20/04/2024 lúc 10:46 (GMT+7)
Breaking News

Cây nêu ngày tết  - Nét đẹp văn hóa ngàn năm

Cứ mỗi dịp tết đến, hình ảnh cây nêu đã trở nên vô cùng quen thuộc. Mọi người không chỉ sắm sửa những cành mai, cành đào mà còn trồng những cây nêu ngày tết. Những cây nêu không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thịnh vượng của ngày tết mà đó còn là một tập tục văn hóa vô cùng đặc sắc.

Cứ mỗi dịp tết đến, hình ảnh cây nêu đã trở nên vô cùng quen thuộc. Mọi người không chỉ sắm sửa những cành mai, cành đào mà còn trồng những cây nêu ngày tết. Những cây nêu không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thịnh vượng của ngày tết mà đó còn là một tập tục văn hóa vô cùng đặc sắc.

Cây nêu thường được làm bằng cây tre, cây trúc, bương, lồ ô dài khoảng 5 – 6 mét, chặt sạch lá và chỉ để lại trên ngọn nhánh lá. Theo phong tục dân gian Việt Nam, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp – ngày Táo quân lên chầu trời hằng năm.

Qua thời gian, cây nêu trở thành một vật mang tính biểu tượng nhiều hơn là một loại cây thực sự. Cây nêu trở thành một thân cây nói chung, và khác biệt đối với từng vùng miền, dân tộc. Đối với các lễ hội lớn của người Kinh, cây nêu có thể là cây bương, lồ ô, hoặc tre cao tỉa sạch cành lá. Trong khi các dân tộc thiểu số chỉ dùng một số loại cây gỗ thân chắc chắn, như cây gạo của người Gia Rai.

Sự tích cây nêu ngày tết

Theo sự tích người xưa kể lại rằng: ngày xưa đất nước bị Quỷ chiếm còn con người chỉ đi làm thuê và phải nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay và tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn cho gốc”. Lâm vào cùng quẫn, con người phải cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo còn người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang để đến mùa thì ăn củ, còn nộp cho Quỷ phần ngọn đúng như yêu cầu.

Quỷ liền đổi lại, đòi “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại bảo người chuyển sang trồng lúa khiến Quỷ tức giận nên đòi  “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lúc này, Phật bèn trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi để lấy trái, để lại cả gốc và ngọn cho Quỷ. Cuối cùng, Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm nữa.

Phật đành bàn với Người đứng đầu của Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.

Do mất đất sống nên bọn Quỷ vào cướp lại nhưng bị con người dùng máu chó tươi, lá dứa, tỏi, vôi bột…  để đuổi đi. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.

Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên ngọn cây nêu có buộc nhiều thứ như: túi nhỏ đựng trầu cau, ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ… hay những vật dụng có tính chất biểu tượng của địa phương, dân tộc như: lá phướn, chuông gió. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng. Người ta tin rằng, những vật treo ở cây nêu và những tiếng động là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu. Buổi tối, người ta treo thêm một chiếc đèn lồng để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu.

Ý nghĩa cây nêu ngày tết

Theo quan niệm dân gian, cây nêu là biểu tượng đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa thiên thần và quỹ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Cây nêu được xem là bảo bối chống lại sự xâm nhập của ác quỷ.

Ngoài ra, người ta còn dùng cây nêu để làm biểu tượng cho việc mang lại may mắn, thờ phụng thần linh… Các vật dụng trên lên cây nêu cũng phong phú hơn để làm cầu nối giữa vũ trụ với đất trời.

Đặc biệt, hiện nay trong các lễ hội, cây nêu được xem là tiêu điểm tập trung, kết nối cộng đồng. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại, tạo nên thế cân bình tuyệt đối trong sự vận hành giữa năm cũ và năm mới. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ để chuẩn bị đón nhận những niềm vui của năm mới.

Hiện nay, việc thờ cây nêu ngày tết thường phổ biến hơn ở những vùng quê, bởi dân thành thị có sự hạn chế về diện tích nên đã giản lược đi phong tục này. Tuy nhiên, hình ảnh của những cây nêu ngày tết đã đi sâu vào tiềm thức văn hóa của mỗi người Việt Nam. Trong thời đại hội nhập ngày nay, bên cạnh hội nhập những yếu tố văn hóa mới thì rất cần giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc./.