20/04/2024 lúc 04:21 (GMT+7)
Breaking News

Chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua khó khăn, thách thức

Việt Nam đã phát huy tốt khả năng phối hợp, lồng ghép và kết nối các ưu tiên của ASEAN với các chương trình nghị sự toàn cầu, qua đó góp phần khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN.

Việt Nam đã phát huy tốt khả năng phối hợp, lồng ghép và kết nối các ưu tiên của ASEAN với các chương trình nghị sự toàn cầu, qua đó góp phần khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN.

Tại cuộc họp trực tuyến Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã chuyển giao chức Chủ tịch CPR cho Phái đoàn Brunei, chính thức hoàn tất trọng trách đại diện thường trực của Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Nhân dịp này, phóng viên tại Jakarta đã có cuộc phỏng vấn riêng với Đại sứ Trần Đức Bình - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN - về tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN Việt Nam 2020, cũng như những đóng góp của Phái đoàn trong năm vừa qua.

Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN (Ảnh: TTXVN)

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho năm Chủ tịch ASEAN 2020. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã làm được những gì trên tinh thần đó trong suốt một năm rất đặc biệt vừa qua?

Đại sứ Trần Đức Bình: Việt Nam đã lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020, với mong muốn xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và đứng vững trước các tác động của tình hình khu vực và thế giới.

Có thể nói khi chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” được công bố, không ai có thể nghĩ tới sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 cũng như những tác động sâu rộng của đại dịch tới mọi mặt đời sống khu vực nói riêng cũng như trên thế giới nói chung.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, có thể thấy rằng chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” phản ánh sự lựa chọn phù hợp với thời cuộc và là minh chứng sinh động cho tinh thần sáng tạo, chủ động và khả năng điều phối, dẫn dắt của Việt Nam trong những nỗ lực chung của khu vực.

Vào thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát và vẫn còn diễn biến phức tạp, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã sớm tập trung điều phối, cùng các nước thành viên ASEAN thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa đẩy mạnh phòng chống dịch, vừa tiếp nối nỗ lực xây dựng Cộng đồng, triển khai các trọng tâm ưu tiên đề ra trong năm 2020.

Đến nay, ASEAN đã kịp thời có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ “cả Cộng đồng” trong ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh COVID-19, thích ứng và từng bước phục hồi toàn diện.

ASEAN cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các nước đối tác cho nỗ lực ứng phó dịch bệnh COVID-19 và thúc đẩy phục hồi.

Trên thực tế, các sáng kiến về ứng phó chung với COVID-19 theo sáng kiến của Việt Nam hoặc do Việt Nam đề xuất hoặc đồng sáng kiến như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp hay Khung phục hồi tổng thể ASEAN đều được đánh giá cao bởi tính thiết thực, góp phần quan trọng nâng cao nội lực cho ASEAN trong phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tích cực của Việt Nam, ASEAN cũng nhất trí xem xét thành lập Hành lang đi lại ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của công dân trong ASEAN.

Dù hoạt động hợp tác ASEAN chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của đại dịch, với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, có thể nói trong suốt năm qua, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết và thống nhất, duy trì hợp tác ứng phó thách thức đa chiều từ khủng hoảng dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng, đảm bảo duy trì triển khai hiệu quả các ưu tiên và mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, đồng thời tiếp tục củng cố và phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực.

Một kết quả quan trọng cũng không thể không nhắc tới là trong vai trò kép năm 2020 (vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), Việt Nam đã phát huy tốt khả năng phối hợp, lồng ghép và kết nối các ưu tiên của ASEAN với các chương trình nghị sự toàn cầu, qua đó góp phần khẳng định vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và quốc tế.

- Nỗ lực chung chống đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế, ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đâu là những kết quả nổi bật nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam?

Đại sứ Trần Đức Bình: Với ASEAN, năm nay là năm bản lề để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Trên thực tế, có thể nói những thành quả hợp tác của ASEAN trong năm 2020 đều mang đậm dấu ấn của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN.

