25/04/2024 lúc 15:39 (GMT+7)
Breaking News

Câu chuyện nhân tuần lễ Phòng chống tác hại thuốc lá Việt Nam (25-31/5) và ngày Thế giới không thuốc lá 31/5

Tai tôi như ù đi, ánh lửa bùng lên, những bóng người ngã xuống trong trí tưởng tượng của tôi, nghe loáng thoáng tiếng thầy giáo khuyên: Em nên bỏ thuốc, càng sớm càng tốt, nhất là với một sinh viên ngành y, là nghề chăm sóc sức khỏe nhiều người! Xin phép thầy trở về kí túc xá và hôm sau tôi bỏ thuốc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người...

Tôi đã bỏ được thuốc lá sau nhiều năm nghiện ngập! 

Tai tôi như ù đi, ánh lửa bùng lên, những bóng người ngã xuống trong trí tưởng tượng của tôi, nghe loáng thoáng tiếng thầy giáo khuyên: Em nên bỏ thuốc, càng sớm càng tốt, nhất là với một sinh viên ngành y, là nghề chăm sóc sức khỏe nhiều người! Xin phép thầy trở về kí túc xá và hôm sau tôi bỏ thuốc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người...

Sinh ra ở Cao Bằng, quê hương của loại thuốc lá nổi tiếng, mỗi mùa thu hoạch thuốc lá cả làng xóm quê Tôi đâu đâu cũng thấy tấp nập người hái lá thuốc, từng đoàn người gánh những gánh lá thuốc kĩu kịt về làng, không khí thật đông vui như ngày hội. Mà quả đúng là ngày hội, bởi thuốc lá chính là nguồn thu nhập cho mỗi gia đình trong sự quản lý của Hợp Tác Xã nông nghiệp nông thôn thời bấy giờ. Vì vậy mọi việc trong nhà đều trông cả vào đây, nên đó là nguồn thu nhập chính của mọi gia đình. Nhà nào cũng cố gắng tận dụng hết mọi khoảnh đất từ ruộng Hợp tác tới rẫy nương và cả bờ dậu, hàng hiên để trồng nhiều hơn những cây thuốc lá có chùm hoa trắng thật gần gũi với mọi người.

Ảnh minh họa

Cũng vì: “ăn thuốc lá, ngủ thuốc lá”; nên hồi đó tất cả người lớn, thanh niên đều hút thuốc lá. Thanh thiếu niên tập tành hút thuốc, lũ trẻ 12-13 tuổi mới lớn chúng tôi cũng đua nhau hút thuốc  và rồi nghiện thuốc từ lúc nào không hay… Năm ấy, hết nghỉ hè vào năm học mới, trong túi có  thêm cái bật lửa Trung Quốc màu đỏ chạy xăng và một gói thuốc sợi trộn lẫn mớ giấy pơluya cắt cẩn thận hình chữ nhật. Tôi thường đứng dưới gốc cây phượng ở sân trường phổ thông Cấp II (bây giờ là phổ thông trung học cơ sở), dở gói thuốc ra khéo léo cuốn những sợi thuốc vàng thành cái sâu kèn trong miếng giấy pơluya, quẹt chút nước ở đầu lưỡi và vuốt nhẹ, đưa điếu thuốc lên môi và lửa phừng lên, những luồng khói thuốc từ mũi, miệng ào ạt tuôn ra.

Thi tốt nghiệp phổ thông Trung học xong, tôi “lều chõng” xuống trường đại học ôn thi vào trường y, đấy là ý nguyện của cả gia đình và cũng là ước mơ của tôi. Tôi thường tới sớm để được ngồi trên bàn đầu hay chí ít cũng ở dãy bàn thứ hai, để được nghe thầy giảng rõ hơn và bắt đầu bắt kịp nhóm học sinh của thành phố khi làm bài kiểm tra, thi thử, chỉ mỗi tội nghiện thuốc. Hôm ấy học môn Hoá học, tới nửa cuối giờ học thứ hai, không thể chịu đựng được cơn thèm thuốc nữa, phải xin phép thầy chạy ra sân, đang say sưa với mấy hơi thuốc rít thật sâu và bỗng giật mình. Có một bàn tay ấm áp đặt lên vai, cả mùi thơm của phấn viết thạch cao, tôi hồi hộp quay lại, thầy giáo đứng bên cạnh, ánh mắt nhìn theo những luồng khói thuốc đang bay lãng đãng, vỗ nhè nhẹ vào vai người học trò nghiện thuốc lá, thầy nói nhỏ: “Hồi ở bên Nga, Thầy cũng nghiện thuốc lá như em, có khi còn hút nhiều hơn em, song khi mình bị lệ thuộc vào nó, nhiều lúc ảnh hưởng tới việc học tập như em hôm nay…”. Thầy kể lại rằng lần đó ở nước Nga xa xôi ấy, vì hút thuốc khi đang làm một thí nghiệm hóa học, thầy bị giáo sư người Nga khiển trách nặng nề. Nỗi xấu hổ về điều đó đã làm động lực cho thầy quyết tâm bỏ thuốc lá từ đó cho tới tận bây giờ… Nhờ có lời khuyên của thầy dạy môn Hoá học nên tôi đã từ bỏ được thuốc lá sau sáu năm hút thuốc liên tục.

