29/03/2024 lúc 16:32 (GMT+7)
Breaking News

Chiến lược trong ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong Ngành Tài chính

Ngày 28/04/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có buổi làm việc với Tập Đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành tài chính.

Ngày 28/04/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có buổi làm việc với Tập Đoàn FPT về khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với ngành tài chính.

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Tài chính có Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cùng đại diện Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.

Về phía Tập đoàn FPT có ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc cùng lãnh đạo đơn vị bộ phận và các chuyên gia hàng đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số của tập đoàn FPT.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, để đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính đã tập trung vào mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Ngành Tài chính đã áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ dịch vụ qua các thiết bị công nghệ tích hợp; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo; cung cấp thông tin đa chiều, hỗ trợ phân tích, thống kê, dự báo: Xây dựng các kho dữ liệu chuẩn theo công nghệ hiện đại; Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống tự động hóa thủ tục Hải quan và Hải quan một cửa Quốc gia (VNACCS/VCIS); Hệ thống trao đổi dữ liệu số ngành Tài chính (trung tâm trao đổi thông tin thu ngân sách nhà nước).

Ngành Tài chính cũng đã xây dựng hệ thống Quản lý nghiệp vụ Dữ trữ Quốc gia; Xây dựng các hệ thống ứng dụng quy mô lớn và các hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi, mang tính tích hợp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước như: Hệ thống cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Portal); Hệ thống công bố thông tin (IDS); Hệ thống giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán (MSS); Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty chứng khoán (SCMS). Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý tài chính (giá, công sản, doanh nghiệp, bảo hiểm...) theo lộ trình cải cách và hiện đại hóa của các đơn vị chuyên môn...   

Đến nay, 100% thủ tục hành chính của Bộ Tài chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Các dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính cung cấp ngày càng nhiều tiện ích, giúp giảm thời gian, chi phí, đem lại sự hài lòng cho các tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính.

Với những nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính đã được các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp ghi nhận thông qua việc đánh giá các chỉ số, cụ thể: Từ năm 2014 đến năm 2019 (06 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn được xếp trong nhóm 03 Bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính, trong đó có 05 năm được đánh giá xếp thứ 2 trong nhóm các Bộ, ngành; 8 năm liên tiếp (từ 2013 - 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng Vietnam ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin) khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá và công bố.

Thời báo Tài Chính Việt Nam đưa thêm thông tin, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lí và điều hành những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là đối với các lĩnh vực NSNN, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước… và các lĩnh vực khác đang được Bộ Tài chính tiếp tục coi là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai mạnh mẽ, là xương sống xuyên xuốt trong quá trình lãnh đạo, điều hành của ngành Tài chính.

Trước mắt, ngành Tài chính từng bước triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo trong một số hoạt động nghiệp vụ chủ chốt và hoạt động chỉ đạo điều hành của ngành Tài chính, như: trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính; quản lý rủi ro trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, kiểm soát chi NSNN, thị trường chứng khoán, thiết bị di động, robot, dữ liệu mạng xã hội,… được kết nối, dữ liệu được thu thập, phân tích và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người quản lý, "cung cấp chủ động" các dịch vụ tài chính công mới cho người dân, doanh nghiệp theo mô hình cá nhân hóa trên nhiều kênh/phương tiện giao tiếp.

Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...

Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và vấn đề ứng dụng CNTT của ngành Tài chính thời gian qua, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, tập đoàn FPT vinh dự được đồng hành với Bộ Tài chính từ những ngày đầu áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực từ: Kho bạc nhà nước (KBNN), Thuế, Hải quan, chứng khoán... Bộ Tài chính cũng là đơn vị tiên phong đi đầu trong vấn đề áp dụng CNTT vào trong các lĩnh vực quản lý của ngành.

Đối với chuyển đổi số của ngành Tài chính, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) thực chất chuyển đổi số liên quan đến vấn đề dữ liệu kết nối và liên thông; đến nay chuyển đổi số của FPT cũng xuất phát từ dữ liệu, lấy dữ liệu làm gốc.

Đối với ngành Tài chính thì dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hoá đơn điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho NSNN.

Báo Công Thương thông tin, Ngành Tài chính cũng phấn đấu đến năm 2030 trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo trở thành phổ biến trong hoạt động điều hành, xây dựng, hoạch định, đánh giá chính sách của Bộ Tài chính và cung cấp dịch vụ tài chính số cho người dân, doanh nghiệp thông qua các kênh giao tiếp số được thực hiện bởi các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,...

Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính thời gian qua, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, trong chuyển đổi số của ngành Tài chính, dữ liệu quan trọng nhất chính là các giao dịch. Trong đó, dữ liệu về hợp đồng điện tử nếu làm sáng tỏ được sẽ đạt được sự minh bạch. Ngoài ra, thương mại điện tử hiện nay đang là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh về quy mô và khối lượng giao dịch. Nếu cơ quan chức năng giám sát, quản lý được các hồ sơ giao dịch thì sẽ tăng tốc độ xử lý thông tin, tăng tính minh bạch và nguồn thu cho NSNN.

Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia của Tập đoàn FPT đã nêu ra một số đề xuất về chuyển đổi số trong ngành Tài chính như: Cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong nghiệp vụ đăng ký thuế đối với người nộp thuế cá nhân; tăng thu, chống gian lận; triển khai hóa đơn điện tử để tăng thu, giảm gian lận thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế; quản lý rủi ro; luân chuyển chứng từ thu ngân sách giữa các đơn vị liên quan; giám sát giao dịch chứng khoán; phòng chống tội phạm tài chính trên thị trường chứng khoán; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính…

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ xây dựng chiến lược phát triển công nghệ thông tin đến năm 2030. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng có 6 vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn và triển khai theo đúng quy định của pháp luật trong thời gian tới gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với thương mại điện tử;

Thứ hai, triển khai hóa đơn điện tử; xây dựng dữ liệu hợp đồng điện tử, từ đó áp dụng trí tuệ nhân tạo phân tích hạn chế rủi ro, phát hiện gian lận trong nộp thuế, luân chuyển chứng từ qua trục kết nối liên thông.

Thứ ba, hỗ trợ cơ quan hải quan xác định giá tính thuế, phân tích, quản lý rủi ro trong hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra…

Thứ tư, quản lý, giám sát giao dịch chứng khoán và phòng chống tội phạm trên thị trường chứng khoán.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Tài chính, kết nối liên thông qua công nghệ Blockchain.

Thứ sáu, liên thông dữ liệu số; sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phân tích những rủi ro trong công tác kiểm soát chi NSNN.