 (GMT+7)
Breaking News

Chuyện của những cung đường

VNHN - Là lực lượng có nguy cơ bị chống đối, bị thương, thậm chí hi sinh trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời cũng là lực lượng bị tổn hại sức khỏe bởi tính chất nghề nghiệp đặc thù, thế nhưng lâu nay, nhắc tới CSGT, người ta lại nghĩ nhiều hơn đến những mặt trái. Liệu có công bằng không khi thực tế, hàng ngàn CBCS vẫn đang ngày đêm đối mặt với rủi ro, nguy hiểm để đảm bảo TTATGT, giữ bình yên trên những tuyến đường? Theo chân các tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh N

VNHN - Là lực lượng có nguy cơ bị chống đối, bị thương, thậm chí hi sinh trong quá trình thực thi công vụ, đồng thời cũng là lực lượng bị tổn hại sức khỏe bởi tính chất nghề nghiệp đặc thù, thế nhưng lâu nay, nhắc tới CSGT, người ta lại nghĩ nhiều hơn đến những mặt trái. Liệu có công bằng không khi thực tế, hàng ngàn CBCS vẫn đang ngày đêm đối mặt với rủi ro, nguy hiểm để đảm bảo TTATGT, giữ bình yên trên những tuyến đường? Theo chân các tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nam Định, chúng tôi đã ghi lại chân thực những câu chuyện nghề của họ...

CUỘC GỌI LÚC NỬA ĐÊM

23h35’, điện thoại của tôi đổ chuông. Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nam Định) thông báo, dưới Xuân Trường, đơn vị vừa phát hiện cùng lúc mấy tàu hút cát trái phép, còn tại thị trấn Cổ Lễ xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, nhiều người thương vong. Cán bộ chiến sĩ hiện đang tập trung cả ở hiện trường.

Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng chỉ đạo CBCS triển khai phương án đảm bảo ATGT trên tuyến quốc lộ

Cùng một đêm có hai hay nhiều vụ việc đồng thời xảy ra đã không còn là chuyện hiếm với một người có thâm niên trên 20 năm gắn bó với đơn vị này như Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng. Anh cho biết, mấy năm trở lại đây, giao thông Nam Định phát triển, lượng người và phương tiện tăng lên nhanh chóng trong khi ý thức của người dân vẫn còn hạn chế. Điều này khiến cho tình hình tai nạn diễn biến phức tạp, công việc cũng vì thế mà vất vả, áp lực hơn.

Khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, điều mà người dân nghĩ đến đầu tiên là điện thoại cho lực lượng công an. Sự có mặt của cảnh sát giao thông - dù trong bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ là mấu chốt quan trọng để kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, khám nghiệm hiện trường, xác định đúng sai và trả lại công bằng cho những người liên quan.

 

Chẳng phải thầy thuốc, bác sĩ, song với tính chất đặc thù nghề nghiệp của mình, các anh đã không ít lần đối diện với những tình huống cấp bách, thậm chí liên quan đến vấn đề sinh tử của người bị nạn. Chỉ một khắc chần chừ, một chút do dự hoặc chậm chỉ vài phút thôi là tính mạng nạn nhân có thể sẽ gặp nguy hiểm. Chuyện thì nhiều, nhưng với Thượng tá Dũng, khó quên nhất có lẽ là ca tuần tra cách đây đã gần hai chục năm...

Hôm ấy, đang di chuyển trên quốc lộ 10, tổ công tác nhận được tin báo tai nạn. Khi đến hiện trường, chỉ thấy nạn nhân nằm thoi thóp bên vệ đường, một chân đứt rời, văng đi đâu không rõ. Trời cuối đông rét cắt nhưng anh em không ngần ngại bỏ hết giày tất, lội ruộng, soi đèn lật tung từng bờ bụi xung quanh, mò tìm phần cơ thể đứt lìa cho nạn nhân. Song không phải lúc nào sự cố gắng của các anh cũng cho kết quả như ý… 

Theo lời anh kể thì đó chỉ là một trong rất nhiều vụ, và có những vụ còn ám ảnh hơn rất nhiều. Đôi khi đã xác định nạn nhân khó lòng qua khỏi nhưng đạo đức nghề nghiệp và lương tâm con người khiến họ không thể và không nỡ bỏ cuộc. Còn nước còn tát, nạn nhân chỉ còn một hơi thở cũng sẽ vẫn chạy đua với thời gian để cố giữ lại tính mạng. Thế nhưng nhìn sự việc từ khía cạnh khác, có một thực tế đáng buồn và rất đáng suy ngẫm là trong những vụ tai nạn giao thông ấy, người gây tai nạn không phải lúc nào cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Rất nhiều lái xe đã bỏ trốn ngay sau khi xảy ra sự việc, bỏ mặc an nguy, sống chết của nạn nhân. Nếu như không có những người mà “lương tâm và đạo đức nghề nghiệp không cho phép buông xuôi” thì có lẽ, các nạn nhân đã phải chịu tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần khi không nhận được bất kỳ một sự bù đắp nào từ phía đối tượng gây tai nạn. Còn với những cán bộ cảnh sát giao thông, trả lại công bằng cho người bị nạn chính là cách họ khiến cho công lý được thực thi.

Xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, góp phần kiềm chế và giảm thiểu TNGT

Câu chuyện quay lại vụ tai nạn đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát giao thông kể lúc trước. Ngay khi nhận tin báo về, 3 mũi công tác lập tức được huy động lập chốt đón lõng song không phát hiện phương tiện khả nghi. Mọi phương án ban đầu thực hiện đều không đạt kết quả. Giữa lúc bế tắc, một nhận định táo bạo chợt xuất hiện và rất có khả năng là sự thật. Tổ công tác lập tức có mặt tại khu vực bán cây cảnh tết trên địa bàn huyện Nam Trực. Sau một buổi sáng vào vai khách mua đào lân la dò hỏi khắp nơi, phương tiện gây tai nạn đã được tìm thấy tại chính nơi này. Các đặc điểm đều trùng khớp với dấu vết để lại hiện trường. Thậm chí phía đầu xe còn nguyên vết máu.

 Trước những bằng chứng không thể chối cãi, người lái xe đó đã phải nhận hoàn toàn trách nhiệm. Và theo lời kể của Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng, đây không phải lần đầu tiên và duy nhất cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông kiên trì đến cùng trong việc truy tìm thủ phạm. Đã có rất nhiều thư cảm ơn của gia đình các nạn nhân không may ở vào hoàn cảnh tương tự gửi về Công an tỉnh Nam Định. Không chỉ kịp thời đưa người bị nạn đi cấp cứu, các anh còn sẵn sàng trắng đêm truy tìm người và phương tiện gây tai nạn cho dù tết đã cận kề gõ cửa từng nhà.

Như lúc này đây, khi đồng hồ đã chỉ 1h sáng, trên quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Cổ Lễ, những bóng áo vàng vẫn đang miệt mài với công việc khám nghiệm của mình. Nhìn họ lom khom bên chiếc xe tai nạn, tỉ mỉ quan sát dấu vết để lại, nhìn những ngón tay cẩn thận vân vê vệt phanh dài trên đất, nghĩ về vụ tai nạn mà một lái xe vừa thiệt mạng, tài xế còn lại hiện đã bỏ trốn, tôi chợt nghĩ, giữa họ, ai đúng – ai sai và sai đến đâu, nhất định những người thi hành công vụ này sẽ đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho cả hai bên!

Thường xuyên phối hợp cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường sắt chạy qua Nam Định

NGUY HIỂM CẬN KỀ

Giữa mênh mông bóng đêm, đối lập với hình ảnh đoàn xe siêu trường, siêu trọng rầm rập qua lại không ngừng là những bóng người nhỏ bé trong chiếc áo phản quang. Đứng nhìn đồng đội thoăn thoắt trong từng động tác nghiệp vụ, di chuyển nhanh nhẹn giữa những luồng xe qua, Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng quay sang nói với chúng tôi, những cuộc điện thoại ban đêm luôn khiến anh lo ngại, bởi việc tuần tra, kiểm soát vào thời điểm này nguy hiểm hơn nhiều so với ban ngày. Tầm nhìn hạn chế, cánh lái xe đường dài dễ mệt mỏi, ngủ gật, chỉ một phút sơ sẩy, tai nạn có thể ập đến bất kỳ lúc nào.

Thực hiện nhiệm vụ TTKS vào ban đêm, CSGT đối diện nhiều nguy hiểm hơn những thời điểm khác

Đêm cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng để chở hàng lậu, hàng cấm, vi phạm pháp luật. Nếu chiến đấu ở mặt trận phòng chống tội phạm được coi là nóng bỏng, ẩn chứa nhiều rủi ro thì đảm bảo trật tự an toàn trên các tuyến giao thông cũng là một lĩnh vực rất “nóng”, nhưng nóng kiểu khác và có cái khó riêng rất đặc thù trong giai đoạn hiện nay.

