23/04/2024 lúc 15:21 (GMT+7)
Breaking News

Chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế

VNHN - Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thông qua việc ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác, trong đó có các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Để bảo đảm hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước ta đề ra là chủ động

VNHN - Thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thông qua việc ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác, trong đó có các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Để bảo đảm hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước ta đề ra là chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn trên thế giới đang gia tăng và xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài thì việc xây dựng, bảo vệ và phát triển năng lực sản xuất trong nước đang trở thành một yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững và bảo đảm ổn định xã hội.


Chủ động xây dựng chiến lược bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế_Ảnh: Tư liệu

Là một thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bên cạnh việc vận động theo xu thế tự do hóa thương mại, Việt Nam cũng ý thức rất rõ sự cần thiết của các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM), bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với ngành sản xuất trong nước trên cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Đối với hàng hóa nội địa, với mức cắt giảm thuế quan hầu hết về 0% theo 13 FTA đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, song hành cùng với những thuận lợi của các hiệp định khi tận dụng lợi thế so sánh để gia tăng hiệu quả sản xuất, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. 

Thứ nhất, quá trình mở cửa, dù theo lộ trình, với các đối tác thương mại lớn có thể khiến một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Thứ hai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị các nước áp dụng biện pháp PVTM với tần suất cao. Các vụ kiện này không chỉ diễn ra với hàng hóa có thế mạnh xuất khẩu mà với ngay cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp. Việc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới các ngành sản xuất, xuất khẩu và gián tiếp đặt ra các gánh nặng về kinh tế - xã hội.

Pháp luật về PVTM Việt Nam đã được xây dựng cách đây 15 năm, trước khi chúng ta chính thức gia nhập WTO. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây chúng ta mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các FTA cho phép. Cho tới nay, số lượng các biện pháp PVTM mà ta áp dụng để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước rất nhỏ trong tương quan với các vụ hàng hóa xuất khẩu bị kiện.

Cụ thể, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng 10 biện pháp PVTM (5 vụ, việc chống bán phá giá và 5 vụ, việc tự vệ). Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất khẩu đã và đang “căng mình” gánh chịu hơn 160 biện pháp PVTM, trong đó có gần 100 biện pháp chống bán phá giá, 20 biện pháp chống trợ cấp, 15 biện pháp chống lẩn tránh thuế và 30 biện pháp tự vệ. Mức độ áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu còn thấp so với mức thuế rất cao do nước ngoài áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, một mặt, khẳng định chủ trương chủ động mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta; mặt khác, cũng đặt ra yêu cầu chủ động, tích cực hơn nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành sản xuất trong nước phát triển.

Theo hướng đó, trong 3 năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp chủ động nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế:

Một là, hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế về phòng vệ thương mại.

Nhìn nhận tầm quan trọng của pháp luật về PVTM, ngày 12-6-2017 Quốc hội khóa 14 đã thông qua dự án Luật Quản lý ngoại thương, trong đó có một chương riêng về PVTM, thay thế các pháp lệnh cũ. Ngày 15-1-2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại”. Ngày 20-4-2018 Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 06/2018/TT-BCT “Quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại”. Ba văn bản quy phạm pháp luật này về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế và thực tiễn Việt Nam để thực thi PVTM hiệu quả hơn.

Về mặt tổ chức, Chính phủ đã nhìn nhận sự cần thiết thành lập một cơ quan quản lý nhà nước về PVTM để thúc đẩy chủ trương bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế, do đó Nghị định số 98/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã quy định thành lập Cục Phòng vệ thương mại. Hành lang pháp lý, thể chế mới cho phép chủ động thực hiện các chủ trương, chính sách về PVTM, đồng thời tiệm cận tinh thần tại các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên và thực tiễn nghiệp vụ về PVTM trên thế giới, tạo điều kiện xây dựng các chương trình hành động cụ thể, xuyên suốt và thống nhất trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

Hai là, tăng cường công tác thực thi.

Thực hiện cam kết theo các FTA đã ký, đến nay Việt Nam đã mở cửa thị trường và cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng từ các đối tác thương mại quan trọng. Điều này đặt các doanh nghiệp (DN), ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam mới chỉ áp dụng được 2 biện pháp PVTM đối với mặt hàng dầu ăn và thép inox.

Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã áp dụng 6 biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước đối với phân bón DAP, bột ngọt, các sản phẩm sắt, thép, như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình và tôn màu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang thực hiện điều tra 5 vụ, việc khác đối với các sản phẩm, như nhôm thanh định hình, ván gỗ công nghiệp, màng BOPP, thép phủ màu, thép cán nguội, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ để kịp thời hỗ trợ DN sản xuất trong nước triển khai các biện pháp PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước một cách phù hợp.

Các biện pháp PVTM đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ việc làm của trên 100.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp PVTM ước tính đóng góp khoảng 6,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của cả nước. Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp PVTM được áp dụng cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Qua theo dõi tác động của các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Ví dụ, trước đây mỗi năm số lượng mặt hàng tôn mạ đều nhập khẩu năm sau tăng gấp đôi so với năm trước, sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, số lượng nhập khẩu mặt hàng này đã giảm đáng kể. Nhờ công cụ PVTM, nhiều DN thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất, kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất, như Công ty Phân bón DAP Hải Phòng, Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina...

Các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Chẳng hạn, đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Nếu như trước năm 2009, khi Việt Nam không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng ở mức rất cao (18.000 VND/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao.

Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 VND/kg vào cuối năm 2017. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước, vừa giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a... đều đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp PVTM nhằm bảo đảm duy trì sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá cũng như tình hình nhập khẩu và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp PVTM cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp PVTM hay giảm động lực cạnh tranh của DN trong nước. Thực tế nhiều DN sản xuất trong nước đã tăng cường nhập khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng, như Thép Hòa Phát, Tôn Đông Á, DAP Hải Phòng, Thép Posco SS Vina... Điều này cho thấy, năng lực cạnh tranh quốc tế của DN vẫn được bảo đảm. Như vậy, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và bảo đảm giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Ba là, xây dựng chiến lược dài hạn.

Để tiếp tục chiến lược bảo vệ sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động, ngày 28-3-2019 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-BCT về “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, xét đến 2025”. Chương trình tổng thể về PVTM nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp PVTM để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần dựa trên việc nhận thức đầy đủ, vận dụng đúng đắn chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các biện pháp PVTM, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Chương trình nêu rõ các cơ chế, chính sách về các biện pháp PVTM đối với các ngành công nghiệp cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, các DN nhỏ và vừa.

Để phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào thu hút vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt hay tăng trưởng xuất khẩu quá nóng, mà cần bảo đảm hiệu quả trong dài hạn. Thực hiện mục tiêu này, một mặt, chúng ta cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng, nhằm nắm bắt cơ hội nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt đối với các ngành hàng mà ta có lợi thế so sánh, có chủ trương khuyến khích đầu tư; mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

Yêu cầu này ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn biến phức tạp và chúng ta thực hiện các FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA. Vì vậy, ngày 4-7-2019, Bộ Công Thương cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Với các chiến lược và biện pháp cụ thể về PVTM nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để tin tưởng rằng, các ngành sản xuất trong nước sẽ có môi trường cạnh tranh, kinh doanh bình đẳng, góp phần thực hiện tốt chủ trương nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng, Nhà nước ta đã đề ra./.

Trần Tuấn Anh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương