29/03/2024 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược ở Xinh-ga-po và kinh nghiệm cho Việt Nam

VNHN -  Cộng hòa Xinh-ga-po (Republic of Singapore) là quốc gia có thành phần dân tộc và ngôn ngữ đa dạng. Để bảo đảm sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ, đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, Xinh-ga-po đã xây dựng nhiều chính sách, chiến lược phù hợp cho đảo quốc của mình. Những chính sách, chiến lược của Chính phủ Xinh-ga-po đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, giáo dục… đặc biệt là vấn đề đào tạo, bồi dưỡ

VNHN -  Cộng hòa Xinh-ga-po (Republic of Singapore) là quốc gia có thành phần dân tộc và ngôn ngữ đa dạng. Để bảo đảm sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ, đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, Xinh-ga-po đã xây dựng nhiều chính sách, chiến lược phù hợp cho đảo quốc của mình. Những chính sách, chiến lược của Chính phủ Xinh-ga-po đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, giáo dục… đặc biệt là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) và phát triển đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược. Đây là cũng một vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm và tham khảo, trong đó có Việt Nam.
Xinh-ga-po là đất nước thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp chế tạo, kinh tế cảng, thương mại, dịch vụ tài chính… Ý thức được hạn chế về nguồn tài nguyên, Xinh-ga-po coi “con người là tài nguyên lớn nhất” và coi đây là yếu tố quyết định để phát triển công tác giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc cải cách nền công vụ.
Nhằm bảo đảm được tính nhất quán và hiệu quả của quá trình đào tạo lãnh đạo chiến lược, Chính phủ Xinh-ga-po đã chú trọng đến cách tư duy của người lãnh đạo, coi đây là mục tiêu trong các chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo cán bộ cấp chiến lược (CBCCL) của Xinh-ga-po rất phong phú, như chương trình về quản trị và chính sách công; cải cách khu vực công; lãnh đạo và phát triển tổ chức, nguồn nhân lực chiến lược… Năm 2018, Xinh-ga-po đã có 330 chương trình đào tạo quan chức hành chính (AS) và 880 chương trình lãnh đạo khu vực công (PSLP)1. Các chương trình đào tạo đều có những đặc điểm chung như sau:

Một là, chú trọng đến vấn đề đào tạo tư duy cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo để hình thành những nhà lãnh đạo có phẩm chất, tư duy lãnh đạo chiến lược. Trong đó, các nhà lãnh đạo phải hiểu và biết vận dụng linh hoạt lý thuyết vào thực tiễn kinh tế – chính trị của đất nước (có nghĩa là nhấn mạnh tư duy chiến lược, tầm nhìn, chú trọng tính lâu dài, nhìn xa, trông rộng, nhưng sát với thực tiễn, có tính thực tế).  Vì vậy, Xinh-ga-po đã nắm bắt được nhiều cơ hội, biến những yếu tố thách thức thành cơ hội sáng tạo. Tinh thần này đặt trọng tâm vào trí tuệ và nghị lực của con người: nếu dám chấp nhận rủi ro để sáng tạo và nếu có thể thay đổi, đổi mới thì mới có thể phát triển2. Thông qua phương châm tư duy một cách cẩn trọng, Xinh-ga-po lên chương trình đào tạo tư duy phục vụ công việc, làm việc tốt cho cộng đồng, xã hội, dự báo và tích hợp, liên ngành.