Trong quá trình TTKS, nhiều tổ công tác phát hiện phương tiện chở hàng lậu, hàng cấm

Các đối tượng hiện có nhiều thủ đoạn mới, cực tinh vi để làm giả giấy tờ, dập giả số khung số máy. Đó là chưa kể đến việc lợi dụng dịch vụ của các hãng chuyển phát nhanh, xe bưu điện, xe buýt, xe khách… để chở hàng lậu, hàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cũng trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, nhiều tổ công tác đã bắt giữ đối tượng trốn truy nã, vi phạm pháp luật. Như đầu năm 2019, trong đợt cao điểm tổng kiểm tra xe khách, đơn vị phát hiện một tài xế chạy tuyến Nam Định – Hà Nội có hành vi tàng trữ và sử dụng ma túy. Đáng nói ở chỗ, vào thời điểm kiểm tra, kết quả test nhanh cho thấy đối tượng dương tính với ma túy. Nếu không được phát hiện kịp thời, hậu quả sẽ rất khó lường đối với an toàn tính mạng của hàng chục hành khách trên xe.

Nói như Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng thì chủ động phát hiện và phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua quá trình thực hiện công tác chuyên môn có thể coi là một trong những lý do chính khiến công việc của cảnh sát giao thông trở thành “nghề nguy hiểm”. Tuy nhiên, sự nguy hiểm ấy còn có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân.

Không giống các lực lượng khác - biết rõ đối tượng mình sẽ tiếp xúc là ai - người dân hay tội phạm; đối tượng cảnh sát giao thông tiếp xúc hàng ngày rất đa dạng, từ những người lao động chân chất, hiền lành đến tội phạm nguy hiểm. Thậm chí có những trường hợp từ vi phạm hành chính đơn thuần mà bất ngờ hành động thiếu suy nghĩ, liều lĩnh, manh động, gây nguy hiểm cho người thực hiện nhiệm vụ.

Theo thống kê sơ bộ, trong vòng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Nam Định xảy ra hàng chục vụ chống người thi hành công vụ và hàng nghìn trường hợp không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của cảnh sát giao thông. Không chỉ tăng ga bỏ chạy, các đối tượng còn lạng lách đánh võng, gây nguy hiểm cho người đi đường. Khi bị bắt giữ, chẳng những không nhận thức được sai phạm, một số còn có hành vi quá khích như lăng mạ, hành hung cảnh sát giao thông; tự giật rách mũ áo, vu oan cho người thi hành công vụ. Song đáng lo ngại nhất có lẽ là sự liều lĩnh đến mức sẵn sàng lao thẳng phương tiện về phía các tổ công tác, bất chấp hậu quả khiến nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Cán bộ Đội CSGT – TT, Công an TP. Nam Định bị đối tượng vi phạm dùng phương tiện xô ngã khi tham gia quây ráp giao thông

“Trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa xảy ra trường hợp cán bộ cảnh sát giao thông phải hi sinh trong quá trình thực thi công vụ, nhưng đã có không ít trường hợp bị thương tật. Như Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an TP. Nam Định) có đồng chí Nguyễn Thành Tiến bị đối tượng vi phạm tông thẳng xe vào người, ngã vỡ xương gò má trái; đồng chí Hà bị đâm nhiều nhát vào lưng, đùi và vai khi hỗ trợ đồng đội khống chế đối tượng. Hay trường hợp của Đại úy Đỗ Thành Cương (Phòng CSGT – Công an tỉnh) cách đây mấy năm cũng bị tài xế hất văng lên nắp capo chạy suốt 10 km, phóng viên đài Hà Nam và người dân đã ghi lại được hình ảnh và cung cấp cho tổ công tác làm chứng cứ”… Gập lại chồng hồ sơ, Trung tá Nguyễn Long - Đội trưởng Đội Tham mưu chia sẻ, với anh, nhìn đồng đội bị các đối tượng vi phạm chống trả quyết liệt, chứng kiến đồng đội gặp nguy hiểm, rủi ro có thể ập xuống bất cứ lúc nào - thực sự là cảm giác không hề dễ chịu. Nhưng rủi ro đâu chỉ có thế. Sức khỏe của họ đâu phải chỉ bị ảnh hưởng bởi tác động ngoại lực của con người, mà ngay từ những yếu tố vô tri như thời tiết, khí hậu, ô nhiễm môi trường, lệch nhịp sinh hoạt… cũng có thể khiến cảnh sát giao thông nằm trong nhóm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao.

