25/04/2024 lúc 17:03 (GMT+7)
Breaking News

Cà Mau: "Xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên - không có điểm kết thúc"

VNHN - Mười năm là chặng đường mà Chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện Chương trình "Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới" (MTQGXDNTM). Nhìn lại thành quả 10 năm cũng là lúc người “tổng chỉ huy” soi rọi lại thời gian đã qua để tiến về phía trước ...

VNHN - Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình "Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới" trong buổi trao đổi thông tin với PV nhân sự kiện Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình ...

Mười năm là chặng đường mà Chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện Chương trình "Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới" (MTQGXDNTM). Nhìn lại thành quả 10 năm cũng là lúc người “tổng chỉ huy” soi rọi lại thời gian đã qua để tiến về phía trước.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM tỉnh Cà Mau.

PV: Thưa Chủ tịch tỉnh, Cà Mau là 01 trong 04 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long, với vị trí đặc thù có 03 mặt giáp biển, chiều dài bờ biển 254 km, chiếm 8% chiều dài bờ biển cả nước và nhiều lợi thế cũng như hạn chế nhất định. Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, đến nay tỉnh đang “đứng” ở tầm mức nào so với các tỉnh trong vùng và cả nước?

Ông Nguyễn Tiến Hải: Tỉnh Cà Mau khi bắt đầu thực hiện Chương trình MTQGXDNTM với xuất phát điểm thấp, bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 3,5 tiêu chí/xã (so với cả nước: 4,7 tiêu chí), trong đó có nhiều xã không đạt tiêu chí nào; có 38/82 xã thuộc vùng khó khăn (theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn); cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch còn chậm; chất lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa cao, năng lực cạnh tranh thấp; biến đổi khí hậu gây ra nhiều hiện tượng thiên tai, xâm nhập mặn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhiều nơi còn hạn chế, nhất là về giao thông, thủy lợi; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn cao; an ninh trật tự nông thôn nhiều nơi diễn biến phức tạp; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu; môi trường nông thôn nhiều nơi bị ô nhiễm; trật tự xây dựng nông thôn còn nhiều bất cập;…

Qua 10 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNTM trên địa bàn tỉnh, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, từng bước được hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hoá,… các mô hình phát triển sản xuất từng bước có liên kết theo chuỗi giá trị; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không ngừng được củng cố; cảnh quan, môi trường dần được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân dần được nâng lên;…

Đến nay, toàn tỉnh có 30/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình đạt 13,65 tiêu chí/xã (tăng gần gấp 04 lần so với thời điểm xuất phát năm 2010) và không có xã đạt dưới 07 tiêu chí; 38 xã khó khăn tại thời điểm khởi đầu xây dựng nông thôn mới, đến nay đã giảm 50% số xã, trong đó có 02 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên, so với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và so với cả nước, Cà Mau đạt thấp hơn; cụ thể như: Số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh 36,6%, thấp hơn 7,18% so với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (43,78%) và thấp hơn 15,8% so với cả nước (52,4%). Số tiêu chí bình quân/xã thấp hơn 1,78 tiêu chí/xã so với khu vực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (15,43 tiêu chí/xã), thấp hơn 1,67 tiêu chí/xã so với cả nước (15,32 tiêu chí/xã).

Hiện tại tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong khi đó vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cả nước có đến 109 đơn vị cấp huyện.

PV: Những vấn đề nào được tập thể lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh thấy tâm đắc cũng như kinh nghiệm của Cà Mau có thể trao đổi với tỉnh bạn trong nhiệm vụ của tỉnh trước Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hải: Tỉnh Cà Mau đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNTM và rút ra một số kinh nghiệm để định hướng chỉ đạo năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, đó là:

Một là, phải có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện Chương trình, nhất là phát huy vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Hai, thường xuyên, liên tục thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân thấy được tầm quan trọng của Chương trình và vai trò, trách nhiệm của mình, qua đó phát huy vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của cán bộ, vai trò chủ thể của người dân; đặc biệt làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình.

Ba, phải phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, từng người trong thực hiện kế hoạch; phải xác định rõ việc nào nhà nước làm, việc nào dân làm; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, xác định kế hoạch thời gian thực hiện và triển khai đến cơ sở, địa bàn dân cư.

Bốn, có đề án, quy hoạch, kế hoạch với bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương trong thực hiện từng tiêu chí cụ thể; tránh hình thức, chạy theo thành tích nóng vội, chủ quan, duy ý chí; có giải pháp duy trì, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí và đạt chuẩn ngày càng cao trong xây dựng nông thôn mới.

Năm, thực hiện kết hợp, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư; phải khơi dậy và huy động các nguồn lực phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhân dân; khắc phục khuynh hướng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước cũng như huy động quá mức trong dân.

Sáu, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, có sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có sự điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp; thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức đủ năng lực, sát thực tế; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các ngành, địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình. 

PV: Vậy thời gian tiếp theo, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình MTQGXDNTM như thế nào và những kiến nghị nào cần nêu để việc thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, thưa Chủ tịch UBND tỉnh?

Ông Nguyễn Tiến Hải: Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, tỉnh phải có ít nhất 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân số tiêu chí trên xã đạt ít nhất 16,5 tiêu chí và có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, bình quân số tiêu chí trên xã đạt từ 17 tiêu chí, có từ 80% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 15 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”, trong đó có 07 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”; có từ 02 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Giai đoạn 2025 - 2030, cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; có 30 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”, trong đó có 15 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”; có thêm từ 02 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu tiêu này, tỉnh tiếp thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Chương trình, kế hoạch đề ra, trong đó tập trung các nội dung như sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, vận động sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân về các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn sau năm 2020.

- Rà soát lại quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch tỉnh, vùng và toàn quốc theo Luật quy hoạch; gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị hóa và kết nối với đô thị, với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Về huy động nguồn lực, không huy động quá sức dân mà chú trọng phát triển kinh tế nông thôn để tăng thêm thu nhập của người dân; xây dựng các mô hình nông thôn mới gắn với đô thị ven đô, mô hình nông thôn mới văn hóa, mô hình nông thôn mới gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), du lịch; mô hình nông thôn mới trên nền tảng quản lý tài nguyên ven biển và thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình nông thôn mới có vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với chuỗi giá trị, công nghệ cao.;...

- Từng địa phương rà soát lại, so sánh với các địa phương khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng, từ đó đưa ra phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo. Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng, đồng thời phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Thực hiện nghiêm túc việc công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo chất lượng, thực chất và đúng quy định.

Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tập trung rà soát, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo các điều kiện tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.

- Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ phát triển liên doanh, liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, với quy mô sản xuất hàng hóa, nhất là đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh.

- Tiếp tục huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã đề ra, xây dựng nông thôn mới phải gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, lãng phí; ưu tiên đầu tư cho các địa phương nằm trong kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020. 

Về đề xuất, kiến nghị, tỉnh kiến nghị Chính phủ tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội. Cần xây dựng các nhóm tiêu chí khung cho từng khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng làm căn cứ phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho Chương trình MTQGXDNTM và làm cơ sở để từng địa phương ban hành các tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của mình; trong đó cần có tiêu chí hỗ trợ đặc thù như: đơn vị cấp xã có diện tích rộng; đơn vị thuộc địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp; đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng có xuất đầu tư kết cấu hạ tầng cao... ; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các ấp khó khăn xây dựng nông thôn mới.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này !

Hồng Ân - Minh Tuấn (T/h)