20/04/2024 lúc 02:52 (GMT+7)
Breaking News

Chấm dứt tình trạng hoàn trả mặt đường cẩu thả kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm

VNHN - Hà Nội hiện có hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng, trong đó có nhiều dự án về giao thông. Tuy nhiên, việc hoàn trả mặt đường sau khi thi công của nhà thầu rất cẩu thả, vô trách nhiệm, gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời là nguy cơ dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông.

VNHN - Hà Nội hiện có hàng trăm dự án xây dựng hạ tầng, trong đó có nhiều dự án về giao thông. Tuy nhiên, việc hoàn trả mặt đường sau khi thi công của nhà thầu rất cẩu thả, vô trách nhiệm, gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời là nguy cơ dẫn đến tai nạn và ùn tắc giao thông.

Để giải quyết tình trạng này, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị thi công không đúng giấy phép, cần xây dựng quy chế yêu cầu nộp bảo lãnh bảo hành của hạng mục hoàn trả mặt đường nhằm tránh tình trạng làm bừa, làm ẩu.

Mặt đường phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) sau khi thi công công trình ngầm (ảnh chụp chiều 26-9-2019). Ảnh: Nhật Nam

Hoàn trả đường kiểu "tấm áo vá"

Điển hình là tuyến đường Trần Khánh Dư (đoạn thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng). Trước đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cấp phép cho Ban Quản lý dự án thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone đào đường để hạ ngầm dây cáp viễn thông. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thi công và hoàn trả mặt đường, ngay đầu đường Trần Khánh Dư, đoạn giao cắt với phố Trần Hưng Đạo có một hố ga bị vênh lên khỏi mặt đường; một phần đoạn mặt đường bị xén chỉ được lấp tạm, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Từ hố ga này kéo dài suốt phố Trần Khánh Dư qua Bệnh viện Hữu Nghị, vệt đào đường sau khi được hoàn trả không khác gì “vết sẹo” rộng khoảng 50cm, dài hơn 300m lõm sâu xuống mặt đường. Phải sau 3 lần cơ quan chức năng có công văn nhắc nhở, yêu cầu hoàn trả bảo đảm chất lượng, đến nay, đoạn tuyến này mới được các nhà thầu xử lý.

Thực trạng trên cũng diễn ở nhiều tuyến đường, tuyến phố khác dọc tuyến đường Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở xuống tới cầu Trắng (Hà Đông), rất nhiều hố ga cong vênh, cái cao cái thấp so với mặt đường. Nhiều chỗ lòng đường như “tấm áo vá”... Không ít người đã bị tai nạn cũng bởi sự cẩu thả và tắc trách của các đơn vị thi công trong quá trình đào, vá đường”.

Nộp bảo lãnh bảo hành là cần thiết

Vật liệu tập kết bừa bãi tại ngã ba Hàng Bông - Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm (Ảnh chụp lúc 17h ngày 24-9). Ảnh: Tuấn Khải

Đề cập tới vấn đề này, bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội thừa nhận, trong quá trình thi công công trình ngầm, một số chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng giấy phép thi công của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội. Một số công ty cấp nước khi xử lý sự cố đã đào đường, nhưng không gửi giấy phép đến đơn vị quản lý, không hoàn trả mặt đường đúng yêu cầu; một số đơn vị điện lực, viễn thông thi công không đúng thời gian quy định, thi công trong thời gian dài gây cản trở giao thông. “Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi kiến nghị thành phố lập quy chế yêu cầu nhà thầu thi công đào hè, đường phải nộp bảo lãnh bảo hành của hạng mục hoàn trả mặt đường trong hồ sơ xin cấp phép và chỉ được rút tiền bảo lãnh khi có xác nhận hết bảo hành của các đơn vị chức năng” - bà Đỗ Thị Thanh Thủy kiến nghị.

Còn theo ông Lê Hữu Hồng, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, thành phố đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu thi công các công trình hạ tầng ngầm như đường điện, viễn thông, đặc biệt hệ thống cấp thoát nước rất bức thiết nên không tránh khỏi việc đào hè, đường. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng nhiều đơn vị thi công hạ ngầm hoàn trả mặt đường không bảo đảm chất lượng, tiến độ. Từ đầu năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 138 trường hợp, phạt tiền hơn 815 triệu đồng đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm: Đào đường, đào hè trái phép; để vật liệu ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông; không hoàn trả phần đường nguyên trạng khi thi công xong...

Ông Lê Hữu Hồng cho biết thêm: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo đơn vị thi công thực hiện nghiêm quy định hiện hành để bảo đảm việc hoàn trả kết cấu mặt đường. Bên cạnh đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư thi công các công trình hạ ngầm phải xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải theo quy hoạch được duyệt; đề nghị UBND thành phố đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông kết hợp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Một vấn đề khác khiến người dân bức xúc trên các tuyến đường bị hoàn trả cẩu thả sau thi công liên quan đến tình trạng mất an toàn của các hố ga. Có nhiều đơn vị cùng quản lý hố ga nhưng lại thiếu sự phối hợp, dẫn tới không ít hố ga bị cong vênh, cái cao cái thấp so với mặt đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang phối hợp với Sở Xây dựng lập phương án, trình thành phố cho phép sửa chữa, cải tạo các hố ga thống nhất theo một số mẫu đã định hình, bảo đảm đồng bộ và an toàn.