25/04/2024 lúc 19:23 (GMT+7)
Breaking News

Cải thiện môi trường kinh doanh: Chờ những đột phá chiến lược

VNHN-Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi hơn, nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết đã được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hơn cho DN phát triển...

VNHN-Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi hơn, nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết đã được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hơn cho DN phát triển...

Đặc biệt việc thực hiện Chính phủ điện tử giúp các DN tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí, phương tiện vận chuyển. Minh chứng cho nhận định này là số lượng các DN ngày càng có sự tăng trưởng mạnh.

Ảnh minh họa - Internet

Theo Tổng cục Thống kê, 3 năm liên tiếp gần đây, Việt Nam đạt kỷ lục về tăng trưởng DN. Năm 2018, cả nước có 131,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 15.979 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 247,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có 10.191 DN  quay trở lại hoạt động, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên gần 26,2 nghìn DN.

Theo Hiệp hội DNNVV, thời gian qua Chính phủ đã có những nỗ lực quan trọng cải cách môi trường kinh doanh, trong đó thực hiện nhiều giải pháp như thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP (NQ 19) của Chính phủ về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ 35) về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Sau 5 năm triển khai các Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta đã có nhiều cải thiện tích cực, được các tổ chức quốc tế ghi nhận; được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào những nỗ lực cải cách của Chính phủ. Các bộ chỉ số đặt mục tiêu đều tăng điểm hoặc tăng hạng, trong đó, môi trường kinh doanh của nước ta được đánh giá cải thiện tích cực.

Đầu năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nội dung quan trọng của Nghị quyết 02 chính là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng DN mới thành lập; Giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; Giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân; Góp phần thực hiện nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam thuộc nhóm ASEAN 4.

Tuy nhiên, trên thực tế, phản ánh của các DN cho thấy, việc thực thi chính sách vẫn còn nhiều khó khăn và bị cản trở. Một số rào cản mà DN thường gặp phải như “phí bôi trơn”, thanh tra kiểm tra quá nhiều… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và sức cạnh tranh của DN. Bởi vậy trong năm 2019 các DN mong muốn các nhà quản lý tiếp tục tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV khẳng định, để cộng đồng DN phát triển cần tiếp tục có những chính sách, giải pháp quyết liệt về cải thiện môi trường kinh doanh. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Bên cạnh đó, những cải cách phải gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động phục vụ DN, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực.

Nghị quyết 02 cũng xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; Đề cao trách nhiệm của các bộ trưởng, tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, điểm mới của Nghị quyết 02 là đã giao Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội DN, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết. Đây là thay đổi rất quan trọng, cho thấy Chính phủ ngày càng đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của tổ chức hội.

Theo Hiệp hội DNNVV, để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thì chúng ta phải đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử. Qua đó, minh bạch thông tin, cắt giảm chi phí, tránh gây phiền hà cho DN, người dân khi tham gia thực hiện các thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, trong năm 2019 cộng đồng DN mong chờ những đột phá từ chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh để nhanh chóng hội nhập và phát triển.