19/04/2024 lúc 00:36 (GMT+7)
Breaking News

Chặng đường vẻ vang của những nghệ sĩ - chiến sĩ

VNHN - Ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (15-3-1951 - 15-3-2021), các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã nỗ lực không ngừng để viết nên những trang sử vẻ vang về một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của quân đội, đất nước.

VNHN - Ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (15/3/1951 - 15/3/2021), các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã nỗ lực không ngừng để viết nên những trang sử vẻ vang về một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của quân đội, đất nước.

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tiền thân là Tổng đội Văn công thuộc Tổng cục Chính trị, thành lập ngày 15-3-1951 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trải qua nhiều tên gọi khác ở các thời kỳ như: Tổng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, Đoàn Ca múa Quân đội, tháng 2-2010, Bộ Quốc phòng đã chính thức ra quyết định thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, mở ra bước ngoặt phát triển mới. Lấy đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng làm chủ đạo, 70 năm qua, Nhà hát đã khẳng định được vị thế của “cánh chim đầu đàn” về nghệ thuật trong quân đội với nhiều chương trình biểu diễn chất lượng, góp phần giáo dục tinh thần lạc quan cách mạng, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân trên mọi miền đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đạt giải đặc biệt xuất sắc Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân 

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các nghệ sĩ của Tổng đội Văn công năm xưa đã có mặt ở nhiều trận địa nóng bỏng, nâng bước và tiếp lửa cho các chiến sĩ, dân công bằng những tiết mục nghệ thuật khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân, góp phần làm nên các chiến công lừng lẫy. Những năm tháng ấy cũng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều nghệ sĩ. Họ đã ngã xuống, nhưng lời ca, tiếng hát và những sáng tác gắn liền tên tuổi họ vẫn luôn sống mãi cùng thời gian và lịch sử. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Nhà hát vẫn luôn bám sát định hướng chính trị, tích cực xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng, quy mô và đa dạng phản ánh sự nghiệp đổi mới của đất nước, sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Những đợt biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân tại quần đảo Trường Sa hay tại các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ liên tục được tổ chức để động viên, khuyến khích các chiến sĩ yên tâm, vững lòng, chắc tay súng bảo vệ biên cương... 

Chặng đường hoạt động 70 năm gian lao nhưng đầy vinh quang của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã ghi dấu vào lịch sử nghệ thuật cách mạng Việt Nam nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như: các nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Khắc Tuế, Nguyễn Ðức Toàn, Minh Tiến, Huy Thục...; các nghệ sĩ Lê Dung, Tường Vy, Kim Cúc, Hoài Thu, Kim Ngọc, Bích Việt, Trần Chất, Ðoàn Thiều, Ngọc Lê, Công Hải, Tiến Ðịnh, Trần Cường... Cùng với đó là những tác phẩm đi cùng năm tháng như Chiến thắng Ðiện Biên (Ðỗ Nhuận), Việt Nam trên đường chúng ta đi (Huy Du),  Ðường ta đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Ðức Toàn), Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), tác phẩm múa Mùa hoa ban nở (Minh Tiến), Con quỷ và nàng tiên (Kim Tiến), Vũ điệu chim công (Ứng Duy Thịnh)... 

Với bề dày truyền thống và thành tích vẻ vang, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó là nhiều huân, huy chương cao quý, bằng khen của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành. Mới đây, Nhà hát vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất. Đến nay, Nhà hát có 13 Nghệ sĩ Nhân dân, 75 Nghệ sĩ Ưu tú. Nhiều nghệ sĩ được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật...