19/04/2024 lúc 12:36 (GMT+7)
Breaking News

Cậu bé ”chăm thư viện” ở làng Chăm

VNHN - Ngày cuối hạ, chúng tôi tìm về làng Chăm Hoài Ni (xã Phước Thái, Ninh Phước, Ninh Thuận) dự buổi ra mắt Thư viện Tụ Hiền do sinh viên Vạn Đại Phú (sinh 1997) “mở cửa” đón bạn đọc. Niềm vui, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt chân chất, bỏng rát nắng gió miền Trung của em cũng như bà con, các em học sinh nơi đây…

VNHN - Ngày cuối hạ, chúng tôi tìm về làng Chăm Hoài Ni (xã Phước Thái, Ninh Phước, Ninh Thuận) dự buổi ra mắt Thư viện Tụ Hiền do sinh viên Vạn Đại Phú (sinh 1997) “mở cửa” đón bạn đọc.

Niềm vui, nụ cười rạng rỡ hiện rõ trên gương mặt chân chất, bỏng rát nắng gió miền Trung của em cũng như bà con, các em học sinh nơi đây… khiến quan khách không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục. Trước đó, tôi đã dõi theo và được cậu bé gọi điện thoại chia sẻ ý tưởng lập tủ sách. Câu chuyện cậu bé người Chăm vượt khó, hiếu học, “chăm việc đọc sách”, nâng cao dân trí trên chính quê hương mình, đã “chạm” vào bao trái tim tri thức.

Các đơn vị, cá nhân trao tặng sách cho Thư viện Tụ Hiền

Khát chữ

Vạn Đại Phú sinh ra trong một gia đình nghèo, lại 5 anh em, Phú là anh cả nên từ nhỏ đã theo cha đi làm lụng đủ nghề. Cách đây vài tháng, Phú từng chia sẻ : “Có người bạn đùa em, cậu Vạn Đại Phú mà sao không phất nổi, em cười khì qua loa và nhủ lòng cố gắng học tập”. Tuổi thơ đồng nội chăn bò, cắt lúa, cuốc đất thuê…đã hun đúc nên sự kiên trì của Phú. Dù vất vả, nhưng em vẫn đạt thành tích học tập cao. Cách đây hơn 5 năm, nhà quá nghèo túng, ông Vạn Tuyến (bố em) đành phải “ngó lơ” để con thôi học năm lớp 10. Vì khó khăn quá nên gia đình dường như không khuyên ngăn khi em nghỉ học. Phú lên Tây Nguyên hái cà phê, nhổ mì, phụ hồ, rồi vào Sài Gòn làm công nhân may mặt, tích góp nuôi thân và gửi tiền về ba mẹ nuôi em.

Một năm sau, Phú dành dụm tiền tiếp tục quay về xin đi học lại. Năm 2016, em tốt nghiệp và thi đậu 2 Trường: Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Khát khao đến giảng đường đại học, vậy nhưng Vạn Đại Phú một lần nữa lại đứng trước ngưỡng cửa phải ngừng học đại học. Ông Vạn Tuyến lại quặn thắt lòng bảo con: “Con mà còn đi học nhà này khổ, hãy đi đi, đi khỏi nhà nếu con muốn học, phải lăn lộn kiếm tiền tự nuôi…”. Song, cứ nghĩ cảnh làm thuê như ba mẹ quanh năm mà vẫn nhà giột, tối nằm thấy ngàn sao, ăn thì bụng chưa no mà cổ đã no vì cơm nguội với muối ớt mặn và cay, Phú lại quyết đi học và chọn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vì đã từng làm công nhân may mặt nên muốn tiếp tục theo ngành này. Biết gia cảnh của em, thầy Lê Hữu Nam ( Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng) đã động viên và tìm nguồn hỗ trợ em học phí kỳ đầu để em có cơ hội vào đại học.

Mang tri thức về làng, hội nhập Nông thôn mới

Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, gầy còm, thêm đôi kiếng cận, Vạn Đại Phú nom trẻ như một cậu thiếu niên hơn là sinh viên năm thứ ba. Nhiều người trao đổi rằng, không hiểu sao bé thế mà nghị lực và ý tưởng lớn. Đại Phú tâm sự: “Nhận thấy quê mình cách xa thư viện huyện, tỉnh, thêm nữa các em nhỏ ngoài buổi học hay đi chơi ngoài nắng nên dễ đau bệnh, đứa nào đứa nấy đen thủi nên em đã ấp đủ ý tưởng làm tủ sách nhỏ phục vụ miễn phí trong làng. Em mong muốn từ những cuốn sách hướng con người hoàn thiện, chân chính , đạo dức hơn. Nhất là thế hệ trẻ biết chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật, ứng xử văn hóa mới, có lý tưởng sống tốt đẹp, góp sức trẻ cho quê hương”.

