29/03/2024 lúc 16:01 (GMT+7)
Breaking News

Chính phủ ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài

VNHN - Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (UBTVQH)  sáng  16/10, Chính phủ đã ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài.

VNHN - Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (UBTVQH)  sáng  16/10, Chính phủ đã ban hành Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài.

Dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 - Ảnh: Quốc hội

Cuối phiên họp buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014.

Trong đó, liên quan đến nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã sửa đổi Khoản 3 Điều 7 của Luật Đầu tư theo hướng tiếp tục khẳng định nguyên tắc: Bộ, Cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, nhưng áp dụng cơ chế linh hoạt, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thẩm quyền quy định thủ tục hành chính. Theo đó, các cơ quan này có thể ban hành văn bản quy định về thủ tục hành chính để thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh trong trường hợp được giao trong luật.

Đáng lưu ý, dự thảo bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan; trong đó bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Dự thảo cũng tiếp tục cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất; các hóa chất, khoáng vật và động, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế, nhưng bãi bỏ các Phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư và giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này cũng như yêu cầu quản lý nhà nước.

Liên quan đến các ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Luật này đã bổ sung quy định về Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận chọn bỏ. Danh mục này bao gồm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện.

Ngoài 2 Danh mục này, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc bổ sung quy định này nhằm nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong việc áp dụng các cam kết của Việt Nam tại các hiệp định có cách tiếp cận khác nhau về mở cửa thị trường (chọn cho và/hoặc chọn bỏ).

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý việc đảm bảo nguyên tắc những quy định hạn chế tự do kinh doanh phải được quy định vào Luật mà không nên giao cho Chính phủ quy định.

“Đừng mở rộng việc cấm thêm những ngành nghề vốn đã tồn tại, nhất là các hoạt động thiện nguyện mà nhân dân đang làm, bây giờ lại cho vào danh mục kinh doanh có điều kiện là không hợp lý” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một số ngành nghề, ví dụ như dịch vụ cai nghiện thuốc lá, cần được khuyến khích phát triển thay vì hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì nhận xét: “Nhiều nội dung tổng kết rất sơ sài. Đề nghị kiểm tra lại cẩn thận báo cáo đánh giá tác động của luật này và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước khi quyết định sửa đổi”. Một nhược điểm khác, theo bà Nga, là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.  

“Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, theo Tờ trình là có phát sinh phức tạp, tôi biết có nhiều địa phương muốn cấm. Tôi chưa nói nên cấm hay không, nhưng trước hết phải xem lại, đánh giá kỹ các vụ việc phức tạp ở các địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đầu tư không được làm xáo trộn, gây khó khăn cho các dự án đang triển khai và không được tạo ra những xung đột pháp luật với các luật hiện hành và đang được xây dựng.