24/04/2024 lúc 21:46 (GMT+7)
Breaking News

Cao Bằng: Họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mở rộng

Đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chủ trì cuộc họp mở rộng đánh giá kết quả thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020, triển khai nhiệm vụ và giải pháp năm 2021. Tham dự có các thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ; chủ tịch UBND các huyện, Thành phố.

Đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) chủ trì cuộc họp mở rộng đánh giá kết quả thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020, triển khai nhiệm vụ và giải pháp năm 2021. Tham dự có các thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ; chủ tịch UBND các huyện, Thành phố.

Theo báo cáo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, tỉnh Cao Bằng xếp vị trí thứ 54/63 trong cả nước với 62,20 điểm, giữ nguyên vị trí so với năm 2019. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh nằm trong nhóm trung bình trên bảng xếp hạng PCI toàn quốc.

Trong nhóm 10 chỉ số đánh giá, có 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2019 gồm: Chi phí gia nhập thị trường đạt 9,14 điểm, tăng 1,68 điểm; Tiếp cận đất đai đạt 5,61 điểm, tăng 0,43 điểm; Chi phí thời gian đạt 6,69 điểm, tăng 1 điểm; Chi phí không chính thức đạt 5,76 điểm, tăng 0,33 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,98 điểm, tăng 0,63 điểm; Tính năng động đạt 5,50 điểm, tăng 0,24 điểm.

4/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2019 gồm: Tính minh bạch đạt 5,54 điểm, giảm 1,21 điểm; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đạt 6,05 điểm, giảm 0,43 điểm; Đào tạo lao động đạt 6,63 điểm, giảm 0,17 điểm; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 6,05 điểm, giảm 0,4 điểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc phát biểu kết luận cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận, chỉ ra những khó khăn trong việc thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 như: Điều kiện kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng của tỉnh còn yếu, không thuận lợi cho thu hút đầu tư; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô hoạt động nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, trình độ quản lý, kiến thức quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động tại thị trường trong tỉnh. Còn tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; việc đánh giá, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc cải thiện và nâng cao từng chỉ số thành phần PCI chưa triệt để, sâu sát; việc cung cấp, chia sẻ thông tin, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hỗ trợ doanh nghiệp chưa chặt chẽ; công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC mức độ 3, 4 ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp đạt hiệu quả thấp, số lượng các TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 chưa cao…

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc đề nghị: Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, xây dựng dự thảo, trình ban hành Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; quyết định thành lập BCĐ thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục rà soát, phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; rà soát và công khai TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân.

Các sở, ngành, UBND các huyện, Thành phố tích cực triển khai các cuộc đối thoại, hội nghị kịp thời giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; rà soát, đơn giản hóa các TTHC, bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận không cần thiết; niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên các TTHC. Tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư, vận động đầu tư một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Tập trung đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng giao thông kết nối; chủ động rà soát nhu cầu về đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo có quỹ đất phù hợp khi doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện dự án đầu tư…