Mùa đông, đứng giữa quốc lộ, xung quanh là cánh đồng hun hút gió, trang phục được trang cấp nhiều khi không đủ giữ ấm. Song mùa hè, khi hơi nóng hầm hập từ mặt đường liên tục hất lên, nhiệt độ thường xuyên dao động ở mức 50 độ mới thật sự là thử thách sức chịu đựng. Một tháng 30 ngày, thay phiên nhau tuần tra kiểm soát, mỗi cán bộ có tới 1/3 khoảng thời gian đó phải làm nhiệm vụ ca đêm. Từng ấy yếu tố - không cần nói cũng hiểu sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe con người.

Với tính chất đặc thù công việc của mình, Cảnh sát giao thông thường xuyên phải làm việc ngoài đường. Thời tiết khắc nghiệt, sự ô nhiễm, thức đêm nhiều… là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh nghề nghiệp. Không chỉ thế, vô vàn nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ cũng khiến cảnh sát giao thông được liệt vào danh sách “nghề nguy hiểm”.

Ở đâu có họ, trật tự an toàn giao thông ở đó được đảm bảo, dù đôi khi, an toàn của người dân phải đánh đổi bằng chính sức khỏe hay sự nguy hiểm đến với các anh… Thế mới biết, bất cứ công việc nào cũng ẩn chứa nhiều rủi ro nghề nghiệp. Muốn sống được với nghề, gắn bó với nghề, ngoài đam mê, những chiến sĩ cảnh sát giao thông còn cần một thần kinh thép để có thể chiến thắng mọi áp lực, khó khăn cũng như tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Thường xuyên tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Ở đâu có CSGT, nơi đó TTATGT được đảm bảo.

SẮC NẮNG TRÊN NHỮNG TUYẾN ĐƯỜNG

Trời tảng sáng cũng là lúc xe chúng tôi trở về sau khi thu thập đủ nội dung vụ tai nạn và bắt giữ tàu khai thác cát trái phép ở thị trấn Xuân Trường. Trắng đêm phối hợp cùng Cảnh sát môi trường lập biên bản, lấy lời khai đối tượng, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt từng cán bộ thuộc Đội Cảnh sát đường thủy. Nhưng Thượng tá Nguyễn Hữu Dũng lại có vẻ tỉnh táo hơn mọi người. Anh tếu táo, lính bộ khác lính thủy ở chỗ thường xuyên làm việc theo ca, thức đêm nhiều đã thành quen, giờ lại thành lợi thế mỗi khi có việc.

Câu chuyện xoay vòng thế nào lại trở về khoảng thời gian hai chục năm trước, khi các anh còn là những lính trẻ mới vào ngành. Vất vả bây giờ tuy không ít, nhưng có rất nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ. Còn ngày ấy, mọi thứ đều khó khăn, song từ cán bộ đến lãnh đạo, chỉ huy, không một ai nề hà, đều xắn tay vì công việc chung của đơn vị.

Cảnh sát đường thủy trở về tổ tàu sau khi hoàn thành nhiệm vụ

Gắn bó với nhau qua từng nhiệm vụ đã hoàn thành, gắn bó với đơn vị từ lúc còn là chiến sĩ trẻ cho đến khi vững bước trưởng thành; may mắn được làm việc trong môi trường ngày càng chính quy, hiện đại, nhưng câu chuyện về những ngày đầu gian khó ấy, có lẽ chưa bao giờ phôi pha nơi ký ức những người cảnh sát giao thông này…

Nhắc đến Cảnh sát giao thông, người ta dễ liên tưởng đến những vấn về tiêu cực, những hình ảnh chưa đẹp mà quên mất rằng, là một lực lượng thuộc Công an nhân dân, công việc của họ cũng ẩn chứa khó khăn, nguy hiểm và đòi hỏi sự hi sinh không kém bất cứ một đơn vị nào khác. Những sắc nắng đang hiện hữu trên mỗi nẻo đường tổ quốc đang thực sự phát huy vai trò bởi phía sau họ là niềm tin, sự an toàn và hạnh phúc của nhân dân.

Ngày mới bắt đầu, nhưng không phải bên tách cà phê như chúng tôi vẫn ngồi mỗi sáng mà là những lời chào vội vã, những chuyến xe hối hả rời trụ sở đơn vị. Đồng hành cùng tôi hôm nay là Thiếu tá Trần Phi Long - Đội trưởng Đội TTKSGT số 1. Có những thời điểm cần tăng ca, làm việc 16 tiếng mỗi ngày. Ra khỏi nhà khi trời chưa kịp sáng và trở về lúc mọi người đã ngủ say, thậm chí thời điểm thành phố lên đèn cũng là lúc bước vào ca trực mới và kéo dài cho đến hết đêm… Công việc ấy như guồng quay cuốn phăng thời gian, niềm vui được chơi với con, đưa con tới lớp và quây quần bên gia đình đôi khi cũng là điều rất xa xỉ.

