24/04/2024 lúc 14:15 (GMT+7)
Breaking News

Cần kiên quyết trong loại bỏ “GIấY PHÉP CON”

VNHN - Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật ngày 23/6/2016, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết loại bỏ 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Bởi có như vậy doanh nghiệp trong nước mới phát triển được và nước ta mới có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

VNHN - Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng văn bản pháp luật ngày 23/6/2016, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo kiên quyết loại bỏ 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp. Bởi có như vậy doanh nghiệp trong nước mới phát triển được và nước ta mới có thể thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.

Đây thực sự là một “cuộc chiến” không dễ dàng. Bởi theo Luật mới thì từ 01/7/2016, những giấy phép con không còn hiệu lực nữa, vậy nhưng không ít loại giấy phép con vẫn được cơ quan ban hành ra nó, hoặc là cố thuyết minh cho sự “cần thiết” phải để tồn tại, hoặc là cứ “lờ” đi… để sự tồn tại ấy tiếp tục đem lại lợi ích cho họ, đôi khi là lợi ích của cả cá nhân và tập thể, mặc cho doanh nghiệp ra sao thì ra.

Nỗi khổ… giấy phép con

Không phải đến bây giờ vấn đề này mới xuất hiện và gây rất nhiều phiền toái, là nỗi ám ảnh và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN). Nhưng, trong xu thế hội nhập hiện nay, thực tế đó càng trở nên bức bách, rất cần phải loại bỏ ngay. Đã có những thống kê cho thấy, có tới 7000 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang tồn tại, trong đó có tới hơn 3000 giấy phép con, có rất nhiều loại không đúng luật, đưa ra những ĐKKD mang tính áp đặt chủ quan, buộc DN phải xoay sở, “chạy chọt” nếu muốn hoạt động được bình thường. Lại có những giấy phép con mà sự làm khó cho DN chỉ là người bình thường cũng nhận ra (mà chẳng lẽ cơ quan quản lý không nhận ra?). Ví dụ, có một quy định rằng, đối với khí thải hay rác thải dạng cứng, yêu cầu doanh nghiệp, bất kể nhỏ hay lớn, phải có một công ty đủ khả năng ký hợp đồng để xử lý trực tiếp (mới được vận hành sản xuất kinh doanh)… Nhưng, trên thực tế không có bất cứ công ty nào chịu ký kết hợp đồng xử lý như vậy với các hộ kinh doanh nhỏ. Mà đã không ký được thì theo quy định từ giấy phép con, các hộ kinh doanh đó không được hoạt động SXKD. Và, thế là hàng nghìn hộ kinh doanh bị kẹt với loại giấp phép kiểu này. Đó là sự ách tắc, gây thiệt hại không nhỏ, và quan trọng nữa là gây mất lòng tin ở doanh nghiệp. Giấy phép con không chỉ làm mất thời gian của DN (mà thời gian cũng là tiền bạc, là cơ hội…), mà còn dẫn đến nguy cơ tham nhũng khi cán bộ cơ quan quản lý gây khó buộc DN phải “bôi trơn”… Như vậy, cán bộ thì hỏng, DN thì tăng chi phí một cách không đáng có và làm giảm hiệu quả kinh doanh, giảm lòng tin vào chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước.

Qua rà soát các ĐKKD đã ban hành cho thấy một số đặc điểm rõ nhất ở những giấy phép con là: ĐKKD mang tính áp đặt quy mô DN một cách không cần thiết; ĐKKD có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của người kinh doanh (chẳng hạn không nhất thiết quy định các DN vận tải ô tô  phải có phương án kinh doanh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt); ĐKKD có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp mệnh lệnh hành chính… Chính những ĐKKD như vậy đã làm tiêu tan nhiều DN nhỏ và vừa.

