28/03/2024 lúc 23:49 (GMT+7)
Breaking News

Chờ sóng năm mới Canh Tý - 2020

VNHN - Khởi đầu tháng 12 ở mốc 970 điểm, VN-Index hiện đang biến động quanh khu vực 950 điểm. Bức tranh diễn biến từ đầu tháng 12 đến nay có thể nói là ảm đạm nhưng không bất ngờ trên thị trường chứng khoán bởi gần chục năm qua, đều như vậy.

VNHN - Khởi đầu tháng 12 ở mốc 970 điểm, VN-Index hiện đang biến động quanh khu vực 950 điểm. Bức tranh diễn biến từ đầu tháng 12 đến nay có thể nói là ảm đạm nhưng không bất ngờ trên thị trường chứng khoán bởi gần chục năm qua, đều như vậy.

Ảnh minh họa

Tháng 12 được xem là thời gian nghỉ ngơi của các tổ chức nước ngoài, nhất là giai đoạn cuối tháng. Mặt khác, các giao dịch cũng diễn ra khá thận trọng vì các quỹ phải cân nhắc kỹ càng hơn trong việc nhìn lại thị trường, lên kế hoạch cho năm mới. Hiệu ứng từ mùa báo cáo tài chính quý III cũng kết thúc từ tháng 11. Chưa kể, kết quả kinh doanh của quý III cũng gần như hé lộ kết quả của 4 quý (cả năm) nên kỳ vọng kết quả kinh doanh của năm thường rơi vào tháng 3 (khi có báo cáo kiểm toán) hơn là giai đoạn cuối tháng 12, đầu tháng 1 năm sau (chỉ có báo cáo tài chính quý IV và không kiểm toán).

Riêng trong năm 2019, thị trường cũng mới trải qua một đợt tăng của VN-Index vượt 1.000 điểm, tiến đến 1.030 điểm rồi điều chỉnh và thời điểm đó lại đang rơi vào tháng 12, kết hợp với “thói quen ảm đạm” của những năm trước thì tháng 12 năm nay cũng không khác nhiều. Phiên ngày 18/12 đã là phiên thứ 4 liên tiếp VN-Index giảm điểm, khi từ gần 970 điểm xuống chỉ còn hơn 950 điểm. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là liệu VN-Index có thể trụ được trên ngưỡng 950 điểm giống như 2 lần trước đó hay không?

Thanh khoản của thị trường trong 4 phiên gần nhất vẫn duy trì được trên ngưỡng 3.000 tỷ đồng/phiên, một mặt thể hiện sức mua khá tốt của thị trường. Điều này cũng trùng với các nhận định được đưa ra rằng nhiều cổ phiếu đã trở về mức giá hấp dẫn để mua và giữ trong dài hạn. Nhưng mặt khác, điều này cho thấy lực bán vẫn đang được đẩy mạnh và xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư đã trở nên mất kiên nhẫn với những cổ phiếu không thể phát lộ khả năng tăng giá mạnh trong ngắn lẫn dài hạn, lại thêm thời điểm cuối năm nên cũng quyết tâm làm sạch danh mục hơn; Thứ hai, cũng không loại trừ nguyên nhân bán ra để rồi mua vào với giá rẻ hơn.

Hai nguyên nhân này khiến cho lực bán có thể đột ngột xuất hiện bất cứ lúc nào và khiến cho bên nắm giữ cổ phiếu phải chùn tay. So với đỉnh 1.030 điểm, VN-Index đã mất 80 điểm, một điểm số được xem là lớn, nhưng nếu có mất thêm 20 điểm nữa để tròn việc điều chỉnh 100 điểm cũng không phải là quá nhiều. Mặt khác, việc thị trường giảm càng sâu, kỳ vọng bật mạnh lại xuất hiện lớn hơn nữa và điều này lại khiến bên mua thích thú hơn. Từ đây cũng mở ra một khả năng về việc VN-Index mất 950 điểm trong ngắn hạn nhưng sẽ sớm lấy lại chỉ trong 2-3 phiên.

Nhưng ngoài VN-Index, thực tế thì thị trường hiện đã đủ các công cụ để nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận, bất chấp những biến động tăng giảm. Chính vì lẽ đó, khả năng tập trung vào VN-Index trong ngắn hạn cũng sẽ giảm đi. Nhà đầu tư cá nhân tăng cường phòng thủ, nhà đầu tư tổ chức tăng cường tái cơ cấu danh mục sẽ gây nên những xáo trộn ngắn hạn. Và khi các mục tiêu này đã trở lại thì việc thị trường xuất hiện những phiên hưng phấn, tạo cơ hội ngắn hạn vẫn thường xảy ra.

Dù vậy, có một kịch bản đáng chú ý trong khoảng 3 năm gần đây, đó là VN-Index thường chỉ khởi sắc từ một, đến một phiên rưỡi trước khi kết thúc năm. Nghĩa là nếu nhà đầu tư có ý định mua, đón lõng thị trường để chờ sóng đầu năm 2020 sẽ phải hết sức cẩn thận. Mục tiêu khả dĩ nhất chính là lựa chọn cổ phiếu đã tạo được đáy trung hạn và khó giảm thêm, mua vào, nắm giữ tại thời điểm này. Còn nếu đã chọn hàng có tính thị trường cao, cần chờ đợi VN-Index thực sự tạo đáy, thanh khoản cạn kiệt và tâm lý của nhà đầu tư chán nản để mua vào, lúc đó sẽ có cơ hội trong ngắn hạn.