20/04/2024 lúc 11:20 (GMT+7)
Breaking News

Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Thống kê Việt Nam có nhiều bước tiến vượt bậc và đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 10 năm qua, năng lực của Thống kê Việt Nam đặt ra những mục tiêu để tiến xa hơn, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã có sự cải thiện tích cực nhất. Vì vậy đã đạt được những thành tựu quan trọng, thành công và khá toàn diện.

Cụ thể là hoàn thiện thể chế cho hoạt động thống kê, dữ liệu thống kê ngày càng nhiều, đa dạng, phong phú, cơ sở hạ tầng cho hoạt động thống kê được bảo đảm tốt hơn rất nhiều so với năm 2010.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Thống kê Việt Nam vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất quan trọng và cần thiết.

Thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm định hướng sự phát triển đồng thời đưa ra các mục tiêu, chương trình hành động và giải pháp cụ thể để Thống kê Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn 10 năm tới. Dự thảo đang được xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ảnh minh họa: Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nguồn ảnh: Internet)

Dự thảo nêu rõ quan điểm phát triển là công bố và phổ biến thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và dễ dàng tiếp cận, nhằm phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong việc đánh giá, hoạch định chiến lược, chính sách và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó là đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trước tiên là phục vụ việc giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu cụ thể mà Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra là phấn đấu đạt 70% sản phẩm và dịch vụ thống kê được cung cấp cho người dùng đúng hạn vào năm 2025 và tăng lên 100% vào năm 2030. Đồng thời tăng cường cung cấp dữ liệu vi mô theo yêu cầu của người sử dụng thông tin thống kê. Đặc biệt, đến năm 2025 cung cấp dữ liệu vi mô tăng gấp 3 lần và đến năm 2030 tăng gấp 10 lần so với năm 2020; tỷ lệ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê đạt 60% vào năm 2025; đạt 75% vào năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.

Nhằm thực hiện có hiệu quả và đạt được mục tiêu đã đề ra, Dự thảo cũng đề xuất các chương trình hành động. Cụ thể bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng đồng bộ các chuẩn mực, quy trình Thống kê Việt Nam theo chuẩn mực và thông lệ thống kê quốc tế; hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu; tăng cường phân tích và dự báo; biên soạn, phổ biến thông tin thống kê; tư liệu hóa công tác thống kê; chuyển đổi số công tác thống kê; hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực thống kê; tăng cường năng lực thống kê bộ, ngành ở trung ương; sở, ngành ở địa phương; thống kê xã, phường, thị trấn; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê.

Bên cạnh đó, Dự thảo còn đưa ra một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; tăng cường tương tác với người sử dụng và người cung cấp thông tin; chuyển đổi nhận thức về vai trò của thông tin thống kê; nghiên cứu ứng dụng và phát triển; đổi mới và sáng tạo; tăng cường quản lý chất lượng thống kê; huy động các nguồn lực cho hoạt động thống kê.

Thống kê Việt Nam được đánh giá tích cực, hiện đại được thể hiện qua những bước tiến vượt bậc trong giai đoạn qua. Đồng thời, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo để ngày càng phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Kinh phí, cơ sở vật chất của ngành được tăng cường mạnh mẽ và tăng đột biến trong giai đoạn 10 năm thực hiện chiến lược. Đặc biệt, Thống kê Việt Nam đã và đang khẳng định được uy tín trên thế giới và khu vực, nhất là niềm tin của người sử dụng thông tin thống kê trong nước, tin dùng và đánh giá ngày một cao hơn.