Đúng ra, thực hiện Luật Đầu tư, việc rà soát các ĐKKD phải được tiến hành theo hướng xóa bỏ toàn bộ các ĐKKD đã quy định tại các Thông tư, Quyết định của các Bộ, Ngành mà vẫn thường gọi là các giấy phép con. Tuy nhiên, trên thực tế, công việc này diễn ra rất chậm, thậm chí còn có tình trạng “lách luật” để bỏ giấy này, lại ban hành giấy khác với các ĐKKD tương tự. Có nơi còn bê nguyên Thông tư lên Nghị định để hợp thức hóa những giấy phép con trước đó. Có những giấy phép con được bãi bỏ, nhưng cũng không ít những quy định từ giấy phép đó lại được đưa vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn của ngành… Chẳng hạn, trong Tờ trình dự thảo kinh doanh mũ bảo hiểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, ngoài việc nâng cấp những nội dung từ Thông tư lên Nghị định, còn bổ sung thêm các ĐKKD khác như: DN phải có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất… mới được kinh doanh. Như vậy, DN chưa có Giấp phép hoạt động đã phải tổ chức hệ thống phân phối rồi, điều đó là ngược với thực tế… Nếu không có sự chỉ đạo và kiểm tra kiểm soát nghiêm túc, cách làm của một số Bộ Ngành có thể dẫn đến tình trạng nhiều ĐKKD chỉ là “bình mới rượu cũ” chứ không thay đổi về chất như yêu cầu đề ra.

Bộ, Ngành nào cũng tồn tại giấy phép con với những ĐKKD không phù hợp cho sự phát triển của DN. Cũng từ những giấy phép con mà có tới 11% trong tổng số hơn 110.000 DN được điều tra cho biết phải trả các chi phí không chính thức lên tới 10% tổng doanh thu; 65% DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan quản lý các cấp khi giải quyết thủ tục cho DN diễn ra rất phổ biến (Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI). Các DN đều khó chịu với việc đưa thêm những yêu cầu không hẳn đã cần thiết trong nhiều lĩnh vực, như: giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… (trừ một vài ngành nghề mang tính đặc thù). DN mong muốn các cơ quan quản lý phải cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, các quy định cấp phép phải rõ ràng, không phức tạp; hạn chế việc ban hành những văn bản buộc DN phải bổ sung giấy tờ... Cho đến nay, nói thì nhiều, nhưng làm theo điều đã nói, theo chủ trương cải cách hành chính thì vẫn còn ít. 

Trách nhiệm cụ thể, chỉ đạo quyết liệt

Công bằng mà nói, có hai mặt của vấn đề “Giấy phép con”. Mặt bất cập như đã nêu ở trên, nhưng còn một mặt khác nữa (tuy không nhiều) khi một số cơ quan quản lý lo rằng nếu không “quản lý chặt”, lỡ có điều gì xảy ra thì mình sẽ phải chịu trách nhiệm… Tuy nhiên, điều đó lại chứng tỏ năng lực yếu của cơ quan quản lý theo kiểu “không quản được thì cấm”.  Vì vậy, dù thế nào thì vẫn rất cần loại bỏ càng nhanh càng tốt những giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bình thường của DN. 

Đáng tiếc là thời gian qua, công việc này chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Chính vì vậy mà mới đây, trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ (8/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại một lẫn nữa nêu vấn đề này và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý, giải quyết giấy phép con, giấy phép cháu. Theo Thủ tướng, mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhưng “giấy phép con”, “giấy phép cháu” vẫn còn nhiều. Thủ tướng còn nêu ý kiến của doanh nghiệp nói rằng: “Nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà…”. Thực tế đó là không thể chấp nhận được.

Để thực hiện được mục tiêu loại bỏ giấy phép con, điều quan trọng đầu tiên là các Bộ, Ngành phải thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, đặt lợi ích chung của sự phát triển kinh tế đất nước lên đầu. Theo đó, các bộ, ngành phải khẩn trương rà soát lại các ĐKKD trong số hàng nghìn ĐKKD buộc phải cắt giảm. Từ đó, phân ra cụ thể các ĐKKD này thuộc bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm rà soát để loại bỏ. Chính phủ phải quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành để không thể thoái thác trong thực hiện nhiệm vụ cấp thiết này. Mặt khác, để đảm bảo tính khách quan, sự hoàn thiện, rất cần có sự tham gia của các tổ chức liên quan khác (như phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chẳng hạn). Ngay về tiêu chí và căn cứ để rà soát các ĐKKD, cũng phải đảm bảo tính hợp lý, tính khả thi, sự thống nhất trước sau và phải công khai, minh bạch. Nên có cơ chế để các cơ quan quản lý phải lắng nghe những ý kiến góp ý, phản hồi từ thực tế hoạt động của các DN, từ đó xem xét và có sự điều chỉnh các quy định cho sát thực.