Từng có 10 năm công tác ở Đội Cảnh sát Hình sự – CA TP. Nam Định và gần 8 năm tại Phòng Cảnh sát Giao thông, với Thiếu tá Phi Long, mỗi công việc tuy có đặc thù riêng nhưng về tính chất thì đều giống nhau, đều đòi hỏi sự hi sinh của người cán bộ. Bản thân anh nhiều lúc rất muốn được làm những việc của một ông bố bình thường, cũng rất hiểu sự chia sẻ và gánh vác của vợ. Có thể nói, gia đình là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất, nhưng chính sự thấu hiểu, cảm thông sâu sắc từ phía bạn đời lại là điều kiện cần và đủ, là điểm tựa tinh thần để những cán bộ như anh yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Có theo chân các anh trên mỗi hành trình công tác mới cảm nhận rõ đặc thù nghề nghiệp cùng những vất vả, khó khăn của họ. Biết bao dòng người vẫn đang ngày ngày hối hả ngược xuôi trên khắp mọi nẻo đường của tổ quốc, nhưng trong số đó, liệu có bao người đã dành thời gian đi chậm, “sống chậm” để có cái nhìn thực sự đúng đắn và chia sẻ với công việc của các chiến sĩ CSGT? Nghĩ cho cùng, nhiệm vụ của các anh đâu chỉ gắn với những tai nạn và biên bản, giấy phạt khô khan. Trong quá trình thực thi công vụ, bằng việc làm thực tế của mình, các anh cũng tạo nên những câu chuyện rất đời thường và cũng rất nhân văn.

Phòng CSGT trao trả tài sản thất lạc cho người đánh rơi

“Với đặc thù địa bàn phụ trách gần khu vực sông nước, trong những lần làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên tuyến, chúng tôi đã cứu không ít người có ý định nhảy sông tự tử như chị Trần Tâm Lan (Giao Thủy) hay trường hợp của Đoàn Thị Hường (Nam Trực) và Nguyễn Thị Hoài (TP. Nam Định). Để cứu những con người đã thực sự muốn đoạn tuyệt với cuộc sống là điều không dễ dàng. Chưa một ngày đào tạo chuyên sâu về tâm lý học, trong những thời khắc ngắn ngủi đối mặt giữa sự sống và cái chết đó, chúng tôi chỉ có thể dùng chính sự đồng cảm, chia sẻ để cố gắng kéo họ quay về”…

Những sự việc trôi qua đã vài năm, thế nhưng hôm nay, khi được kể lại bằng chất giọng khàn đặc trưng của Thiếu tá Trần Phi Long, giữa khoảng không gian đêm tĩnh mịch, vẫn đủ sức làm ấm lòng những ai đang lắng nghe. Như cô gái trẻ Trần Tâm Lan từng tâm sự - có một cảm nhận rõ rệt về niềm tin và tình người luôn hiện hữu. “Với gia đình tôi, các anh cảnh sát giao thông hôm ấy chính là ân nhân. Trở về từ cõi chết, tôi có cái nhìn khác đi nhiều về cảnh sát giao thông, bởi những điều các anh làm đâu chỉ vì công việc. Đó còn là trách nhiệm và tình cảm giữa con người với con người…”

Không chỉ Tâm Lan, ngay cả chúng tôi cũng bị thuyết phục. Dưới lăng kính người trong cuộc, những câu chuyện nghề của các anh dần hiện lên chân thực, sinh động mà cũng đầy cảm động. Từ cứu người khỏi tay “hà bá”, giành giật sự sống từ tay “thần chết” cho đến trắng đêm truy tìm kẻ gây tai nạn, trả lại công bằng cho người bị hại - tất cả những việc họ đã làm khiến tôi dần có góc nhìn chân thực hơn về nghề nghiệp này.

Những lưng áo sẫm mồ hôi dưới nắng hè oi gắt… Những bàn tay xoa vào nhau kiếm tìm thêm chút hơi ấm trong cái rét ngọt đầu mùa… Những đôi chân dầm trong mưa lũ, khom người đẩy xe chết máy giúp dân… Bất chấp thời tiết dù khắc nghiệt thế nào các anh vẫn bám chốt hoàn thành nhiệm vụ… Giữa bao ồn ào của đường phố, thật đáng trân trọng khi những hình ảnh đẹp đó đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ; tuy thầm lặng song vẫn đủ sức níu đọng lại trong mỗi chúng ta…

Ngọc Thương