28/03/2024 lúc 15:58 (GMT+7)
Breaking News

Cảm ơn “Thiên thần áo trắng” và niềm tin mãnh liệt !

VNHN - Ngày 11-7, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm khi nam phi công người Scotland (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) của Vietnam Airlines (BN 91) chính thức rời Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, lên đường về nước; thì cũng những ngày cuối tháng 07, cả nước lại phải tiếp tục dồn mọi tâm lực, trí lực và vật lực để “chiến đấu” với  dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Chính những giờ phút cam go này, hình ảnh các “chiến sĩ” tuyến đầu chống dịch, là các y bác sĩ, y công, điều dưỡng… càng trở n

VNHN - Ngày 11-7, chưa kịp thở phào nhẹ nhõm khi nam phi công người Scotland (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) của Vietnam Airlines (BN 91) chính thức rời Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, lên đường về nước; thì cũng những ngày cuối tháng 07, cả nước lại phải tiếp tục dồn mọi tâm lực, trí lực và vật lực để “chiến đấu” với  dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát. Chính những giờ phút cam go này, hình ảnh các “chiến sĩ” tuyến đầu chống dịch, là các y bác sĩ, y công, điều dưỡng… càng trở nên bất khuất, là tượng đài của những “thiên thần áo trắng” với trái tim ấm nồng và nhiệt huyết.

Những ngày này, trong khi hàng ngàn người vội vã rời khỏi vùng dịch Đà Nẵng thì những “thiên thần áo trắng” lại đang “lội ngược dòng” đến tâm dịch Đà Nẵng để hỗ trợ, tiếp sức cho các đồng nghiệp, cứu chữa cho đồng bào mình. Hiếm hoi lắm hình ảnh của những “thiên thần” ấy mới được chụp vội lại từ chính đồng nghiệp của họ, và vô tình được truyền tay nhau đến đồng bào cả nước. Đó là những tấm hình mang “phong cách mùa dịch”, những bức ảnh chân thật nhất về cuộc chiến cam go mà những “hậu phương” như chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng con tim mình. Là những tấm hình chợp mắt vội vàng trong những tấm bìa carton, hay ngủ dưới đất, đắp giấy báo, mặt đầy những vết hằn của bộ đồ bảo hộ… hay là những bước chân vội vã, âm thầm ngược về phía hiểm nguy trong những bộ đồ bảo hộ kín mít. Cũng chính hình ảnh mà cách đây hơn 3 tháng, cả nước phải xót xa. Đến hôm nay, hình ảnh ấy lại một lần nữa trở lại, nhưng với cuộc chiến chống dịch cam go và khốc liệt hơn.

Xúc động hình ảnh nữ điều dưỡng nằm ngủ co ro trong thùng carton tại cuộc chiến chống dịch Covid-19 (Đà Nẵng).

.

Khoảnh khắc các bác sĩ tự cắt tóc cho nhau khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Với những “thiên thần áo trắng”, một ngày với họ không còn là 24 giờ, không tính bằng công việc kết thúc “theo ca”, bữa ăn không tính bằng những bữa cơm gia đình đầy đủ… - mà chính là công việc gấp đôi, nhiều khi gấp ba thường ngày; là những phần ăn chỉ bằng một hộp sữa nhỏ lót lòng… Dĩ nhiên, giấc ngủ càng trở nên hiếm hoi và quý giá. là những lần chợp mắt nhanh chóng, vạ vật nơi nào đó. Khó khăn là thế, nguy hiểm là thế, nhưng vẫn có những cán bộ y tế sẵn sàng xung phong “lao” vào vùng dịch.

Thấu hiểu nỗi vất vả và công lao của y bác sĩ.

Vậy điều gì đã khiến họ không màng đến tính mạng bản thân vì sự nghiệp cứu người? Đó chính là đạo đức ngành y!

Ở thời buổi mà xã hội dần mất niềm tin vào giá trị câu “lương y như từ mẫu” của ngành y tế, thì chính những tượng đài điển hình đó là minh chứng sáng giá nhất để ta một lần nữa thêm tin và trân trọng những con người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng quyết gắn cuộc đời mình và đồng hành với việc chiến đấu với bệnh tật, giành giật với tử thần từng mạng sống, đồng cảm, chia sẻ, thương xót từng kiếp khổ đau vì bệnh tật.

Họ cũng có gia đình, có con nhỏ, có cha mẹ già ốm đau đang cần được chăm sóc... nhưng, họ vẫn mạnh mẽ đặt những điều quý giá đó sang một bên vì trách nhiệm, đạo đức. Thử hỏi nếu những “thiên thần” ấy buông xuôi, nếu họ nhục chí, nếu họ từ bỏ, nếu họ không chứa đầy tình thương giữa người với người, nếu họ không có tình yêu dành cho ngành… thì “cuộc chiến” này sẽ ra sao? Và khi nào “cuộc chiến” này mới đến hồi kết?

Những nhân viên khu cách ly, y bác sĩ trải vội tấm chiếu ngủ giữa nền đất lạnh.

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 không hề đơn giản, nó còn cam go, khốc liệt hơn cuộc chiến virus SARS-2003. Chúng ta đã chuẩn bị rất đầy đủ mọi phương diện để “vào trận”. Đặc biệt chúng ta đang có trong tay những chiến binh quả cảm ngày đêm bám trụ giữa vòng vây hiểm nguy và nhiều mối họa. Họ chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Vì thế chẳng hà cớ gì mà dân tộc Việt Nam tiếc lời cảm ơn đến những “chiến sĩ” đang mang trên mình màu áo của sự thanh cao và tinh khiết.

Ngay lúc này đây, dân tộc Việt Nam tin tưởng, bằng sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch – đặc biệt là các cán bộ y tế thì công cuộc đẩy lùi dịch Covid-19 sẽ nhanh đến hồi kết. Chính thành công trong “cuộc chiến” này sẽ tiếp tục đưa nước Việt Nam với những người dân mang dòng máu “Con Rồng Cháu Tiên” vươn xa khắp thế giới, khắp năm Châu./.