19/04/2024 lúc 17:44 (GMT+7)
Breaking News

Cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao trong lòng Thủ đô

VNHN – Người nông dân đã bắt đầu xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ. Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại các vùng miền nông thôn của nước ta nói chung để phát triển bền vững ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu. Trước thực tế đó, ngay giữa Thủ đô đã xuất hiện nhiều hơn những “cánh đồng công nghệ cao”.

VNHN – Người nông dân đã bắt đầu xa dần hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” với hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ. Ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp tại các vùng miền nông thôn của nước ta nói chung để phát triển bền vững ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu. Trước thực tế đó, ngay giữa Thủ đô đã xuất hiện nhiều hơn những “cánh đồng công nghệ cao”.

 

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là yêu cầu tất yếu

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng thị trường xuất khẩu, đòi hỏi sản xuất nông sản phải có sự cải cách về đầu tư và nâng cao trình độ công nghệ; trong đó trọng điểm là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp. Cùng với tham vọng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một đòi hỏi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Đó là những công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong đó công nghệ thông tin được ứng dụng trong quản lý sản xuất nông lâm thủy sản (hệ thống theo dõi, giám sát, điều tiết, dự báo) giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Công nghệ sinh học được ứng dụng trong chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu cao.

Chăm sóc rau thủy canh tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì).

Cánh đồng nông nghiệp công nghệ cao trong lòng Thủ đô

Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động không ngừng của khoa học và công nghệ đã làm ngành nông nghiệp có nhiều biến đổi rõ rệt. Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến cũng chú trọng đầu tư và đồng bộ khoa học trong mọi lĩnh vực, trong đó đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm hướng tới phát triển một nền nông nghiệp đô thị - nông nghiệp bền vững.

Cụ thể, những năm gần đây, ngành nông nghiệp Thủ đô đã tạo được những bước chuyển tích cực. Để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp và tiến tới đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn cho Thủ đô.

Một trong những điểm sáng của việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội phải kể đến xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Trong những năm qua, xã Yên Mỹ đã mạnh dạn đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, trong việc phát triển mô hình trồng rau thủy canh, xã đã tiến hành xây dựng nhà kính và hệ thống tiếp nước tự động, rau khi được trồng trong môi trường này sẽ không chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài và sinh trưởng phát triển mạnh mẽ. Từ phương pháp trồng rau thủy canh, các loại rau trái vụ được nuôi trồng liên tục.

Kiểm tra nhân cấy mô hoa lan giống tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng). 

Bên cạnh đó, xã đã tiến hành thí điểm trồng một số các loại nông sản khác như dưa lưới, dưa lê và tiến hành đẩy mạnh diện tích trồng rau VietGap, sản xuất theo quy trình rau an toàn. Với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao xã Yên Mỹ được tiêu thụ thông qua các kênh giới thiệu sản phẩm với một số trường học và một số hộ gia đình trong nội thành, bước đầu đưa về nhiều phản hồi tích cực.

Dựa trên những nền tảng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, xã Yên Mỹ tiếp tục duy trì 68 ha sản xuất rau an toàn, trong đó 21 ha đã được cấp lại giấy chứng nhận VietGap. Cùng đó, để mở rộng đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, xã Yên Mỹ tiếp tục duy trì ký hợp đồng với các doanh nghiệp và mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, sản lượng ước đạt 2 đến 2.5 tấn rau/ngày chiếm khoảng 40% sản lượng rau của xã...

Tương tự, từ việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất (chuyển giao từ các chuyên gia Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mô hình trồng măng tây của người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho chủ vườn mỗi năm.

Trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Ông Lê Đức Trịnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả Hồng Thái cho biết, được trồng với diện tích 3ha, trong đó có 1,2ha trồng trong nhà kính, năng suất cây măng tây hiện đạt 3 kg/sào/ngày. Hiện giá bán măng tây xanh là 90.000 đồng/kg và măng tây trắng 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5 đến 4%/năm trở lên, Hà Nội chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tỷ trọng giá trị sản phẩm lĩnh vực này đạt 25 - 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Những chính sách và biện pháp hiệu quả của chính quyền và người dân Thủ đô

Để hấp thụ được những công nghệ tiên tiến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phải chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt và đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp thâm dụng nguồn lực sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách thức người nông dân học hỏi và tiếp cận các thông tin về kỹ thuật, công nghệ và thị trường, thương mại. Muốn đưa người nông dân sản xuất manh mún tự cung tự cấp vào sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ thì Nhà nước phải có chính sách đào tạo cũng như định hướng các cơ hội và rủi ro tiềm ẩn nếu không thay đổi tư duy và thực hiện chuyển đổi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại hội thảo ''Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS''.