Tuyên truyền về phòng chống thuốc lá đối với học sinh 

Nhưng lần đầu tiên bỏ thuốc lá ấy kéo dài không lâu! Dự thi đại học xong, không biết từ bao giờ điếu thuốc lại gắn trên môi tôi thường xuyên và tần số hút thuốc tăng lên nhiều hơn khi có kết quả trúng tuyển đại học y. Nhập trường đại học năm thứ nhất, sau thời gian ngắn đốt hết gói thuốc sợi mang theo, tôi trở thành khách quen của quán nước chè, kẹo vừng và thuốc lá của cô giáo dạy môn Thể thao của trường, mùa hè và mùa thu thì ngày mười điếu, sang mùa đông tới mười lăm thậm trí hai mươi điếu nếu đi học khuya, cái áo Blouse đi thực tập của Tôi luôn có mùi khét của thuốc lá và dửng dưng với những cái khịt mũi của bạn học cùng lớp, cứ sau mỗi giờ học là lại đốt thuốc liên tục. 

Một hôm, thầy giáo dạy môn Sinh học cơ sở gọi tôi xuống phòng, thầy nói chuyện nhẹ nhàng: “ Trước đây, ở Praha – Tiệp Khắc, nơi thầy làm nghiên cứu sinh, có một vụ nổ trên đường phố làm thiệt hại nguyên một con đường đẹp và có mấy người đi đường tử vong oan đấy em ạ! Em có biết vì sao không?”, dừng một chút, thầy nói tiếp: “Ấy là vì đường đang sửa ống khí ga của thành phố, người ta đã căng biển cấm lửa, vậy mà có một thanh niên châu Á đi xe đạp qua, anh ta ném mẩu thuốc lá đang hút dở xuống hố vệ đường lúc chiều tối và một tiếng nổ dữ dội với quầng lửa ào lên…”. Tai tôi như ù đi, ánh lửa bùng lên, những bóng người ngã xuống trong trí tưởng tượng của tôi, nghe loáng thoáng tiếng thầy giáo khuyên: Em nên bỏ thuốc, càng sớm càng tốt, nhất là với một sinh viên ngành y, là nghề chăm sóc sức khỏe nhiều người! Xin phép thầy trở về kí túc xá và hôm sau tôi bỏ thuốc trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.  

Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, và nói không với thuốc lá.

Vậy mà khi sang năm học thứ hai, đi lâm sàng môn Ngoại khoa, những lần đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân: mùi bông băng, cồn gạc lẫn máu, những tiếng rên la và cả sự nóng giận của người nhà bệnh nhân… cộng thêm ở khoa Ngoại các bác sĩ cũng hút thuốc rất nhiều, đã tạo điều kiện cho sự tái nghiện của tôi. Từ lúc chuyển sang khoa Nội và nhất là tới khoa Nhi, với trách nhiệm của người chăm sóc và tình thương yêu với những bệnh nhi bé bỏng đã lại giúp Tôi từ bỏ thuốc lá. Thời gian về trường Đại Học Y khoa Hà Nội học chuyên khoa là thời gian hút thuốc càng nhiều, sự trống vắng bạn bè thân cũ, và ở môi trường học mới không ai khuyên nên bỏ thuốc cả. Những đêm lạnh giá, cả nhóm sinh viên chúng tôi xích lại sát nhau hơn và truyền tay từng hơi thuốc lá hút chung để chia sẻ một chút hơi ấm.

