20/04/2024 lúc 14:39 (GMT+7)
Breaking News

Cập nhật ngày 24/11: Tin bão khẩn cấp và công điện chỉ đạo ứng phó

VNHN - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

VNHN - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Hồi 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,7 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 100km, cách Phan Thiết khoảng 180km, cách Vũng Tàu khoảng 230km, cách Bến Tre 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 22 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Thành phố Hồ Chí Minh: Từ chiều và đêm nay có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt diện rộng.

Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu (bao gồm cả huyện đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6m, vùng gần bờ cao 3-5m.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc tăng cường, từ gần sáng và ngày mai (25/11) ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8; biển động.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ chiều nay (24/11), trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều nay (24/11).

Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ nay đến 26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ có mưa rất to (300-400mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to (100-200mm/đợt).

Cảnh báo lũ: Từ nay đến 27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Giao ban "nóng" chống bão số 9

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai họp giao ban công tác chỉ đạo điều hành vào sáng ngày 24/11 do Ông Nguyễn Trường Sơn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì.

Các thành viên báo cáo tình hình triển khai các công tác ứng phó với bão và mưa lũ: Hiện đã có 6 tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP HCM, Tiền Giang, Bến Tre.

Tính đến 9h sáng ngày 24/11, theo báo cáo trực tiếp qua điện thoại của Văn phòng thường trực BCH PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tiền Giang và Trà Vinh, hiện nay không còn phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Đã có 4 tỉnh/thành phố có phương án, thời hạn cụ thể hoàn thành việc di dời dân cư: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) đã di dời xong 199 hộ/934 người; huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) dự kiến di dời 4.151 người (với gió cấp bão) và 1.928 người (với gió cấp ATNĐ); đối với tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dự kiến di dời khi bão ảnh hưởng là 42.423 hộ/158.534 người.

Công tác vận hành hồ chứa: Hồ chứa Thủy điện trong 159 hồ cập nhật thông tin vận hành, có 02 hồ xả điều tiết qua tràn: Hồ chứa Đrây Hlinh 1 xả 50m3/s, Đak Mi 4a: 03 m3/s. lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.

Hồ chứa Thủy lợi: Trong khu vực ảnh hưởng có 09 hồ đang xả lũ: Ayun hạ (Gia Lai) xả 5 m3/s; Ea Soup Thượng (Đắc Lăk) xả 10 m3/s; Krông Buk Hạ (Đắc Lăk) xả 10 m3/s; Buôn Yông (Đắc Lăk) 5m3/s; Suối Dầu xả 35 m3/s, Cam Ranh xả 10 m3/s, Tà Rục (Khánh Hòa) xả 16 m3/s; Tân Giang (Ninh Thuận) xả 10 m3/s; Trà Co (Ninh Thuận) xả 5m3/s

Kết luận cuộc họp giao ban, ông Nguyễn Trường Sơn đề nghị: Thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. Công tác sơ tán dân, cấm biển: Khẩn trương sơ tán dân xong trước 12h00 ngày 24/11, tổ chức cấm biển phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện nghiêm khi có lệnh. 

Khẩn trương kiểm tra, rà soát việc chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng, hạn chế thiệt hại do dông, lốc có thể xảy ra. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; bố trí lực lượng, nhân lực, vật tư, phương tiện để kịp thời ứng phó, di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm...

Đảo Phú Quý gió giật cấp 8

Cơn bão số 9 được cảnh báo sẽ vào các tỉnh Nam trung bộ, trong đó có Bình Thuận, mà điểm đổ bộ đầu tiên sẽ là huyện đảo Phú Quý. Chính vì thế mà ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Phú Quý cũng như các xã, phòng, ban, các lực lượng vũ trang đã dồn tất cả cho việc cùng dân chống bão.

Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, tránh, ứng phó với bão, đặc biệt là tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ, bố trí neo đậu an toàn. Các lồng bè thủy sản cũng được chằng buộc chắc chắn; không để người ở lại trên lồng bè.

Đêm qua Phú Quý chỉ có mưa, có lúc có gió lớn khiến một vài cây bị ngã đổ. Lãnh đạo huyện đã thức trắng đêm trực bão, quân dân trên đảo cùng kéo tàu thuyền lên bờ, thu gọn các dây điện, dây cáp, vận chuyện cá từ các lồng bè, thuyền... chuẩn bị ứng phó bão.

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư huyện đảo cho biết vào lúc 9h sáng 24/11: “Tình hình ở Phú Quý hiện chưa có thiệt hại gì xảy ra, gió cấp 7-8, có mưa nhỏ. Chúng tôi vẫn đang theo dõi chặt chẽ vì cơn bão này khá phức tạp”.

Công điện chỉ đạo ứng phó bão số 9 của Thủ tướng

Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện 1671/CĐ-TTg chỉ đạo tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ. 

Nội dung Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của bão số 8, trong các ngày 17-18 tháng 11 năm 2018 tại một số tỉnh Nam Trung Bộ đã xảy ra mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân, nhất là tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Chiều ngày 22/11, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 9) và đang di chuyển hướng về khu vực quần đảo Trường Sa và đất liền nước ta.

Dự báo, bão số 9 còn tiếp tục mạnh thêm; ngày 24 hoặc sáng 25 tháng 11, vùng tâm bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 11-12 và gây mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập sâu, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, nhất là tại các khu vực đã bị ảnh hưởng của mưa lớn do bão số 8 vừa qua.

Khu vực dự kiến bão đổ bộ có nhiều hoạt động kinh tế trên biển, đảo và ven biển, đã bị thiệt hại nặng nề do bão số 12 năm 2017 và bão số 8 năm 2018, đặc biệt là tỉnh Khánh Hoà. Đây là cơn bão cường độ mạnh, do tác động của không khí lạnh diễn biến của bão còn rất phức tạp, hướng di chuyển, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão có thể còn có những thay đổi.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Đối với trên biển và các đảo:

- Tiếp tục tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền (kể cả các tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch), nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, quyết định thực hiện việc cấm biển.

- Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú, kể cả đối với các tàu vãng lai của địa phương khác và tàu quốc tế.

- Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

2. Trên đất liền:

a) Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị:

- Khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu vực gần các cột tháp cao, các nhà không bảo đảm an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào.

- Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão.

- Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín; chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, công trình đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao, khu khai thác khoáng sản.

- Triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển bị sự cố, đang thi công; đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.  

- Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.

b) Đối với khu vực miền núi, nhất là miền Trung và Tây Nguyên:

- Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.

- Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

3. Một số nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền của ngư dân và triển khai các biện pháp bảo vệ, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo vệ an toàn hồ đập thuỷ lợi, đê điều, nhất là đối với các tuyến đê, kè biển xung yếu.  

- Bộ Công Thương chỉ đạo đảm bảo an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và dầu khí trên biển; vận hành an toàn các hồ đập thuỷ điện, hệ thống điện; bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.

- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện vận tải; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ ngập lụt, sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố, bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính.  

- Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao,…

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống thông tin, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho học sinh khu vực bão đổ bộ.

- Bộ Ngoại giao theo dõi sát tình hình, chủ động liên hệ với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực để giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão đảm bảo an toàn.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

- Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát phương án, chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực bão đổ bộ và an toàn giao thông.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ; thường xuyên cập nhật, công bố vùng nguy hiểm để tàu thuyền, phương tiện vận tải không đi vào và chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

- Các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ và phổ biến kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại./.