Đồng thời, doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân để sản xuất lớn phải tạo được việc làm cho người lao động và cảm giác an toàn cho người nông dân bởi nó liên quan trực tiếp tới đời sống và sản xuất của người nông dân. Doanh nghiệp phải là nơi trực tiếp hỗ trợ đào tạo cho lao động, ngoài trang bị máy móc, vật tư nông nghiệp cần có sự hướng dẫn chi tiết về quy trình, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch nông sản đảm bảo chất lượng. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật canh tác, cùng với ngành nông nghiệp tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, phải tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thực thi các chính sách ưu đãi cho nhập khẩu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới. Đồng thời, tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng để nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ trong nước, trình độ thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế. Hỗ trợ các nhà khoa học xác định được giá trị sáng chế, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán và góp vốn bằng giá trị sáng chế.

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất hoa công nghệ cao.

Với vấn đề tạo vốn cho doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần mở rộng các loại tài sản để các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thế chấp vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá để sát với giá thực tế đối với các tài sản hình thành trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các tài sản là sáng chế khoa học công nghệ đã được công nhận. Song song đó, phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. “Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh như rau, hoa, cây ăn quả... và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Rau an toàn tại ngoại thành Hà Nội.

Cùng với đó, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất về vốn, cơ sở hạ tầng...; Đồng thời, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Để nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư vào đúng trọng tâm, trọng điểm, theo Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Hội Doanh nhanh trẻ Việt Nam), cần xây dựng quy hoạch mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên cho những ngành, sản phẩm mũi nhọn của nông nghiệp từ khâu quy hoạch cho đến chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư, xúc tiến thương mại Việc rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, kế hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm đặt trong bài toán tổng thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, của vùng, của địa phương và phải bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh thái, ổn định đời sống, bảo vệ lợi ích của người nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cũng theo ý kiến của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, để có thể sản xuất hàng hóa phải tạo điều kiện cho tích tụ đất đai và hoàn thiện cơ chế hoạt động cho thị trường quyền sử dụng đất. Do đó, cần nghiên cứu, tổng kết các mô hình tích tụ và tập trung ruộng đất đã triển khai trong thực tiễn thời gian qua. Qua đó, đánh giá ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của mỗi mô hình làm căn cứ thực tiễn để đề xuất giải pháp tích tụ và tập trung ruộng đất hiệu quả, khả thi, vừa bảo vệ được quyền lợi của nông dân, vừa tạo được sự an tâm của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 460 doanh nghiệp đã dùng mã QRCode để kiểm tra mã truy xuất được quản lý với hơn 5.500 mã sản phẩm

Quy hoạch logistics đi sau và đi kèm quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm cắt giảm chi phí và rút ngắn thời gian vận chuyển, phân phối. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi số vốn đầu tư lớn và thời gian thu hồi vốn dài nên rất cần sự đảm bảo ổn định và bền vững của quy hoạch khi quyết định đầu tư, đồng thời khâu giám sát việc thực hiện đầu tư theo quy hoạch cần được quy định chặt chẽ, tránh hiện trạng chồng chéo, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp theo quy hoạch.

Cùng chung nhìn nhận, ông Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, phải có quy hoạch tổng thể tốt về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong quy hoạch cần gắn kết với yếu tố thị trường, xây dựng các kênh phân phối chứ không chỉ riêng về vốn. Theo ông Hùng, công nghệ cao không chỉ là công nghệ sản xuất mà bao gồm cả công nghệ tiếp cận thị trường, bán hàng, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Trong quy hoạch cần bảo đảm tính liên ngành, liên vùng khi hội nhập, cần xây dựng cơ chế liên kết giữa các ngành và các tỉnh trong quy hoạch sản xuất, điều phối nguồn lực, tài nguyên để sử dụng hiệu quả.

Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn, xây dựng các mô hình vườn ươm công nghệ cao cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp để nhân rộng tại các địa phương. Tập trung vào nhóm thanh niên trẻ, các trang trại, hộ kinh doanh cá thể tại địa phương nhằm khơi dậy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.