Gần chục năm công tác trong ngành y tế Cà Mau sau khi tốt nghiệp đại học, sau những buổi làm việc tất bật, những ngày đêm công tác ấp, xã bằng xuồng máy đuôi tôm liu riu trên mặt nước sông Đầm Dơi, Vàm Đầm… Tôi dần quen với những món ăn đậm chất miền Tây Nam Bộ như cá lóc nướng chui, tôm tái chanh, canh rau đắng… và không thể thiếu thuốc lá, đồng nghiệp ở đây hay biếu thuốc lá và trêu trọc gọi tôi là “lò đốt thuốc lá Bắc kỳ”.  Cho tới khi chuyển công tác về Đắk Lắk, nơi sản sinh ra hương vị cà phê nổi tiếng Buôn Ma Thuột. Ngày đầu tiên thức dậy trên miền đất đỏ vẫn với cảm giác thấp thỏm đợi một chuyến đò sang sông, không khỏi chạnh nghĩ về một thời để nhớ nơi mảnh đất cuối trời Cà Mau, và lại hút thuốc nhiều hơn.

Tuần lễ Phòng chống tác hại thuốc lá việt Nam: 25-31/5 và ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.

Sau khi Đắk Lắk tách thành hai tỉnh, tôi đã có thời gian bỏ thuốc khá lâu, rồi lại hút lại, có lần bỏ thuốc được cả gần một năm trời. Vậy mà chỉ một phút yếu lòng trong chuyến công tác về Đồng Tháp tham dự hội thi Truyền Thông Phòng chống HIV/AIDS, người bạn đồng hành cùng đi đã làm thức dậy trong tôi cảm giác thèm hút thuốc lá. Cứ mỗi chặng nghỉ anh ấy lại nhờ mồi thuốc với đủ loại lý do nghe ra đều hợp lý cả, khi tới thành phố Cao Lãnh, thấy tôi sau khi đốt thuốc cho anh, lại đốt thêm một điếu nữa và rít một hơi dài vẻ say sưa, anh ấy đã nói với giọng điệu khá nghiêm túc: “ Quả thật chúng ta rất khó bỏ thuốc lá và hút lại thì rất dễ”.  Hội thi kết thúc với kết quả mỹ mãn, Ban tổ chức mời hội thi bữa cơm thân mật với nhiều món đặc sản của vùng Tứ giác Long Xuyên, nhưng nhóm tuyên truyền viên tham gia Hội thi tại đây hút thuốc khá nhiều. Ngồi gần một người phụ nữ trong Ban tổ chức là cán bộ Trung tâm Truyền Thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, người phụ nữ ấy có ánh mắt thiếu thiện cảm nhìn về phía những người hút thuốc lá, khi người phụ nữ trong Ban Tổ chức ấy đã kiên quyết đứng dậy bỏ dở bữa cơm tổng kết hội thi, mấy lần tôi định rút thuốc ra hút rồi lại thôi. Khi ra sảnh nghỉ ngơi uống nước, anh bạn đồng hành hỏi: “Có hút thuốc không?”, Tôi lắc đầu, cảm thấy lòng trĩu nặng, cổ như nghẹn lại và những lần bỏ thuốc thành công, những lần tái nghiện cứ ào ạt hiện về trong tâm trí, cùng với ánh mắt hình viên đạn của người phụ nữ Hà Nội ấy.

Đường từ Cao Lãnh, Đồng Tháp về Buôn Ma Thuột khá xa, thấy Tôi không nói năng gì và từ chối thẳng thừng những điếu thuốc anh đưa, người đồng nghiệp đồng hành lại thẽ thọt: “Thôi mà, không hút nữa thì thôi, nói có rứa mà giận chi vậy!”. Tôi mỉm cười im lặng không nói. Tôi đã bỏ hút thuốc từ đó cho tới tận bây giờ, cũng có thể nói  là quãng thời gian lâu nhất trong tất cả các lần Tôi bỏ thuốc. Thỉnh thoảng có gặp lại người đồng nghiệp đồng hành chuyến đi Đồng Tháp năm ấy, anh ta lại đưa điếu thuốc và nói vui vẻ: “Đốt giúp đi, nhờ tui ngày đó mà giờ ông mới bỏ được thuốc lá đó nghe!!!”, đốt giúp đồng nghiệp điếu thuốc rồi Tôi cũng vả lả: “Ừ… ừa, cảm ơn anh nha, giờ anh có dụ tôi cỡ nào tôi cũng không hút lại đâu!”. 

Bằng Giang - Sở Y tế Đắk Lắk