25/04/2024 lúc 12:27 (GMT+7)
Breaking News

Cần đổi mới cách thức tập huấn cho cán bộ làm công tác văn bản

VNHNO - Đây là một trong những nội dung được Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội lưu ý Sở Tư pháp TP tại buổi giám sát việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018.

VNHNO - Đây là một trong những nội dung được Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội lưu ý Sở Tư pháp TP tại buổi giám sát việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2015-2018.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng, tạo môi trường, hành làng pháp lý đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong khi đó hiện nay, việc phân cấp, phân quyền cho cán bộ cơ sở ngày càng nhiều. Nếu cán bộ tham mưu ban hành văn bản không đúng thì sẽ rất nguy hiểm.

“Qua giám sát việc thực hiện pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của đoàn đại biểu Quốc hội TP tại một số quận, huyện trên địa bàn TP cho thấy, vẫn còn có những sai sót như nhầm lẫn về thể thức văn bản. Tại các buổi giám sát, nhiều đơn vị cũng kiến nghị tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu thông tin.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với Sở Tư pháp về công tác văn bản

“Việc tập huấn nếu tổ chức theo phương thức truyền thống, cán bộ đi tập huấn ào ào một hai ngày rồi về sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, có thể tổ chức tập huấn chuyên sâu theo các chuyên đề. Sau khi tập huấn thì tổ chức thực hành theo nhóm. Mỗi lần tập huấn có thể chia ra thành nhiều đợt. Đợt đầu sau khi tập huấn, thực hành theo nhóm, báo cáo viên có thể giao thêm các bài tập. Đến đợt tập huấn tiếp theo, học viên báo cáo về việc thực hiện bài tập được giao…”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn giám sát, Sở Tư pháp cho biết hàng năm, TP Hà Nội đều tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp cơ sở, trong đó cũng đã chú trọng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác văn bản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có nhiều khó khăn. Trong đó có khó khăn do đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản còn thiếu và chưa có sự ổn định. Những cán bộ tư pháp có năng lực, trình độ thường được phân công đảm nhiệm những vị trí cao hơn hoặc luân chuyển sang vị trí công tác khác. Tới đây, TP sẽ tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng, trong đó chú trọng việc tổ chức đào tạo theo kỹ năng, theo chuyên đề, thực hành.

Trước đó, báo cáo với đoàn giám sát, Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho biết: Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TP trong thời gian qua đã thu được những kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng đi vào nền nếp.

Từ năm 2015 đến hết tháng 7/2018, HĐND, UBND TP đã ban hành 53 Nghị quyết và 163 Quyết định. Các quận, huyện thị xã, HĐND, UBND cấp huyện ban hành 813 văn bản, trong đó có 276 Nghị quyết, 537 Quyết định. HĐND, UBND cấp xã ban hành 3.390 văn bản, trong đó có 2.803 Nghị quyết; 587 Quyết định.

Sở Tư pháp đã tích cực tham gia góp ý, thẩm định theo đề nghị của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Để công tác thẩm định văn bản đạt hiệu quả cao, Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo trong hoàn thiện hồ sơ thẩm định, làm rõ những nội dung của dự thảo văn bản còn có ý kiến khác nhau. Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp gửi các Sở, ngành đã thể hiện rõ ý kiến của Sở về việc dự thảo văn bản đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện để trình UBND TP. Các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá cao, tiếp thu, giải trình trước khi trình UBND TP.

Trong giai đoạn 2015-2018, Sở Tư pháp cũng đã giúp UBND TP thực hiện tự kiểm tra đối với 163 quyết định do UBND TP ban hành và giúp UBND TP thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền đối với 258 văn bản do HĐND và UBND quận, huyện, thị xã ban hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Tư pháp cũng cho biết công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của TP còn có những mặt tồn tại, hạn chế. Trong đó có những vướng mắc phát sinh từ quy định của Luật. Trên cơ sở đó, tại buổi làm việc, Sở đã có những đề xuất, kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa.

Đánh giá cao kết quả cũng như những đề xuất, kiến nghị của Sở Tư pháp tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, đây sẽ là những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc sửa đổi Luật bàn hành văn bản quy phạm pháp luật tới đây. Thay mặt đoàn giám sát, đại biểu Bùi Huyền Mai cũng đề nghị Hà Nội quan tâm bảo đảm triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn TP./.

Theo Phapluatxahoi.vn