Hai là, Chính phủ Xinh-ga-po chú trọng bồi dưỡng các giá trị về đạo đức, nguyên tắc công vụ. Luôn phân tích, quán triệt, đề cao phẩm chất đạo đức (công vụ) hàng đầu là liêm chính; nguyên tắc hàng đầu trong công vụ là minh bạch; trách nhiệm công vụ hàng đầu là giải trình (chính vì vậy, minh bạch trở thành một trong những điểm tựa chính để cải cách công vụ của Xinh-ga-po3; năng lực công vụ hàng đầu là thay đổi, thích ứng, sáng tạo, mục tiêu tối thượng là phục vụ – “Xã hội là trên hết”4. Trong đó, giáo dục các giá trị công cũng là vấn đề quan tâm, trong đó có quản lý về các vấn đề của đất nước như: sắc tộc, tôn giáo, con người, lối sống…; đồng thời, chú trọng giá trị giáo dục và định hướng năng lực lãnh đạo theo tấm gương của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Ba là, bồi dưỡng kỹ năng quản trị điều hành, bao gồm: (1) Đa dạng cấp độ: thể hiện ở cả nội dung bồi dưỡng và những minh họa được lựa chọn về các mô hình, cách thức quản trị điều hành với thành công và thất bại, cả cấp độ quốc gia và quốc tế; (2) Tiếp cận so sánh: so sánh Xinh-ga-po với các nước trong khu vực và trên thế giới; (3) Tiếp cận trực diện, toàn diện: các chuyên đề bồi dưỡng lãnh đạo của Xinh-ga-po quan tâm một cách đúng mức đến vai trò của khu vực doanh nghiệp; (4) Chú trọng các năng lực lãnh đạo đặc biệt: trong đánh giá công chức nói chung và lãnh đạo nói riêng, Xinh-ga-po vừa quan tâm đến thực tại vừa đề cao đánh giá tiềm năng; (5) Chú trọng mối quan hệ công – tư: trong nhiều chương trình và chuyên đề, các ví dụ minh họa được lấy từ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, cơ quan nhà nước, tập đoàn tư nhân và khu vực phi lợi nhuận; (6) Chú trọng tiêu chí về tính kinh tế trong quản trị quốc gia: Chính phủ thường phải quyết định hai vấn đề trong việc phân bổ ngân sách: cách thức đưa ra thứ tự ưu tiên đối với các nhu cầu có tính cạnh tranh nhau về các chương trình, dịch vụ công và cách thức tối đa hóa đầu ra cho một giới hạn cam kết về nguồn lực5.
Bốn là, nội dung chương trình có tính hiện đại, chú trọng sự kết hợp nguồn lực con người với công nghệ, cập nhật các vấn đề mới nhất được lồng ghép trong các chủ đề lâu dài để thực hành thảo luận chính sách.
Năm là, bên cạnh các chương trình ĐTBD theo trường lớp, có chứng chỉ, Xinh-ga-po cũng rất chú trọng đào tạo thông qua thực tế. Chính phủ Xinh-ga-po hết sức quan tâm đến công tác ĐTBD công chức nhằm phát huy cao độ tiềm lực của con người cho phát triển.
Hiện nay, ở Xinh-ga-po có một số đơn vị có thẩm quyền đào tạo CBCCL như: Trường Công vụ Xinh-ga-po (Civil Service College Singapore) là trung tâm đào tạo cho các viên chức của Xinh-ga-po và đào tạo lãnh đạo các cấp, trong đó có lãnh đạo cấp chiến lược; Trường Đại học Quốc gia Xinh-ga-po (National University of Singapore)… trong đó có Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew School of Public Policy) là một cơ sở tham gia đào tạo lãnh đạo. Bên cạnh đó, các tổ chức khoa học – công nghệ theo mô hình doanh nghiệp cũng có thẩm quyền tham gia đào tạo lãnh đạo.
Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ kinh nghiệm trong việc tổ chức, đào tạo cán bộ cấp lãnh đạo của Xinh-ga-po cho thấy, chúng ta cần có những suy ngẫm về quản trị quốc gia, đặc biệt về vấn đề phát triển cán bộ lãnh đạo cho các quốc gia.
Những năm qua, ở nước ta, việc ĐTBD cho đội ngũ CBCCL đã được thực hiện từng bước một cách có bài bản, hệ thống. Tuy nhiên, nội dung chương trình và phương pháp ĐTBD lãnh đạo, quản lý chưa ngang tầm với yêu cầu của vị trí công tác; chưa có các nội dung sâu về tầm nhìn, tư duy chiến lược. Để tạo lập được một đội ngũ CBCCL thực sự tiêu biểu, có tư duy đổi mới, khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện… trong các chương trình đào tạo CBCCL đòi hỏi thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tìm được đúng đối tượng có tư duy chiến lược để bồi dưỡng, đào tạo. Trong thời kỳ đổi mới, tiêu chí của CBCCL có yêu cầu cao, toàn diện và thường xuyên được Đảng ta hoàn thiện, làm rõ trong Quy định 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và Quy định 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó nhấn mạnh yêu cầu quan trọng hàng đầu mà CBCCL hiện nay cần có là “yêu cầu về phẩm chất tư duy chiến lược”; “Có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược”…
Thứ hai, đầu tư lựa chọn giảng viên phù hợp với các chương trình đào tạo CBCCL. Một số giảng viên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước có nhiều kinh nghiệm nhưng thiếu kỹ năng giảng dạy và tiếp cận đối tượng nên hiệu quả đạt được không cao. Nhiều chuyên đề mới chỉ thông tin về “điểm nóng”, tình huống chứ chưa phải là cách thức tiếp cận, phát hiện và xử lý vấn đề.
Thứ ba, rà soát lại nội dung chương trình đào tạo CBCCL cho phù hợp và sát thực với đối tượng đặc thù; tập trung vào các chuyên đề bổ trợ cho thật sát với chương trình; chú trọng công tác thực tế, để học viên thâm nhập sâu và hành động với các hoạt động thực tế.
Đặc biệt, trong tình hình kinh tế – xã hội biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng như hiện nay, để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công thường xuyên nảy sinh những vấn đề mới, chất lượng các chương trình ĐTBD CBCCL cần được nâng cao, các chương trình bồi dưỡng kịp thời bằng nội dung thiết thực, cập nhật và phù hợp với chức trách, nhiệm vụ thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Nội dung chương trình bồi dưỡng phải bám sát nhu cầu nâng cao kiến thức, kỹ năng thực thi công vụ; đồng thời, dựa vào sự nghiên cứu, tư vấn của các chuyên gia, nhà quản lý và được kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, các chương trình bồi dưỡng CBCCL phải phù hợp với đối tượng và nhu cầu công việc đang đảm nhận, đa dạng hóa các chương trình bồi dưỡng; tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau. Ngoài chương trình bồi dưỡng áp dụng chung, tùy thuộc vào từng bộ, ngành, các cơ sở ĐTBD xây dựng các học phần riêng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng chương trình và quá trình tổ chức bồi dưỡng.
Thứ tư, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ và phát huy một số phẩm chất truyền thống của người CBCCL, như: bản lĩnh chính trị, trách nhiệm chính trị và đạo đức cách mạng trong sáng, thực sự vì nước vì dân… Đạo đức công vụ là yếu tố quyết định mức độ cống hiến của CBCCL đối với công việc và nhân dân. Trong thiết kế, xây dựng chương trình cần có các khóa học về tư cách đạo đức công vụ được thiết kế riêng hay lồng ghép với các khóa học khác; đồng thời, đa dạng hóa phương pháp bồi dưỡng đạo đức công vụ.
Thứ năm, sau các đợt bồi dưỡng cho CBCCL, các khóa đào tạo cần tổ chức hoạt động đánh giá khóa bồi dưỡng bằng các hình thức khác nhau, nhằm cung cấp dữ liệu phục vụ cho việc điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình. Đánh giá kiến thức được tiến hành dựa trên chuẩn nội dung của chương trình; đánh giá kỹ năng theo tiến trình hình thành kỹ năng của người học; phẩm chất đạo đức của người học được đánh giá theo chuẩn giá trị. Có thể khảo sát ý kiến của người học về mức độ thiết thực của chương trình bồi dưỡng.
ĐTBD công chức có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền hành chính nhà nước đối với mọi quốc gia. Mỗi quốc gia có những kinh nghiệm khác nhau trong vấn đề ĐTBD công chức, song nghiên cứu, trao đổi, học tập những kinh nghiệm của các nước là việc làm cần thiết để giúp chúng ta tìm ra cách làm, bước đi thích hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước./.
Chú thích:
1. Wu Wei Neng và Shanice. Kinh nghiệm của Singapore trong thiết kế đào tạo dành cho công chức cao cấp.Tài liệu Tọa đàm khoa học tại Học viện Hành chính Quốc gia, tháng 8/2019.
2, 4, 5. Kinh nghiệm đào tạo lãnh đạo chiến lược của Xinh-ga-po. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 27/6/2018.
3. Thành tựu của Xinh-ga-po về Coruption Perception Index do Transparensy International (TI) công bố. https://www.transparency.org.
Tài liệu tham khảo:
1. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ đức, đủ tài, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 25/12/2018.
2. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ cấp chiến lược. http://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 12/6/2018.
3. Một số kinh nghiệm bước đầu từ thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời kỳ đổi mới. http://lyluanchinhtri.vn, ngày 18/9/2017.