23/04/2024 lúc 20:59 (GMT+7)
Breaking News

Chiến lược ngoại giao của Mông Cổ: ‘Bỏ trứng vào nhiều giỏ’

Hoạt động ngoại giao tích cực của Mông Cổ với các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong thời gian gần đây, cho thấy chiến lược “bỏ trứng vào nhiều giỏ” của nước này nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các bên.

Hoạt động ngoại giao tích cực của Mông Cổ với các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trong thời gian gần đây, cho thấy chiến lược “bỏ trứng vào nhiều giỏ” của nước này nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các bên.

Chỉ trong vòng năm ngày, các quan chức Mông Cổ đã hội đàm cấp cao với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ngoại giao Mông Cổ đang ngày càng tạo được dấu ấn trong khu vực khi khéo léo tránh cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc gay gắt, đồng thời tìm cách tối đa hóa lợi ích từ mọi phía.

Trong vòng năm ngày, các quan chức Mông Cổ đã hội đàm cấp cao với các đối tác (từ hàng trên, trái qua phải) Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Chú trọng kinh tế

Điểm sáng trong chiến lược ngoại giao “chớp thời cơ” của Mông Cổ phải kể đến là chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đến Ulan Bator từ ngày 23-25/7.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm này, bà Sherman đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ - Mông Cổ và thảo luận những cách thức để củng cố các thể chế dân chủ, nâng cao chủ quyền và đa dạng hóa nền kinh tế của Ulan Bator.

Mặc dù là quốc gia láng giềng và có nhiều lợi ích đan xen với Trung Quốc, nhưng điều đó không làm Mông Cổ ngại ngùng khi thúc đẩy quan hệ đối tác với Mỹ.

Ưu tiên dài hạn của Mông Cổ đối với mối quan hệ này là lấy kinh tế làm trọng tâm, thông qua việc nhấn mạnh kết quả của chuyến thăm là “hai bên bày tỏ cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại”.

Trong khi bà Sherman đang ở Ulan Bator, Thủ tướng Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai có mặt tại Nhật Bản từ ngày 21-25/7 để dự lễ khai mạc Olympic Tokyo và làm việc song phương.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng Mông Cổ là một trong số ít các nhà lãnh đạo nước ngoài tham dự Olympic Tokyo. Đây cũng là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và người đồng cấp Mông Cổ Oyun-Erdene Luvsannamsrai.

Theo hãng thông tấn Mông Cổ Montsame, trong cuộc gặp với ông Suga, ông Oyun-Erdene xác nhận Ulan Bator sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác với Tokyo trong mọi lĩnh vực có thể.

Trong quan hệ với Nhật Bản, Mông Cổ một lần nữa tập trung vào các vấn đề kinh tế và đối phó với đại dịch. Trong chuyến thăm, hai bên “nhất trí về sự cần thiết phải nâng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư lên cấp độ cao hơn” và thảo luận về các dự án hợp tác kinh tế cụ thể, bao gồm xây dựng Sân bay quốc tế Ulan Bator mới, dự án đường cao tốc quanh Ulan Bator, dự án đường sắt Bogdkhan...

Trong khi đó, phía Nhật Bản lại đề cập vấn đề chiến lược hơn của cuộc gặp. Theo Kyodo News, ông Suga và ông Oyun-Erdene nhất trí rằng, Nhật Bản và Mông Cổ sẽ hợp tác để hiện thực hóa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Rời Nhật Bản, Thủ tướng Oyen-Erdene đến Hàn Quốc hội đàm với Thủ tướng Kim Boo-kyum về các vấn đề kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chính sách đối ngoại đa dạng

Trong lịch trình ngoại giao bận rộn của mình, Mông Cổ vẫn không quên nước láng giềng với nhiều lợi ích sát sườn là Trung Quốc. Điều này thể hiện qua việc khéo léo xếp lịch chuyến thăm Mông Cổ của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào ngày 26/7, một ngày sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rời đi.

Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và người đồng cấp nước chủ nhà Saikhanbayar Gursed bày tỏ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ thông qua việc tổ chức các chuyến thăm, trao đổi và tham vấn các cấp về quốc phòng và an ninh, các cuộc tập trận chung khi tình hình dịch Covid-19 lắng xuống.

Đáng chú ý, chuyến thăm của ông Ngụy Phượng Hòa đến Ulan Bator tập trung vào kinh tế, đầu tư và quản lý đại dịch - những vấn đề mà phía Mông Cổ cũng trao đổi với phía Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Rõ ràng, Mông Cổ đang có nhu cầu phát triển nền kinh tế và điều này hiển nhiên sẽ phụ thuộc vào việc tận dụng lợi thế của vị trí địa lý gần Trung Quốc và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của nước này.

Tuy nhiên, hoạt động ngoại giao tích cực của Mông Cổ với các “nước láng giềng thứ ba” như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy Ulan Bator không muốn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Với chiến lược này, Mông Cổ tận dụng tối đa chính sách đối ngoại đa dạng của mình, giống như cách mà Ulan Bator đã làm trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và đem lại hiệu quả mua sắm vaccine tiết kiệm.