16/04/2024 lúc 18:31 (GMT+7)
Breaking News

Châu Á trở thành trọng tâm chiến lược của Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall?

Tác giả Duncan Bartlett* trong bài viết trên The Diplomat nhận định, bên cạnh việc thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh G7 còn có ý nghĩa đối với vấn đề Triều Tiên cũng như quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.

Tác giả Duncan Bartlett* trong bài viết trên The Diplomat nhận định, bên cạnh việc thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh G7 còn có ý nghĩa đối với vấn đề Triều Tiên cũng như quan hệ Nhật Bản-Hàn Quốc.

Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh tại Vịnh Carbis, Cornwall, Anh, ngày 11/6. (Nguồn: Getty)

Mỹ tái khẳng định vị thế

Ông Joe Biden đã đặt ra các mục tiêu rõ ràng cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình với tư cách Tổng thống Mỹ.

Vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sử dụng chuyến đi kéo dài một tuần tới châu Âu để củng cố các liên minh và “khẳng định với Putin và Trung Quốc rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ rất chặt chẽ”.

Chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ bắt đầu từ Vương quốc Anh. Tại đây, Tổng thống Joe Biden đã có các cuộc hội đàm thiện chí với Thủ tướng Boris Johnson. Thủ tướng Anh khẳng định, London và Washington có một "mối quan hệ không thể phá hủy".

Chính phủ Anh đã mời tất cả các thành viên cấp cao của hoàng gia Anh đến chào đón các vị khách quốc tế tại Cornwall, bao gồm Nữ hoàng Elizabeth II, Thái tử Charles, Công tước và Nữ công tước xứ Wessex.

Hội nghị thượng đỉnh nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức chức tại Vịnh Carbis, thuộc hạt Cornwall, Tây Nam nước Anh với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada, Anh và Italy.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Tổng thống Mỹ đã nắm bắt cơ hội để khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và thúc đẩy hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Tổng thống Biden phát biểu rằng, nước Mỹ sẽ quay trở lại dẫn đầu thế giới và điểm mấu chốt là “đã đạt được một số bước tiến trong việc lập lại uy tín của nước Mỹ với những người bại thân thiết nhất, cũng như lập lại được những giá trị của nước Mỹ”.

Những cử chỉ thân mật của các nhà lãnh đạo khác dành cho chính trị gia 78 tuổi cho thấy quốc gia này đã trở lại thế ngoại giao sau nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Vương quốc Anh cũng mời một số quốc gia khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách quan sát viên, bao gồm các quốc gia khác đến từ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo của Australia, Nam Phi và Hàn Quốc đã đến Cornwall, còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham gia thượng đỉnh trực tuyến do tình hình Covid-19 tại đất nước sông Hằng.

Châu Á trở thành điểm nhấn?

Có rất nhiều vấn đề được thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh và trong thông cáo liên quan đến châu Á.

Đặc biệt, kế hoạch về cơ sở hạ tầng toàn cầu đã được công bố nhằm cung cấp cho các nước đang phát triển một giải pháp thay thế để làm ăn với Trung Quốc thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Các quốc gia G7 sẽ cung cấp tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến các trang trại điện gió.

Thủ tướng Anh Johnson nói: "Chúng tôi có trách nhiệm giúp các nước đang phát triển gặt hái những lợi ích của tăng trưởng xanh, thông qua một hệ thống công bằng và minh bạch".

Nhà lãnh đạo xứ sở sương mù cam kết sẽ tăng cường chuyển hướng sang năng lượng tái tạo được cung cấp bởi công nghệ tiên tiến.

Tham vọng này phù hợp với chính sách của chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản - những người hy vọng các tập đoàn đa quốc gia của họ sẽ được hưởng lợi từ sự gia tăng đầu tư xanh.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui-yong cũng tổ chức một cuộc họp tại Cornwall, trong đó “tái khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về một loạt các vấn đề”.

Đáng chú ý, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc tiết lộ rằng, Tổng thống Moon Jae-in đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Cornwall.

Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo trao đổi trực tiếp với nhau kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Suga nhậm chức vào tháng 9 năm ngoái. Hai nước láng giềng Đông Bắc Á đã có mối quan hệ băng giá trong ba năm qua, sau những bất đồng về các vấn đề lịch sử có từ thời thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo làm dấy lên một số hy vọng về một giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện tại.

Bên cạnh đó, theo NHK, Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một cuộc nói chuyện thực chất. Hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực an ninh, công nghệ và về vấn đề Triều Tiên.

Trong cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản hoan nghênh sự tham gia mạnh mẽ hơn của Pháp trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả việc triển khai hải quân của nước này.

Triều Tiên cũng là một trong những chủ đề được đề cập trong cuộc điện đàm từ Cornwall của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hai bên “đã thảo luận về việc Mỹ đánh giá toàn diện chính sách về Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác Mỹ-Trung trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

Trong cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ đề cập thẳng thắn về một loạt mối quan tâm đối với các vấn đề chính trị của nước này.

Đáp lại, phía Trung Quốc kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ , không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc dưới bất kỳ lý do nào và không làm tổn hại lợi ích cốt lõi của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào.

Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh nói rằng, Thượng đỉnh ở Cornwall là “chủ nghĩa đa phương giả phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ hoặc một khối chính trị”.

Trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo G7 có sự tham gia của Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiến sĩ Tedros dường như tán thành với yêu cầu của Mỹ và Australia về việc điều tra thêm về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.

Đồng thời, ông Tedros cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tại cuộc họp đảm bảo rằng, 70% dân số toàn cầu được tiêm chủng vào thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của G7 ở Đức vào năm tới.

Thủ tướng Nhật Bản đang nỗ lực thuyết phục các nước phát triển tài trợ cho chương trình vaccine COVAX do WHO quản lý, một phần để đối trọng với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, cuộc họp tại Cornwall đã chứng minh rằng, các quốc gia phát triển “có thể xích lại gần nhau và mang lại lợi ích cho mọi người theo những cách thực tế” và ông nhấn mạnh lời hứa của G7 là “xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”.

*Duncan Bartlett là biên tập viên Tạp chí Các vấn đề châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS, Đại học London. Ông cũng tham gia giảng dạy về ngoại giao và quan hệ quốc tế.