29/03/2024 lúc 14:22 (GMT+7)
Breaking News

Cần cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất

VNHN-Cải cách và đổi mới thể chế được nhắc tới nhiều. Song cải cách đã thực chất, đủ liều, lượng, đủ những nỗ lực để tạo đột phá giúp Việt Nam thay đổi toàn diện hay chưa là câu chuyện cần xem xét.

VNHN-Cải cách và đổi mới thể chế được nhắc tới nhiều. Song cải cách đã thực chất, đủ liều, lượng, đủ những nỗ lực để tạo đột phá giúp Việt Nam thay đổi toàn diện hay chưa là câu chuyện cần xem xét.

Bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã đưa ra nhận định về tiến trình cải cách và đổi mới thể chế. Qua đó, nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

PV: Sau rất nhiều phán đoán, Apple - thương hiệu công nghệ hàng đầu của Mỹ đã rời khỏi Trung Quốc và quyết định đầu tư nhà máy sản xuất tại Ấn Độ, thay vì Việt Nam. Qua đó, chúng ta có thêm 1 cơ sở để tự "soi" lại mình. Đại biểu suy nghĩ thế nào về điều này?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền: Để "vuột" mất một cơ hội lớn như Apple là điều đáng để tiếc nuối và đáng phải suy ngẫm về những gì Việt Nam đang nỗ lực trong rất nhiều năm qua.

Cải cách và đổi mới thể chế là chủ trương được nhắc tới nhiều và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Song vấn đề là đã cải cách thực chất hay chưa? đã đủ liều và lượng; đủ những nỗ lực để tạo đột phá, tạo nên những cú hích giúp Việt Nam thay đổi toàn diện hay chưa lại là chuyện khác.

Rõ ràng, tự mình còn thấy chưa đạt yêu cầu thì không dễ để được chấp nhận. Như thành ngữ có câu: "Được mắt ta mới ra mắt người". Vì thế, thực sự cần phải quyết liệt hơn, cần phải nỗ lực nhiều hơn hiện nay và nhất là phải thực chất thì mới có cơ hội để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận tiện và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Là 1 trong 9 đột phá chiến lược để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng như Nghị quyết 01 của Chính phủ đề ra, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh đã được triển khai qua nhiều năm. Đại biểu đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được và đâu là những bất cập còn tồn tại?

Nhìn vào những chỉ tiêu kinh tế trong năm qua và quý I/2019 theo báo cáo của các cơ quan chức năng tại Quốc hội Khóa XIV kỳ này, cho thấy, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực sự vào cuộc quyết liệt nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Nơi mà ở đó, doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò trung tâm và đang, sẽ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Không thể phủ nhận những chuyển biến do cải cách thể chế mang lại. Theo đó, các chính sách pháp luật còn khuyết thiếu, còn khe hở, còn không phù hợp với thực tiễn đã và đang dần được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện và đạt được nhiều tiến bộ trong một số lĩnh vực như: cắt giảm các thủ tục hành chính liên quan đến nộp thuế, đăng ký kinh doanh, đầu tư và kiểm tra chuyên ngành...

Chính phủ điện tử cũng đang được triển khai tích cực. Mô hình một cửa liên thông hiện đại được áp dụng tại nhiều địa phương, nhiều cơ quan hành chính đang phát huy hiệu quả và được cộng đồng xã hội, các tầng lớp doanh nghiệp rất ghi nhận và đánh giá cao.

Trong mắt bạn bè quốc tế cũng như các tổ chức, định chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh cũng liên tục được cải thiện. Tương tự, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của 63 tỉnh, thành phố trong nước cũng đã phản ánh những cảm nhận ngày càng lạc quan hơn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thành quả này vẫn còn rất khiêm tốn so với những gì chúng ta kỳ vọng, so với mong đợi của người dân hay với những chuẩn mực hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Vẫn còn những câu chuyện “cười ra nước mắt” và  “chỉ có ở Việt Nam” như 1 thỏi socola “cõng” 13 giấy phép, hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà”…

Thực tiễn cho thấy, một số bộ, ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc và chưa bài bản, còn mang tính đối phó.

Đáng lưu ý là, hàng năm, Nghị quyết 01 và Nghị quyết 19 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu và chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.

Qua báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về tình trạng bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều lần và có nội dung trùng lặp. Tỷ lệ bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn chiếm gần 40%.

Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành. Các cơ quan chức năng vẫn đi riêng, kiểm tra riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian...

Nói chung, tôi cho rằng, vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm và phải làm sớm, làm ngay để cải thiện môi trường kinh doanh vì năm 2019 là năm bản lề, năm quyết định thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, bứt phá....

Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là không khả thi với tình hình triển khai và trong các điều kiện hiện nay. Đại biểu có đồng tình không và theo đại biểu đâu là nguyên nhân khó thực hiện mục tiêu này?

Đây cũng là một vấn đề cần suy nghĩ, vì nếu không cấp tập làm ngay, không áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn để cải cách nền kinh tế từ sâu bên trong, tôi cũng e rằng khó thực hiện. Cho dù, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế, nhưng trong số đó lại có hơn 5 triệu là các hộ kinh doanh cá thể và để “thúc” những đối tượng này trở thành doanh nghiệp là điều không dễ dàng, không thể 1 sớm 1 chiều.

Bởi thực tế, trong thời gian qua, việc số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp đạt tỷ lệ rất thấp, do chưa có những chính sách đủ sức thu hút; đủ thuận lợi để họ thấy rõ lợi ích của việc chuyển đổi.

Hiện nay việc tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực vốn, đất đai, công nghệ, phương thức quản trị... Đại biểu nhìn nhận vấn đề này ra sao và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?

Điều này cũng khó tránh! Qua phản ánh của đông đảo cử tri và doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, thực trạng tiếp cận nguồn lực như tài chính, đất đai, công nghệ...của các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa hiện rất khó khăn. Tôi cho rằng, các cấp, ngành cần tập trung hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục tình trạng này.

Thêm nữa, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có năng lực, có trách nhiệm và kỹ năng tốt để phục vụ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đi đôi với việc kiểm tra, rà soát và xếp hạng ngay chính các cán bộ công chức trong đơn vị mình về tinh thần và thái độ phục vụ doanh nghiệp.

Tôi tin, giải pháp là điều chúng ta không thiếu, nhưng quyết tâm và nỗ lực thực hiện tới đâu để giải quyết vấn đề mới là điều đáng bàn.

Tôi kỳ vọng rằng, sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi; thay đổi tích cực hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!