24/04/2024 lúc 06:25 (GMT+7)
Breaking News

CEO Nguyễn Hữu Tuất - Giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn khi di chuyển

VNHN - Ít ai biết, “cha đẻ” của ứng dụng gọi xe thông minh “made in Vietnam” FastGo là Nguyễn Hữu Tuất - một doanh nhân 36 tuổi và là cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng và gió Lệ Thủy (Quảng Bình), chàng trai trẻ mang trong mình nhiều đam mê, khát vọng chinh phục những thử thách, trải nghiệm mới. Đó cũng là lý do để anh bắt đầu với FastGo.

VNHN - Ít ai biết, “cha đẻ” của ứng dụng gọi xe thông minh “made in Vietnam” FastGo là Nguyễn Hữu Tuất - một doanh nhân 36 tuổi và là cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất đầy nắng và gió Lệ Thủy (Quảng Bình), chàng trai trẻ mang trong mình nhiều đam mê, khát vọng chinh phục những thử thách, trải nghiệm mới. Đó cũng là lý do để anh bắt đầu với FastGo.

Nguyễn Hữu Tuất sinh năm 1983, là đồng sáng lập và cựu Giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn công nghệ Peacesoft, hiện đổi tên thành Nexttech. Doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử và vận chuyển. Tháng 6/2018, Nexttech ra mắt ứng dụng gọi xe FastGo – do ông Tuất là người sáng lập và giữ chức CEO. Đây là một trong 2 startup được quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures rót vốn vào tháng 8/2018. Ra mắt tháng 6/2018, FastGo đang từng bước nỗ lực không chỉ giành lại thị phần trên sân nhà mà còn có tham vọng chiếm lĩnh 40% thị phần gọi xe thông minh.

Bên cạnh thị trường Việt Nam, FastGo đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước Đông Nam Á và chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Brazil. Thống kê trên hệ thống của FastGo cho thấy, có 100.000 khách hàng tải ứng dụng và có khoảng 25.000 cuốc khác được yêu cầu, trong đó FastGo đã xử lý cho 5.000 khách hàng đi xe thành công. Hiện tại, FastGo duy trì được tốc độ tăng trưởng 10% mỗi ngày, đúng với kế hoạch đặt ra ban đầu. “Lựa chọn và phát triển FastGo không phải là một quyết định bộc phát. FastGo ra đời là sự hội tụ của 3 điều kiện, đó là nền tảng công nghệ và sản phẩm đã được chuẩn bị từ 3 năm trước; thị trường đang mất cân bằng sau khi Uber rút lui và mong mỏi của các đối tác lái xe, khách hàng khi muốn có thêm sự lựa chọn”, CEO Nguyễn Hữu Tuất nhấn mạnh.

CEO Nguyễn Hữu Tuất: "Tham gia nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng cần thiết sau tốt nghiệp"

Khi được hỏi thế mạnh của FastGo là gì và cách CEO FastGo lựa chọn để đối đầu với đối thủ nặng ký Grab là thế nào, vị CEO sinh năm 1983 này thẳng thắn cho hay: “Thế mạnh của FastGo chính là người đi sau, chúng tôi cung cấp dịch vụ với chính sách tốt hơn cho khách hàng và đối tác lái xe. Cùng với đó, chúng tôi chiến đấu trên sân nhà với sự am hiểu về văn hoá và sự ủng hộ của người dân. Chúng tôi không đối đầu với taxi truyền thống, mà đang hợp tác để gia tăng khách hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp taxi truyền thống nâng cấp công nghệ. Chúng tôi sẽ chinh phục thị trường bằng việc đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng và đối tác của mình”.

Tốc độ phát triển mà FastGo đạt được thời gian qua đã phần nào chứng minh quan điểm đó. Đến nay, Fastgo đang áp dụng mức giá tương đối rẻ so với các đối thủ, thậm chí là rẻ hơn 1/3 nếu tính giờ cao điểm. Đặc biệt, Fastgo cũng là ứng dụng duy nhất tại Việt Nam có kèm bảo hiểm Fast Protection với giá trị bồi hoàn 200 triệu đồng trên mỗi chuyến đi. FastGo ra đời là sự hội tụ của nhiều yếu tố: nền tảng công nghệ và sản phẩm đã được chuẩn bị từ 3 năm trước; thị trường đang mất cân bằng sau khi Uber rút lui và mong mỏi của các đối tác lái xe, khách hàng khi muốn có thêm lựa chọn.

