29/03/2024 lúc 17:53 (GMT+7)
Breaking News

Chân mất đi nhưng tấm lòng còn mãi

VNHN - Vào bộ đội năm 1978, 5 năm sau, ông Bùi Trường Sơn trở về quê nhà ở khu vực Bình Hòa (phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) với thân thể không lành lặn: Hai chân của ông đã để lại chiến trường Campuchia.

VNHN - Vào bộ đội năm 1978, 5 năm sau, ông Bùi Trường Sơn trở về quê nhà ở khu vực Bình Hòa (phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) với thân thể không lành lặn: Hai chân của ông đã để lại chiến trường Campuchia.

Trở thành thương binh hạng nặng (suy giảm khả năng lao động đến 95%), mọi hoạt động đều dựa vào chiếc xe lăn, nhưng vừa về đến nhà, ông Sơn đã lăn xe đi khắp xóm để thăm hỏi sau bao năm xa cách. Từ những buổi thăm hỏi, thấy gia cảnh của nhiều người xung quanh còn khổ, lòng ông cứ đau đáu, không ngủ được. Ông mang nỗi lòng của mình tâm sự, nhiều người ngần ngại với tình trạng sức khoẻ của ông. Nhưng ông vẫn cương quyết: Không được như người thường phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần. 

Quyết tâm là làm, ông tìm đến UBND xã xin danh sách hộ nghèo, rồi hằng ngày lăn xe đến từng nhà tìm hiểu cuộc sống của mỗi hộ gia đình. Được tận mắt chứng kiến có những hộ bữa đói bữa no, lòng ông vô cùng ray rứt. Tính toán mãi, cuối cùng ông bật dậy, gom góp hết số tiền dành dụm từ đồng lương thương binh lâu nay mang đi mua gạo. Trước mắt là giải quyết những hộ nghèo hàng xóm thuộc khu vực ông đang cư ngụ.

Ông Bùi Trường Sơn bên những phần quà chuẩn bị tặng người nghèo.

Hộ nào khó khăn nhiều giúp trước. Không chỉ tặng gạo hỗ trợ vượt qua khó khăn ban đầu, ông còn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần và góp ý để bà con vươn lên thoát nghèo. Những lúc gặp hoàn cảnh khó khăn mà trong túi không đủ tiền, ông đi năn nỉ xin mua chịu gạo, đợi có lương trả lại. Tôi ái ngại: “Đồng lương thương binh vốn ít ỏi, lại đi gánh vác chuyện người, còn đâu để lo cho ông và gia đình?”.

Ông Sơn cười ngất: “Biết đủ là đủ. Mình còn sức, giúp được những người khó hơn mình thì cứ giúp. Miễn sao thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng là được…”. Không chỉ xoay trở giúp đỡ những người nghèo khu vực đang ở, ông Sơn còn muốn giúp khu vực kế cận. Nhưng tiền lương thương binh hạng nặng của ông chỉ chừng mức, thế là ông lại lăn xe đi vận động thêm. Việc đi đứng vẫn là cản ngại lớn nhất với ông.

Ông kể: Đến nơi, ông phóng xuống đất, lấy tay thay chân, cứ thế nhích dần vào từng nhà - nơi mà ông từng có mối quan hệ quen biết như đồng đội cũ, bạn bè, bà con thân thiết… để vận động. Lâu dần, việc làm của ông được lan xa. Cảm kích trước tấm lòng và ý chí cương quyết của ông, nhiều nhà hảo tâm đã tự động mang gạo và quà đến đóng góp chung tay cùng ông lo cho người nghèo… Cứ thế, mô hình từ thiện của ông ngày được nhân rộng.

Đến nay, quy mô trên 3 khu vực trong thị xã Long Mỹ. Mỗi năm, ông làm từ thiện 5 đợt vào tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy, tháng Mười và vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi đợt giúp cho hơn 150 hộ nghèo… Ông không nhớ chính xác mình đã làm việc này từ năm nào, chỉ nhớ là vài năm sau khi trở về và cho rằng làm từ thiện là nên làm từ tâm chứ không phải để được khen. “Bác Hồ dạy: “Tàn nhưng không phế”, tôi mất hai chân nhưng vẫn còn tấm lòng” - ông Sơn tâm sự.