20/04/2024 lúc 15:16 (GMT+7)
Breaking News

Chùa nghệ sĩ - nơi yên nghỉ ngàn thu của những kiếp cầm ca

VNHN - Chùa nghệ sĩ tọa lạc tại số 116/6 đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh là một nghĩa trang đặc biệt chỉ chôn cất các nghệ sĩ sân khấu cải lương. Ngày nay, chùa trở thành điểm lui tới thăm viếng của nhiều nghệ sĩ và những người yêu mến môn nghệ thuật đã từng lấy đi nước mắt của bao nhiêu khán thính giả một thời này.

VNHN - Chùa nghệ sĩ tọa lạc tại số 116/6 đường Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh là một nghĩa trang đặc biệt chỉ chôn cất các nghệ sĩ sân khấu cải lương. Ngày nay, chùa trở thành điểm lui tới thăm viếng của nhiều nghệ sĩ và những người yêu mến môn nghệ thuật đã từng lấy đi nước mắt của bao nhiêu khán thính giả một thời này.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa nghệ sĩ hôm nay vẫn còn nguyên nét hoen sơ của thuở trước, mặc cho lớp bụi thời gian đẩy ánh hào quang của những “ông hoàng bà chúa” một thời oai dũng trên sân khấu về phía âm sâu, nhưng những thành quả nghệ thuật của họ thì vẫn còn lưu lại mãi.

Hình ảnh ngôi chùa từ cổng trước

Dưới ánh hào quang, ánh đèn màu sân khấu là những số phận trần tục chứa ảo ảnh của thời gian, lưu giữ hào quang kỉ niệm. Ánh hào quang tắt trên sân khấu nhưng lại ẩn núp trong đời nghệ sĩ theo về nơi cát bụi, dễ làm cho người ta ngẩm suy về kiếp cầm ca như con tằm quằn quại rút ruột nhả tơ dâng tặng cho đời, có khi như con dã tràng xe cát, và rồi dù có tạo ra được dải lụa dài óng ánh hay dựng được lâu đài cát tráng lệ nguy nga thì cuối cùng tất cả đều bị sóng biển và sóng cuộc đời cuốn đi, đi mãi.

Kiếp cầm ca - một cái nghề, một cái duyên, một cái mệnh gắn với một cái nghiệp. Tất cả như cuốn vào nhau để tạo nên một thứ năng lượng đa sắc màu nhưng cũng đầy hệ lụy, mà chỉ khi kiếp cầm ca thực hiện việc tu thiền mới lấy lại được giá trị thực và chảy vào quỹ đạo của vũ trụ không cùng. Có lẽ cũng vì thế mà hiện nay tại chùa, trên cửa ra vào phòng diễn – nơi các nghệ sĩ vẫn mỗi năm dăm bận về cái sân khấu bé nhỏ này cất lên những đoạn trường lâm li ủy mị để “báo hiếu” với những nghệ sĩ bậc thầy, còn ghi dòng chữ “Sân khấu là đời nhiều hệ lụy. Tu là cội phúc giải dây oan”.  Dòng chữ ấy muốn nhắc nhở thế hệ nghệ sĩ hiện tại và thế hệ nghệ sĩ mai sau phải lưu tâm đến cái nghiệp của kiếp cầm ca mà tránh cho đời bớt hệ lụy. Vì, sân khấu là sân chơi cũng là sân đời mà Đời nghệ sỹ là đời nhiều hệ lụy / Chỉ có tu thiền mới giải được dây oan.  

Khi bức màn nhung sân khấu được kéo lên, sau màn chào hỏi mượt tai là những hình tượng diêm dúa bắt mắt xuất hiện với những ánh nhìn ngoắt nguýt sắc lẹm của đế vương, dũng tướng luôn đối nghịch với những ánh mắt đờ đẫn hiền từ, những cuộc đời bất hạnh, song tất cả đều gửi gắm thông điệp của số phận. Và khi đêm diễn kết thúc, ánh đèn sân khấu vụt tắt, bao kẻ ngẩn ngơ hụt hẫng kiếm tìm tiếp diễn. Nhưng còn đâu khi nguồn cơn đã cạn, mạch lượng không còn. Cả khán giả vội vã chen nhau đi về nơi chốn tạm, thì thầm nhỏ to những góc khuất vở kịch xem, những cặp tình tan vỡ, những mảnh đời bất hạnh, những hạnh phúc mong manh. Nội dung vở diễn cứ chảy mãi vào trong nội lượng của những cuộc đời trong veo, dẫn dắt chạy vào buồng riêng trắc ẩn. Và, có biết bao kẻ cả trẻ lẫn già vẫn ước mong được hóa mình với ánh hào quang giả tạo và hạnh phúc mong manh trên sàn diễn. Ánh hào quang đèn màu sân khấu cứ chảy mãi vào tâm hồn trẻ thơ đi vào lớp học, thả cả trên đồng chiều cuống rạ ngẩn ngơ nối sợi dây buồn.

Đứng trước những ngôi mộ của những nghệ sĩ tài danh nhưng mệnh số ngắn ngủi hẳn không ai lại không động lòng trắc ẩn, bởi thế cho nên tôi viết bài này để chia sẻ cho những kiếp cầm ca đã hóa thân khóc cho bao số phận, đã rứt ruột cuộn xoay đau xé lệ tràn, nhưng đến lượt mình thì nuốt nước mắt vào trong, ngậm chín suối tựa như dòng sữa mẹ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ cho chúng ta con đường đến hạnh phúc mà có lẽ ai cũng có thể làm được, đó là: “Nếu bạn muốn người khác hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn. Nếu bạn muốn mình hạnh phúc, hãy động lòng trắc ẩn”.

Xưa, cụ Nguyễn Du đã từng lo xa cho cái quy luật nghiệt ngã của kiếp người mà thốt những câu thơ cho chính đời mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng). Nguyễn Du dự cảm cho “Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”, cụ lại khóc cho tất thảy thập loại chúng sinh, và có lẽ cụ cũng đã tự khóc trước cho mình trong thập loại chúng sinh ấy.

Nay, những “ông hoàng bà chúa” oai dũng một thời đã yên nghỉ ngàn thu nhưng vẫn còn hơn chục nghệ sỹ mà trước đây đã có lúc nhập vai, đóng thế, kéo rèm, vẫn ngày ngày chăm nom những ngôi mộ như một sự tri ân và có lẽ cũng là để giải dây oan cho kiếp cầm ca của chính mình.

Mặc cho sợi dây oan kia ấn định cho kiếp cầm ca và có kéo dài mãi đi nữa, thì những nghệ sĩ trẻ cải lương ngày nay vẫn cứ miệt mài nối nghiệp cha ông, cố giữ lấy sắc màu sân khấu và từng bước giải hóa sợi buồn chảy suốt trăm năm./.