CEO Nguyễn Hữu Tuất và thương hiệu FastGo.

“FastGo tự tin vào thành công, vì bên cạnh các yếu tố trên, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần từ các khách hàng, doanh nghiệp, giới truyền thông vì mang lại giá trị cho người Việt, thực hiện ý chí và tinh thần dân tộc của người Việt, tiên phong giành lại thị trường trên sân nhà”, Nguyễn Hữu Tuất nói. Dù vậy, phải thừa nhận rằng, FastGo cũng gặp không ít khó khăn khi muốn giành lại thị phần từ ông lớn Grab. Cùng với đó, việc các hãng taxi truyền thống “không ưa” các ứng dụng gọi xe, dù là ứng dụng Việt cũng là vấn đề đáng suy nghĩ.

Song Nguyễn Hữu Tuất khẳng định, FastGo không đối đầu với taxi truyền thống mà đang hợp tác để gia tăng khách hàng và hỗ trợ các doanh nghiệp taxi truyền thống nâng cấp công nghệ. Liên quan đến vụ kiện giữa Grab và Vinasun, tháng 11/2018, FastGo đã có công văn gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM nhằm cung cấp, làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải. “Vụ việc đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải, giúp chúng tôi điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành.

Đội ngũ xe ôm của FastGo.

Chúng tôi mong muốn, thông qua sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh phù hợp, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam”, CEO FastGo cho biết. Theo Nguyễn Hữu Tuất, nếu im lặng “tọa sơn quan hổ đấu”, thì FastGo có thể được hưởng lợi ít nhiều, nhưng tác hại sẽ khó lường trong tương lai khi môi trường kinh doanh và pháp lý không rõ ràng. Việc tranh cãi giữa các bên và dư luận đã làm chậm việc sửa đổi và thông qua Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

“Chúng tôi thấy mình cần có trách nhiệm lên tiếng, với mục đích giúp làm rõ các vấn đề chuyên môn, giúp các chuyên gia và cơ quan làm chính sách có thêm thông tin để hoàn thiện dự thảo nghị định này”, Nguyễn Hữu Tuất nói và cho biết, việc định danh và làm rõ vai trò của các loại hình kinh doanh vận tải và công ty công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển. Khác với Grab hay GoViet, để mở rộng các dịch vụ, FastGo không đi theo hướng giao đồ ăn trước, mà hướng tới Healthcare (chăm sóc sức khoẻ).

CEO Nguyễn Hữu Tuất phát biểu trong lễ ký kết hợp tác với VinGroup. 

FastGo đang tích hợp dịch vụ Healthcare như đặt dịch vụ bác sĩ khám tại nhà và Du lịch khách sạn. Trong tương lai, FastGo sẽ giống như một O2O Mobile Marketplace (ứng dụng di động tích hợp) Lãnh đạo FastGo cũng nhận định, đây là xu hướng phát triển chung trong thời gian tới, các dịch vụ liên kết với nhau trong một hệ sinh thái người dùng được kết nối. Việc này sẽ giúp tối ưu hoá chi phí phát triển thị trường, các bên tập trung vào chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng. Nền tảng này sẽ giúp tạo ra các thay đổi từ cách làm dịch vụ truyền thống sang dịch vụ số. Được biết, hiện nay FastGo đã có văn phòng ở 8 nước và tất cả các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Công ty có sẵn lượng khách hàng lớn với hơn 12 triệu người dùng và 40.000 đối tác doanh nghiệp. Chia sẻ về quan niệm trong kinh doanh, CEO Nguyễn Hữu Tuất cho hay, kinh doanh là một nghề như bao ngành nghề khác trong xã hội. Trong môi trường toàn cầu hóa và có sự dẫn dắt của công nghệ, làm kinh doanh rất áp lực và khó khăn. Vì vậy, FastGo phải luôn nỗ lực và sáng tạo không ngừng.

Bên cạnh đó, theo vị CEO trẻ này, thành công hay thất bại chỉ có ý nghĩa trong một thời điểm nhất định trên hành trình đến tương lai của mỗi người, điều quan trộng là phải liên tục cố gắng trên hành trình ấy. FastGo đang đi bằng sức mạnh của công nghệ, tâm huyết của đội ngũ và niềm tin có thể chinh phục được mọi nẻo đường.