29/03/2024 lúc 22:57 (GMT+7)
Breaking News

Các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh

VNHN - Nhiều kiến nghị để hoàn thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được đại diện các doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

VNHN - Nhiều kiến nghị để hoàn thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được đại diện các doanh nghiệp đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa

Doanh nghiệp kiến nghị ổn định chính sách thuế

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 tổ chức cuối tuần qua, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, một trong những mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp hiện nay là chờ đợi các chính sách thuế được cải thiện theo hướng đảm bảo ổn định, công bằng, phù hợp với thông lê và tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư.

Vấn đề mà các doanh nghiệp thành viên Amcham quan ngại nhất hiện nay là sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, khiến doanh nghiệp rất bị động và khó khăn.

“Chúng tôi kêu gọi sự công nhận các quy định của OECD về chuyển giá, cũng như cho phép thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết để hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh. Chúng tôi cũng trông đợi sự cải thiện một cách hiệu quả việc giảm các gánh nặng về tuân thủ, bổ sung việc tuân thủ thời hạn 15 ngày cho các cuộc thanh tra đơn giản.

Chúng tôi đề nghị cải cách các vấn đề này và các chính sách khác ở cấp độ quốc gia để củng cố lòng tin của nhà đầu tư và kích thích thương mại và đầu tư”, bà Amanda Rasmussen nói.

Theo báo cáo từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong lĩnh vực thuế, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, nhưng khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế.

Tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%. Tuy nhiên, kết quả khảo sát gần đây cho thấy, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, có 33% doanh nghiệp cho rằng, cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Ðáng chú ý, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay, kết quả khảo sát cho thấy có một thực tế đáng ngại là số lượng doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được sự thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách liên tục trong xu thế giảm trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Ðặc biệt, những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như sự thay đổi liên tục và mức thuế suất cao, điển hình là thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến các doanh nghiệp lo ngại, bởi không chỉ tác động tới các doanh nghiệp là đối tượng của loại thuế này, mà còn đối với rất nhiều ngành công nghiệp có liên quan, cũng như toàn nền kinh tế.

Ðại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Lộc đề xuất, các biện pháp cải cách cần tập trung vào việc đơn giản hoá quy định về thủ tục mua hoá đơn, tự in hoá đơn hoặc sử dụng hoá đơn điện tử; cải thiện việc thực hiện thủ tục hoàn thuế, xin miễn giảm thuế và xin xác nhận nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, các quy định chính sách thuế cần rõ ràng để tránh xung đột giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp khi xác định nghĩa vụ thuế.

Ngoài ra, ngành thuế nên đẩy nhanh việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, nhất là với các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Liên quan đến thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) băn khoăn về vấn đề đánh thuế hồi tố.

“Ðiều chúng tôi lo lắng là nếu cứ duy trì cách giải thích như hiện tại về việc chỉ công nhận miễn thuế cho những phần tự sản xuất thì chắc chắn sẽ dẫn đến việc đánh thuế hồi tố.

Chúng tôi cho rằng, thay vì phân định đúng hay sai trong vấn đề giải thích các quy định pháp luật, chính sách thuế nên tập trung thúc đẩy và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành công nghiệp phụ trợ - cội rễ công nghiệp của đất nước, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao thu nhập của người dân - điều quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế và phát triển quốc gia”, đại diện Kocham nêu vấn đề.

Nêu thực trạng vướng mắc, khó khăn trong một số trường hợp của doanh nghiệp thành viên liên quan đến việc không được miễn thuế đối với các nguyên liệu được gia công bên ngoài của các sản phẩm xuất khẩu, đại diện Kocham cho biết, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và mong được các cơ quan quản lý nhanh chóng hỗ trợ tháo gỡ, đồng thời cân nhắc cho phép miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu sử dụng để gia công sản phẩm xuất khẩu cuối cùng.

Ðại diện Kocham cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cân nhắc những khó khăn của các doanh nghiệp này, không đánh thuế hồi tố do việc giải thích quy định không rõ ràng và sửa đổi các quy định liên quan một cách hợp lý để đảm bảo phù hợp với thực tế.

Các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh

Ghi nhận các ý kiến và đề xuất của các doanh nghiệp tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, đây là những ý kiến, kiến nghị xác đáng đối với các cơ quan chính phủ.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp, song cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất và đồng bộ để đạt được các mục tiêu chiến lược. Các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới.

“Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ðể chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó tháo gỡ các vướng mắc, bất cập còn tồn tại để thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư đầu tư sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, là động lực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Phó Thủ tướng đánh giá, Diễn đàn có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm từ các hiệp hội doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp thu, tham gia hoàn chỉnh quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, thuận lợi hoá thương mại đầu tư, từ đó tạo ra môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Ðại diện lãnh đạo Chính phủ cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế;

Có các nhóm giải pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, coi môi trường kinh doanh thuận lợi là yếu tố thu hút nguồn lực; minh bạch, ổn định, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường;

Tháo gỡ các điểm nghẽn để đảm bảo các nguồn lực tự nhiên được vận hành thông suốt, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng phát triển lớn mạnh và đóng góp cho sự phát của Việt Nam.