20/04/2024 lúc 01:52 (GMT+7)
Breaking News

Chính sách vay vốn giải quyết việc làm ở Quế Võ Bắc Ninh

VNHN - Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quế Võ, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

VNHN - Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình cho vay giải quyết việc làm (GQVL) của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quế Võ, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Riêng 9 tháng năm 2019 có 154 dự án được vay mới với số vốn hơn 10,1 tỷ đồng. Nguồn vốn này góp phần hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Song, trong giai đoạn đô thị hóa, công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới như hiện nay, nguồn vốn cho vay GQVL còn rất khiêm tốn, việc tăng dư nợ là hết sức cần thiết. Đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 22,2 tỷ đồng với hơn 300 dự án còn dư nợ (trong đó 6 tỷ đồng cho vay khởi nghiệp từ nguồn vốn ngân sách địa phương).

NHCSXH huyện Quế Võ thực hiện giao dịch lưu động tại xã Đức Long.

Đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Long Khê, xã Ngọc Xá mới thấy rõ hiệu quả nguồn vốn GQVL của NHCSXH. Năm 2018, bà Thuận được vay 50 triệu đồng vốn GQVL của NHCSXH huyện Quế Võ để sửa chữa chuồng trại và mua con giống.

Bà Thuận tâm sự: “Nhờ nguồn vốn vay chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, đến nay mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình phát huy hiệu quả. Với diện tích hơn 1 mẫu ao thả cá với các giống chủ lực như: Trắm, chép, cá diêu hồng và nuôi 2.000 vịt đẻ. Bình quân mỗi ngày gia đình thu 1.400 quả trứng giống, giá từ 6000-8000 đồng/quả. Vốn vay NHCSXH với lãi suất ưu đãi (hiện chỉ với 0,55%/tháng) là điều kiện tốt để gia đình giảm chi phí đầu vào, hơn thế nữa lại được vay với chu kỳ dài và không phải thế chấp tài sản. Song với mức vay 50 triệu đồng quá ít so với nhu cầu thực tế, tôi mong Nhà nước, NHCSXH tăng mức cho vay để mở rộng quy mô, tạo việc làm cho nhiều lao động”.

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã giúp cho nhiều lao động phát triển kinh tế, có thu nhập tốt nhưng nguồn vốn còn rất ít. 

Bà Nguyễn Thị Hiên, thôn Thủ Công, xã Phù Lãng cũng được vay 50 triệu đồng vốn chương trình GQVL để phát triển sản xuất gốm truyền thống. Gia đình bà hiện sản xuất một số mặt hàng truyền thống như: chum, vại, niêu, tranh gốm. Riêng sản phẩm niêu đất nung được một Công ty thực phẩm ký hợp đồng kinh tế thu mua cố định 1.000 chiếc/tháng nên đầu ra tương đối ổn định. Để chuyên nghiệp hơn trong sản xuất, gia đình bà vừa đầu tư thêm một số loại máy móc hiện đại như máy nghiền, máy đùn đất, máy quay chuốt… thay thế cách làm thủ công trước đây.

Bà Hiên chia sẻ: “Cũng nhờ nguồn vốn hỗ trợ GQVL của NHCSXH mà gia đình duy trì phát triển nghề truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, số vốn 50 triệu đồng quá ít so với nhu cầu thực của gia đình”. Hiệu quả từ chương trình cho vay GQVL được thực tế chứng minh, đồng thời được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn cón đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn GQVL.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn người dân thủ tục vay vốn tạo công ăn việc làm cho người dân.

Theo ông Vũ Khánh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Quế Võ thì mức cho vay vốn chương trình GQVL trên địa bàn huyện hiện nay phổ biến là 30- 50 triệu đồng/lao động. Nhu cầu vay vốn GQVL rộng nhưng nguồn vốn có hạn, gây khó khăn trong quá trình giải ngân nguồn vốn. Theo Quy định mức vay trên 50 triệu đồng, hộ vay cần bảo đảm tài sản thế chấp, cũng có nhiều hộ vay có nhu cầu nhưng điều kiện không đủ nên Ngân hàng cũng không thể giải ngân.

Thời gian tới đơn vị tập trung phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát những khách hàng có mô hình sản xuất tốt nhưng khó khăn về vốn và có nhu cầu vay vốn GQVL để cân đối, nguồn vốn nhằm hỗ trợ người dân phát huy tối đa hiệu quả; đồng thời, tích cực tranh thủ sự ủng hộ của NHCSXH tỉnh và HĐND, UBND huyện để xin tăng thêm nguồn vốn hỗ trợ bà con trên địa bàn.

Nhờ chính sách cho vay vốn hỗ trợ việc làm mà nhiều người dân đã thoát nghèo. 

Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng/lao động (thay cho 500 triệu đồng /dự án và 20 triệu đồng/hộ trước kia). Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Quế Võ số cơ sở được vay 1 tỷ đồng chưa có. Phổ biến là mức vay 50 triệu đồng.

Nguồn vốn cho vay GQVL là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhằm thúc đẩy chương trình cho vay đạt hiệu quả cao, việc tìm lời giải cho bài toán bổ sung nguồn vốn vay GQVL hàng năm rất cần các cấp, ngành chung tay giải quyết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi, người dân phải chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó vốn cho GQVL giữ vai trò hết sức quan trọng.