Các sáng kiến của Việt Nam, với tinh thần chung là thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên để thúc đẩy quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và đặc biệt là để hình thành tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, đã chính thức trở thành các sáng kiến của ASEAN thực hiện trong năm 2020.

Đây là những kết quả quan trọng, ý nghĩa của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Nhìn chung, có thể khẳng định rằng trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hợp tác ASEAN đã được nâng lên một mức độ hội nhập cao hơn, thực chất hơn, thể hiện trên 5 nội dung cụ thể.

Thứ nhất, trong bối cảnh khu vực phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19, đà xây dựng Cộng đồng ASEAN được giữ vững, các mục tiêu và kế hoạch đề ra cho năm ASEAN 2020 đều cơ bản hoàn tất.

Ngay trong năm nay, ASEAN đã thảo luận và đưa ra định hướng tương lai cho ASEAN trong thời gian tới, Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 đã được các Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

ASEAN cũng đã nhất trí tiến hành các công việc ban đầu về Kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN, tập trung vào nâng cao hiệu quả cơ cấu tổ chức của ASEAN. Đây là một nỗ lực rất quan trọng vì Hiến chương ASEAN có hiệu lực đã gần 12 năm, cần có các đánh giá cụ thể để ASEAN có thể cải tiến, phù hợp với tình hình hiện nay.

Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, ASEAN đã thống nhất quan điểm chung về sự cần thiết của gắn kết hợp tác tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, đảm bảo phát triển bền vững và công bằng, không bỏ ai lại phía sau, phù hợp với các mục tiêu trong xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Để nâng cao hình ảnh ASEAN trong khu vực, ASEAN đã nhất trí khuyến khích sử dụng cờ ASEAN ở các nước ASEAN và tăng cường sử dụng bài hát chung tại các sự kiện chính thức của ASEAN.

Thứ hai, ASEAN tiếp tục duy trì vai trò trung tâm, đưa ra những đóng góp tích cực trong thúc đẩy hòa bình và duy trì ổn định ở khu vực.

Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN tái khẳng định quyết tâm của ASEAN trong việc duy trì Đông Nam Á là một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và trung lập, tăng cường tin cậy lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và đảm bảo cách tiếp cận cân bằng với bên ngoài trong bối cảnh hiện nay.

Đáng chú ý, lập trường cơ bản của ASEAN về các vấn đề hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, vấn đề Biển Đông được giữ vững.

Trong bối cảnh các diễn đàn đa phương khác đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ vẫn tiếp tục phát huy vai trò là cơ chế đối thoại và hợp tác khu vực phù hợp, ngày càng thực chất hơn, thu hút được sự tham gia và đóng góp tích cực của tất cả các nước.

Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á (TAC) đã kết nạp thêm 3 thành viên mới (Cuba, Nam Phi và Colombia) trong năm 2020. ASEAN đã thông qua việc trao quy chế Đối tác Phát triển cho Pháp và Italy.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 diễn ra vào ngày 1/12 vừa qua, hai bên đã đưa ra quyết định quan trọng chính thức nâng cấp quan hệ ASEAN-EU lên Đối tác chiến lược. Hiện ASEAN đang xem xét đề xuất của Anh trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.

Thứ ba, thúc đẩy liên kết kinh tế, tự do thương mại đa phương cũng là một trong những thành tựu nổi bật của ASEAN trong năm 2020. Sau 8 năm, Hiệp định RCEP đã được ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

Các ưu tiên, sáng kiến trong lĩnh vực hợp tác kinh tế của ASEAN năm 2020 do Việt Nam đề xuất cũng cơ bản hoàn tất. Việc thông qua Chỉ số hội nhập kỹ thuật số ASEAN hay thành lập Mạng lưới Trung tâm sáng tạo ASEAN... cũng cho thấy các nỗ lực duy trì chuỗi giá trị khu vực khi thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối.

Thứ tư, trụ cột Văn hóa-Xã hội cũng có nhiều điểm sáng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, cụ thể là trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường công tác xã hội hay nâng cao nhận thức chung về bản sắc Cộng đồng.

