26/04/2024 lúc 00:17 (GMT+7)
Breaking News

Chiến tranh và nỗi đau chưa dịu!

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, song hậu quả và vết thương để lại trên thân thể của nhiều cựu chiến binh đã khiến cuộc sống của họ trong thời bình vẫn chưa có ngày được bình yên.

VNHN - Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, song hậu quả và vết thương để lại trên thân thể của nhiều cựu chiến binh đã khiến cuộc sống của họ trong thời bình vẫn chưa có ngày được bình yên.

Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Quốc Khánh 2/9, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Cửu ở thôn 4 xã Ea Huar huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đây là gia đình thương binh nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thấy chúng tôi đến thăm, ông Cửu với chiếc chân giả bước đi khập khiễng từ nhà hàng xóm về. Trong căn nhà nhỏ nằm sát ven đường tỉnh lộ 1, tài sản đáng giá chỉ có bộ bàn ghế trường kỷ cũ. Ngồi tháo chiếc chân giả, ông Cửu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của người lính chống Mỹ năm xưa.

Bà Vũ Thị Sim đang giúp chồng tháo chiếc chân giả

Sinh ra và lớn lên ở xã Địa Linh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn, năm 1972 ông Hoàng Văn Cửu vừa tròn 18 tuổi. Khi ấy đất nước còn chìm trong bom đạn của giặc Mỹ, ông xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường mặt trận B tỉnh Quảng Trị. Trong một trận chiến đấu khốc liệt với quân thù, ông bị trọng thương vào chân phải. Ngực, lưng và thái dương trái của ông cũng bị nhiều mảnh pháo xuyên vào. Ông được đồng đội chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị. Do vết thương quá nặng nên ông bị cưa mất một chân phải, còn những mảnh bom ghim vào thái dương trái và chân trái thì không thể phẫu thuật. Thời gian điều trị vết thương và an dưỡng mất gần 10 năm. Đến tháng 7 năm 1982, các vết thương trên người ổn định, ông được đơn vị cho về phục viên tại quê nhà, mang thương tật 61%, thương binh hạng 2/4 và bị nhiễm chất độc da cam.

Trong thời gian an dưỡng tại Thái Nguyên, ông gặp bà Vũ Thị Sim là công nhân quê ở Thái Bình. Thương người lính bị tàn phế thương tích đầy mình, bà Sim nguyện suốt đời ở bên cạnh chăm sóc cho ông. Tình yêu của người lính và chị công nhân đã chớm nở, và rồi hai người nên duyên vợ chồng.

Năm 1980, vợ chồng ông sinh được cậu con trai, niềm vui vỡ òa khi nghe con cất tiếng khóc chào đời chưa được bao lâu thì nụ cười bỗng tắt lịm, khi nhìn thấy đôi mắt con bị mù, miệng thì bị hở hàm ếch, ông Cửu đau đớn đến tột cùng, khi biết con mình bị nhiễm chất độc da cam do nhiễm trong chiến tranh. Không cam chịu số phận, ông tiếp tục động viên vợ sinh thêm 3 người con, may mắn thay 1 người con trai và 2 cô con gái sau đều lành lặn. Đông con, ruộng vườn không có, đồng trợ cấp thương binh ít ỏi, một mình bà Sim lo chạy vạy bữa ăn hàng ngày để nuôi đàn con nhỏ. Kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, chưa nói đến chuyện đưa Giang, cậu con trai đầu đi chữa trị khắp nơi. Năm 1986, được Nhà nước quan tâm, Giang đã được đưa đi điều trị hở hàm ếch miễn phí, còn  đôi mắt thì phải chịu tối tăm suốt đời.

Bố con anh Hoàng Văn Giang đang chuẩn bị bữa cơm trưa 

Quê nghèo, cuộc sống khó khăn, năm 2001, ông Cửu dẫn vợ con rời quê hương đến Tây Nguyên sinh sống, mong vùng đất mới sẽ giúp ông thoát khỏi cảnh đói nghèo. Gắn bó với mảnh đất Buôn Đôn gần 20 năm, các con ông đã lớn khôn và lập gia đình. Anh Hoàng Văn Giang cũng đã lấy vợ và sinh được 2 con, bé gái năm nay 9 tuổi, bé trai 5 tuổi. Vợ chồng ông Cửu sống cùng vợ chồng anh Giang. Cuộc sống gia đình tuy khó khăn nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười, khi vợ chồng ông Cửu có con cháu quây quần ở bên. Bà Sim có con dâu đỡ đần lúc tuổi già, phụ giúp việc nhà và lo cho bố con anh Giang. Tưởng đâu hạnh phúc đã mỉm cười, ai ngờ tai họa lại tiếp tục giáng xuống gia đình ông. Trong một ngày định mệnh, vợ anh Giang bị tai nạn giao thông qua đời trên đường đi đón mẹ chồng ở viện về. Chị ra đi để lại cho người chồng khuyết tật, mù lòa 2 đứa con thơ.

Hiện cả gia đình chỉ có 1 sào ruộng lúa 2 vụ, gánh nặng cơm áo, gạo tiền, mọi chi phí sinh hoạt đều trông vào đồng phụ cấp thương binh và chất độc da cam của ông Cửu. “Chưa kể những vết thương cũ cứ hành hạ, mỗi khi trái gió trở trời, có hôm đang ngủ, vết thương đau quá ông giật mình tỉnh dậy, đấm đá vào tường, đấm vào vết thương, la hét suốt đêm như người điên” - Bà Vũ Thị Sim kể.

Ông Nguyễn Đức Vận -  Nguyên là Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Ea Huar cho biết: Căn nhà tình nghĩa rộng 24m2, chỗ ở hiện tại của vợ chồng ông Cửu là do chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng. Hàng năm mỗi dịp ngày thương binh liệt sĩ và các dịp lễ tết, gia đình ông luôn được các cấp, các ngành đến thăm hỏi, tặng quà động viên chia sẻ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh quá khó khăn nên gia đình ông Hoàng Văn Cửu vẫn rất túng quẫn. Bà Sim vợ ông nay tuổi cũng đã cao lại mắc bệnh tiểu đường, con anh Giang đang tuổi ăn, tuổi học, chúng còn chưa nguôi nỗi đau mất mẹ.

Anh Hoàng Văn Gang bên ngôi nhà nhân ái

Xúc động trước hoàn cảnh của gia đình ông Hoàng Văn Cửu, Chính quyền các cấp, các mạnh thường quân và các tấm lòng hảo tâm đã quyên góp tiền để lo chi phí cho các cháu nhỏ học tập cũng như xây ngôi nhà nhân ái cho bố con anh Giang. Nhà nước cũng đã ủng hộ một cặp bò sinh sản để tạo công ăn việc làm cho anh Giang, giúp gia đình vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương và tấm lòng sẻ chia của các nhà hảo tâm đã phần nào xoa dịu nỗi đau người lính một thời vệ quốc. Nhưng với họ, những cựu binh ấy dẫu vết thương chưa lành nhưng họ vẫn là tấm gương sáng trong cuộc sống thời bình như tâm sự của ông Cửu “Đối với tôi trong cuộc chiến khốc liệt ấy, còn sống sót trở về là may mắn rồi, đồng đội của tôi biết bao người đã hy sinh nằm lại mảnh đất Quảng Trị mãi mãi không về. Tôi tự nhủ với lòng, phải sống tốt để xứng đáng với các đồng chí, đồng đội đã hy sinh”./.