29/03/2024 lúc 05:01 (GMT+7)
Breaking News

Cách mạng Công nghiệp 4.0: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam

VNHN - Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn quan trọng về phát triển kinh tế -xã hội, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, hiện nay nước ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung của thế giới, tham gia và chịu tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, điều này tạo ra những cơ hội, thời cơ và khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển trong quá trình đổi mới cũng tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp cậ

VNHN - Qua 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn quan trọng về phát triển kinh tế -xã hội, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, hiện nay nước ta cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung của thế giới, tham gia và chịu tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, điều này tạo ra những  cơ hội, thời cơ và khó khăn, thách thức đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển  trong quá trình đổi mới cũng tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp cận, triển khai cuộc cách mạng công nghiệp này.

Hơn nữa, do đặc điểm của Cách mạng công nghiệp 4.0 là không phụ thuộc chủ yếu vào máy móc, thiết bị mà tùy thuộc nhiều vào khả năng và trí tuệ của con người, năng lực sáng tạo nên Việt Nam có thể tận dụng ưu thế của nước đi sau, với dân số vàng (số lao động tuổi trẻ chiếm chủ yếu), số người sử dụng điện thoại thông minh, internet chiếm tỷ lệ cao của khu vực, mặt khác Nhà nước, Chính phủ Việt Nam quan tâm, triển khai các nội dung để nắm bắt và ứng dụng các thành tựu, và hạn chế thách thức khó khăn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

- Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng như: trong khi thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì Việt Nam vẫn chủ yếu ở giai đoạn 2 tức thực hiện dây chuyền gia công, lắp ráp. Theo thống kê 97% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh, trình độ khoa học công nghệ, nhất là chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế. 

Ảnh minh họa

Theo thống kê đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó có 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% là sử dụng thiết bị tương đối hiện đại. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học- công nghệ của doanh nghiệp bình quân còn quá thấp, mới chiếm 0,3%  tổng doanh thu.

- Phần lớn lao động Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, năng lực lý thuyết và tay nghề còn hạn chế nhất là kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ tiếng Anh để giao tiếp làm việc. Đây là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nguồn nhân lực chưa được chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt nền tảng công nghệ cao còn hạn chế, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Do vậy về lâu dài Nhà nước cần xây dựng chiến lược và chính sách công nghiệp phù hợp để nắm bắt kịp xu thế toàn cầu, không để "lỡ tàu" một lần nữa.

- Bên cạnh thành tựu và cơ hội đem lại, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có gần 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP, trong khi ở các quốc gia phát triển như Hà Lan, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 2-4% dân số, nhưng đóng góp tới 40% GDP. 

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về "Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào" đã chỉ ra xu hướng chung gần đây là GDP nông nghiệp Việt Nam đang giảm, tốc độ tăng năng suất lao động chậm lại, trong khi khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang mở rộng. Báo cáo khẳng định để thay đổi được điều này, ngành nông nghiệp Việt Nam cần có cách làm khác, trên cơ sở đổi mới tư duy và cách tiếp cận, cần tập trung chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Khi ứng dụng công nghệ số, thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, văn hóa kinh doanh, mô hình tổ chức … điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải xử lý, thích ứng sự thay đổi này. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi cơ cấu lao động, làm cho sự chuyển dịch lao động diễn ra nhanh hơn, quy mô lớn hơn.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có hai ngành mà Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh nhất đó là dệt may và điện tử, điện máy, bởi lẽ những ngành này chịu tác động của quá trình tự động hóa rất lớn. Dự báo sẽ có khoảng 86% lao động ngành dệt may và 75% lao động ngành điện tử sẽ chịu sự tác động. Một số ngành khác cũng sẽ bị ảnh tác động của cuộc cách mạng này là chăm sóc sức khỏe, y tế giáo dục, bán lẻ, giao thông vận tải. 

 - Theo dự báo những rủi ro về công nghệ sẽ ra tăng với những vấn đề và an ninh mạng, thanh toán dữ liệu … mức độ cạnh tranh sẽ tinh vi và khốc liệt hơn trước rất nhiều, trong đó các công ty công nghệ tài chính Fintech sẽ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại. 

- Bên cạnh đó trước xu hướng phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang là vấn đề trung tâm, thách thức to lớn đối với Việt Nam hiện nay. Yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề lớn nhất trong cuộc cách mạng 4.0 do những thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực trong thị trường kỹ thuật số, theo dự báo trong những năm tới Việt Nam sẽ thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và công nghệ cao nói riêng, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 78 nghìn nhân lực mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500 nghìn nhân lực chiếm 78% tổng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin. 

Theo đánh giá của các chuyên gia về lao động về tay nghề, thể lực lao động của người Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi tác phong kỷ luật công nghiệp chưa cao, đồng thời năng suất lao động của Việt Nam cũng thua xa các nước trong khu vực như: Thái Lan, Malaisia, Indonesia… do vậy sắp tới trong điều kiện tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ sẽ bị giảm sút nhất là trong ngành dệt may, da giầy, những ngành lao động mang tính gia công làm thuê, thực tế yêu cầu lao động Việt Nam và phải được đào tạo, có trình độ chuyên môn cao hơn, phải làm chủ được người máy, công nghệ thông tin, có trình độ tiếng Anh giao tiếp tốt.

Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công nghệ thông tin và tiếng Anh là hai yếu tố nền tảng giúp thế hệ trẻ chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và cách mạng số nói riêng. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ do đó để có thể tiếp cận xu thế của cuộc cách mạng này, một trong những yêu cầu quan trọng là áp dụng khoa học công nghệ, nhất là số hóa công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước, trong quá trình xây dựng nhà nước liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động vì doanh nghiệp và người dân. Điều này đòi hỏi sự có sự thống nhất và nhận thức và vào cuộc đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như đến mỗi cán bộ công chức và người dân. 

Chuyển tư duy nhận thức từ cơ chế nền hành chính "mệnh lệnh" "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ, coi người dân và doanh nghiệp thực sự là "đối tác, khách hàng" trong cung cấp dịch vụ công. Điều đó đòi hòi phải nhanh chóng xây dựng Luật Hành chính công mới tạo hành lang pháp lý góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử đồng thời nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân. Bên cạnh đó cần chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên các phương diện như: Tăng cường đầu tư, hoàn thiện văn bản pháp quy để hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, Luật Hành chính công./.