Trong năm nay, các Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố ASEAN và Lộ trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới việc làm đang thay đổi, Khung đảm bảo chất lượng dạy nghề ASEAN (TVET), Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội và Bản tường thuật về bản sắc ASEAN.

Thứ năm, vị thế toàn cầu của ASEAN được nâng cao. Lần đầu tiên, Tổng Thư ký ASEAN đã thông tin về Hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào đầu năm 2020 theo sáng kiến của Việt Nam.

Trong vai trò Chủ tịch, Việt Nam cũng chủ trì tổ chức nhiều hoạt động cấp cao, cấp bộ trưởng về nội dung thúc đẩy quyền năng cho phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong hòa bình, an ninh và phát triển.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh một năm 2020 đầy khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19, việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã góp phần tạo dấu ấn tốt đẹp về Việt Nam, một thành viên tích cực, trách nhiệm, luôn nỗ lực vì những mục tiêu chung của ASEAN.

Điều này còn thể hiện vị thế và vai trò của Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, trong nỗ lực chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, tiếp tục giữ vững đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy nỗ lực tự cường và sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

- Trên cương vị là đại diện thường trực của nước Chủ tịch ASEAN tại CPR năm 2020, Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN đã có những đóng góp cụ thể gì vào thành tích chung đó?

Đại sứ Trần Đức Bình: Về phía Ủy ban các đại diện thường trực tại ASEAN (CPR), có thể nói năm 2020 cũng thực sự là một năm rất đặc biệt và nhiều dấu ấn.

Là một bộ phận trong bộ máy hoạt động của ASEAN, công tác của CPR không tránh khỏi những khó khăn nhất định ban đầu khi dịch bệnh bùng phát, từ việc phải chuyển đổi, thích nghi trong hoàn cảnh mới, sớm vận hành các phương thức họp trực tuyến, tới việc hoàn tất một khối lượng công việc lớn theo ưu tiên, kế hoạch của năm ASEAN 2020 trong bối cảnh thời gian rất eo hẹp.

Dưới sự dẫn dắt, điều phối của Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, CPR đã nỗ lực tích cực, chủ động và linh hoạt trong triển khai các hoạt động, hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao. Có thể kể đến một số kết quả nổi bật trong năm Việt Nam làm Chủ tịch CPR tại ASEAN 2020 như sau:

Thứ nhất, Phái đoàn đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch các cơ chế hợp tác của ASEAN và ASEAN với các đối tác trong ứng thông qua việc chủ trì và tham dự khoảng hơn 500 cuộc họp.

Có thể kể đến các cuộc họp thường kỳ của CPR, các cuộc họp Đại sứ các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAMJ), Đại sứ các nước ASEAN+3, các cuộc họp của Ủy ban ASEAN về kết nối (ACCC), Hội đồng điều hành Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN (ASEAN-IPR), Ủy ban quản trị Quỹ ASEAN (ASEAN Foundation), Ban quản trị Trung tâm ASEAN-Trung Quốc và nhiều cuộc họp liên quan đến hoạt động của Ban Thư ký ASEAN...

Một trong những điểm nổi bật năm nay là số lượng lớn các văn kiện đã được xây dựng, hoàn thành, từ các Kế hoạch hành động/Kế hoạch hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác cho giai đoạn mới 2021-2025 (11 văn kiện) cho đến các Tuyên bố chung của ASEAN và trong các khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (11 tuyên bố).

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Phái đoàn thường xuyên thông tin và phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN Quốc gia của Việt Nam, các cơ quan chuyên ngành trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước để chuẩn bị kỹ nội dung cho mỗi cuộc họp và lập trường cho từng vấn đề, kịp thời xử lý các vấn đề này sinh.

Ngoài việc chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung cho mỗi cuộc họp, Phái đoàn còn thường xuyên duy trì tham vấn, chia sẻ và phối hợp lập trường với Phái đoàn các nước thành viên ASEAN và Phái đoàn các nước đối tác tại Jakarta để đảm bảo đạt được đồng thuận, phù hợp với hợp tác của ASEAN và nhất là các ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Thứ hai, Phái đoàn tham gia tích cực, hiệu quả trong các hoạt động Uỷ ban Điều phối kết nối ASEAN (ACCC) và Nhóm đặc trách về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI TF), thúc đẩy các dự án và hoạt động hợp tác, nhất là của Việt Nam trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) và Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn III (IAI-WP III) và phối hợp xây dựng IAI-WP IV

Bên cạnh đó, Phái đoàn cũng cập nhật, phổ biến thông tin và hỗ trợ các tổ chức, đơn vị có quan tâm tìm hiểu, tiếp cận các quỹ hợp tác của ASEAN và đối tác để tranh thủ, sử dụng cho các chương trình, dự án triển khai tại Việt Nam.

Thứ ba, trong vai trò Chủ tịch CPR, Phái đoàn chú trọng thúc đẩy các nỗ lực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường quy trình phối hợp trong các vấn đề liên trụ cột của Cộng đồng ASEAN, tích cực triển khai các dòng hành động trong Kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025.

Cùng với đó là việc thúc đẩy các hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, hình ảnh và bản sắc ASEAN, lồng ghép, thúc đẩy những chương trình, kế hoạch của ASEAN tiếp tục triển khai các sáng kiến quan trọng như Sáng kiến mạng lưới đô thị thông minh, Kết nối các kết nối, Lộ trình gắn kết tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.

Điển hình gần đây là việc chủ trì, phối hợp xây dựng, soạn thảo Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc giai đoạn 2021-2025 (trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Liên hợp quốc).

Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác qua kênh Jakarta tiếp tục được tăng cường theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.

Với việc linh hoạt điều chỉnh các hoạt động hợp tác sang hình thức trực tuyến, các cuộc họp của Ủy ban hợp tác chung giữa ASEAN với các nước đối tác tại Jakarta (JCC), họp Đại sứ các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAMJ) và nhiều cuộc họp với các đối tác khác vẫn được duy trì thường xuyên, đều đặn.

Nhiều văn kiện tuyên bố, chương trình, kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển đã được các bên tiếp tục xây dựng và tích cực triển khai thực hiện.

Trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, CPR đã có sự hợp tác rất chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN, đồng thời tích cực hỗ trợ, đóng góp nhằm tăng cường năng lực thể chế của Ban Thư ký ASEAN.

Thứ tư, Phái đoàn đã phối hợp và tham gia tích cực trong các hoạt động do Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ Năm Chủ tịch 2020, đặc biệt là các Hội nghị Cấp cao ASEAN, Cấp cao Đông Á, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-New Zealand và các Cấp cao liên quan, các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các cuộc họp của Quan chức cấp cao SOM ASEAN...

Thứ năm, trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Phái đoàn phối hợp tích cực, chặt chẽ với Phái đoàn Nhật Bản tại ASEAN đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN-Nhật Bản, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình soạn thảo các văn kiện giữa ASEAN và Nhật Bản, tích cực thúc đẩy ký kết và đưa vào triển khai ngay trong năm tài khóa 2019-2020 Hiệp định hợp tác kỹ thuật ASEAN-Nhật Bản (TCA).

Năm 2020 sắp trôi qua với những vất vả, bộn bề công việc nhưng cũng là một năm rất đỗi vinh dự, mang nhiều ý nghĩa đối với tập thể và từng cá nhân cán bộ trong Phái đoàn.

Tuy là một cơ quan đại diện với quy mô nhỏ, chỉ có 6 cán bộ ngoại giao bao gồm cả Đại sứ, trong mỗi hoạt động triển khai, Phái đoàn luôn ý thức rõ trách nhiệm, luôn sẵn sàng và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, với tâm niệm đóng góp hết mình dù chỉ là rất nhỏ bé vào thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

- Xin cảm ơn Đại sứ về nội dung cuộc phỏng vấn./.