Vạn Đại Phú và các em nhỏ trong Thư viện 

Khởi nguồn từ tâm sáng, ý đẹp, dám nghĩ dám làm, cuối tháng 11 năm 2018, Vạn Đại Phú đã tích góp tiền làm thêm ban đêm, đi bốc vác hàng vải, ngày tranh thủ ngoài giờ học đi kiểm kê hàng, kiếm tiền trang trải học tập,  mua sách. Từ đầu năm nay, Phú  đem ý tưởng làm thư viện chia sẻ với các anh chị Hội từ thiện Gió Yêu Thương và CLB Truyền thông – MC Nhí, những  thầy giáo cũ và bạn bè trên khắp mọi miền….đều được đánh giá cao dự án và đồng tình ủng hộ. Như được truyền lửa, tiếp sức từ phía “chuyên gia” về sách, Phú mạnh dạn gom góp 10 triệu đồng mua vật liệu tu sửa nhà kho thành phòng đọc sách và ngỏ ý xin vận động. Ban đầu với vốn ít ỏi, Phú chỉ có 200 cuốn sách kỹ năng sống, đến nay Tụ Hiền được sự góp sức nên  đã có hơn 1000 đầu sách, gần 2000 bản sách đa dạng các thể loại phù hợp mọi đối tượng đọc: sách  truyện, sách tô, vẽ cho thiếu nhi, văn học, kỹ năng sống, hướng nghiệp, văn hóa, lịch sử, khoa học kỹ thuật, nông – lâm - ngư - diêm nghiệp, sức khỏe đời sống, pháp luật… Giờ đây, nhờ cần cù chịu khó, ba mẹ Phú đã bươn trải làm lụng, họ hàng góp sức xây nhà cửa khang trang. Quan sát kỹ cơ ngơi gia đình và không gian hơn 40 m2 phòng sách và tận dụng không gian sân, mái che, hành lang, ghế đá nhà chính,..làm nơi đọc sách, mới thấy sức sáng tạo, lòng kiên trì của em, sự thừa hưởng đức chịu khó của gia đình. Chỉ cần những eke góc và thanh ván em đã tạo nên những kệ sách đẹp và tiện ích, bớt tốn kém.; với 05 bàn học cá nhân nhỏ kết hợp gối bông gòn cho các em nhỏ ngồi đọc tại chỗ.

Cảm phục, quý mến trước tấm lòng của em, chính quyền địa phương, thầy cô giáo cũ, bà con, đặc biệt là Hội tình nguyện Gió Yêu thương, CLB Truyền thông – MC Nhí ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều nhà hảo tâm đã hỗ trợ sách, vật tư và lời động viên tinh thần để em có thêm động lực.

Em Đàng Thị Kim Trà, học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Hoài Trung  vui mừng ra mặt: Từ khi anh Phú mang thật nhiều sách về quê cho chúng em đọc miễn phí, được mượn về nhà cả tuần, em rất thích. Hơn nữa, sách ở đây rất hay và giấy mới, màu sắc sáng, đẹp. Nay thư viện Tụ Hiền hoạt động chính thức rồi, tiện nhất là gần trường, chúng em tranh thủ ngoài giờ học chạy sang đọc. Nhờ tham khảo sách mà em học môn lịch sử và văn tốt hơn.  Tủ sách của anh ấy là có một không hai ở quê em…

Khi hỏi về dự định sắp tới, cách “chăm” thư viện mình, Phú tự tin cho biết: “ Em có ý làm không gian xanh, treo chậu hoa, cây cảnh ở sân, trưng bày chậu xương rồng cảnh, sen đá trên các kệ sách để tạo cảnh quan xanh sạch đẹp. Em cũng mong xã hội hóa được về nguồn sách, 01 máy vi tính để em quản lý sách qua phần mềm, và cái nền xi măng các em nhỏ ngồi tội quá, e sẽ đi làm thêm mua thảm cỏ nhân tạo để lát cho xanh sạch. Thời tiết ở Ninh Thuận nắng nóng, hanh khô, em mong làm được laphong cho cách nhiệt, tạo không gian mát cho bạn đọc thư thái, khỏe khoắn khi đến đây”.

  Lưu laị hai ngày ở thôn Hoài Ni, một thôn không có quán nhậu, đêm đến không nghe thấy tiếng ồn, tiếng nẹt pô xe máy của thanh niên, đi quanh làng già trẻ gặp nhau, lạ quen đều chào thưa rất nền nếp, nghĩa tình, Vạn Đại Phú không giấu được niềm vui khi đón tiếp hàng trăm lượt bạn đọc ra vào Thư viện Tụ Hiền tấp nập. Nhiều thanh niên trong vùng đến tham quan, học hỏi Phú để nhân rộng, làm theo. Rồi đây, phong trào đọc sách lan tỏa sâu rộng trong hân hoan, phấn khởi như ngày hội ở khắp làng quê Chăm.

Ông Hải Đăng Quy - Cán bộ Văn hóa thông tin xã Phước Thái phấn khởi: Xã Phước Thái đạt chuẩn xã Nông thôn Mới năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đoàn kết chung tay xây dựng toàn diện các tiêu chí. Trong đó, bộ mặt văn hóa thể hiện rõ rệt. Ngày nay, nhà cửa khang trang, dịch vụ, kinh doanh đa dạng hàng hóa. Thư viện Tụ Hiền ra đời đã thêm phần sinh động cho bức tranh nông thôn, địa phương rất hoan nghênh, biểu dương tinh thần, việc làm của Vạn Đại Phú đã tạo một phong trào đọc sách, phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao dân trí, góp phần thiết thực  phát triển văn hóa xã hội, giữ vững đạt chuẩn NTM địa phương.