24/04/2024 lúc 18:41 (GMT+7)
Breaking News

Cả cuộc đời vì ngành Điện Việt Nam

Bước chân vào giảng dạy với những thời điểm đầy khó khăn, trắc trở của một người xuất phát từ vùng quê nghèo đi học đại học, và cho đến hôm nay, nhiệm vụ của GS Trần Đình Long đã về hưu nhưng ông vẫn còn nặng nề đảm đương công tác giảng dạy, tham gia quản lý hoạt động phát triển khoa học.

Nhưng có lẽ những khó khăn, trắc trở đó mới thấy rõ tấm lòng thanh bạch, niềm đam mê và trách nhiệm của một người công dân làm khoa học đối với nghĩa vụ quốc gia.

GS.TSKH Trần Đình Long

ĐẾN VỚI NGÀNH ĐIỆN NHƯ MỘT CƠ DUYÊN

Tôi rất vinh dự được gặp gỡ và tiếp xúc với GS.TSKH Trần Đình Long. Dù là lần đầu tiên được gặp ông, nhưng tôi đã thấy ở con người ông là một người vui tính dễ gần, đúng với như nhận định ban đầu của bản thân càng ngồi trò chuyện tôi lại càng bị thu hút bởi lối kể truyện hóm hỉnh pha chút những câu chuyện cười khiến tôi không rời mắt khỏi ông.

Theo như ông kể thì ông được sinh năm 1938 và lớn trong một gia đình nông dân tại xã Cát Chánh nay thuộc địa giới Xã Cát Tiên, huyện Phú Cát, tỉnh Bình Định – Mặc dù xuất thân trong thời chiến tranh gian khó nhưng bằng ý chí phấn đấu ông đã không ngừng vươn lên trong học tập.

Khi đang còn học năm thứ 3 Khoa Cơ điện trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông được chọn đi học ở Liên Xô, trường ĐH Năng lượng Matxcova để về làm cán bộ giảng dạy cho trường. Học xong ông về nước giảng dạy và đến năm 1969 ông quay về trường cũ (ở Liên Xô) bảo vệ thành công luận án PTS ngành Hệ thống điện. Cũng tại trường này, năm 1978 ông bảo vệ xong luận án TS Khoa học... Kể từ đó, cuộc đời ông gần như gắn liền với trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ngành Điện nói chung...

Do không được đào tạo sư phạm đại học, nên ngày mới tham gia vào giảng dạy GS Trần Đình Long gặp không ít khó khăn từ chuẩn bị bài giảng, giáo án đến phương pháp truyền đạt kiến thức. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên để chiếm lĩnh tri thức của nghề nghiệp, cũng như khẳng định được bản thân trên con đường sự nghiệp giáo dục ông đã cố gắng tận dụng thời gian tham khảo các tài liệu, giáo trình liên quan đến soạn bài giảng, giáo án; tham gia dự giảng của các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy và tự tập giảng một mình kết hợp với giảng thử trước đội ngũ giáo viên… Những khó khăn đó cũng dần được khắc phục nhanh do sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ nhiệt tình của tập thể giáo viên - những người bạn cùng chung chiến hào.

Với trình độ hoạt động chuyên môn cao từ năm 1978 đến nay ông đã được mọi người tín nhiệm và đảm nhận nhiều cương vị khác nhau như: Chủ nhiệm Bộ môn Hệ thống điện, Chủ nhiệm Khoa Điện – Điện tử; Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÀ NIỀM ĐAM MÊ

Kinh qua nhiều cương vị khi được tôi hỏi về công việc mà ông thực sự yêu thích và tâm đắc ông chỉ mỉm cười và trả lời nhẹ nhàng với ông bất kể thành công nào ông cũng đều trân trọng và yêu thích bởi khi đã gắn bó với nghề thì đó là hơi thở, là cuộc sống của chính ông. Tuy nhiên có một nghề ông dành sự ưu ái hơn cả bởi nó đã theo ông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, không những là niềm đam mê mà còn là ước mơ, đó là trở thành một nhà nghiên cứu khoa học.

Trong suốt những năm đứng trên bục giảng, GSTrần Đình Long trăn trở làm sao để tìm được đề tài xuất phát từ thực tế khách quan. Cái suy nghĩ ấy đã thôi thúc ông từng giây, từng phút và như là một động lực giúp ông có những nghiên cứu áp dụng hiệu quả trong thực tế.

Theo như GS Trần Đình Long tâm sự, trong hơn 80 công trình ông nghiên cứu đã công bố có hai công trình luôn được ông và những thế hệ cán bộ, công nhân ngành điện nhắc đến đó là đường dây 500 kV với vai trò Cố vấn khoa học và Luật Điện lực với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác soạn thảo. Ý tưởng xây dựng công trình đường dây 500 kV được hình thành khi ông nghiên cứu về công trình thủy điện Hòa Bình, để chuẩn bị cho luận Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô (1974). Về mặt kỹ thuật đường dây 500 kV rất khó triển khai vì chiều dài đường dây lên đến 1,500km, trải dài theo nhiều dạng địa hình khác nhau mà trên thế giới chưa quốc gia nào có!Trong khi đó, hiệu quả kinh tế của nó như thế nào chưa ai dám chắc. Điều này càng cho thấy đây thực sự là một quyết định rất khó khăn, nếu không phải là những chuyên gia trong ngành điện sẽ không thể có những suy nghĩ mạnh dạn để ủng hộ.

Sau hai năm vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật cũng như kinh tế, năm 1994 hệ thống đường dây 500kv chính thức đưa vào sử dụng. Đến nay, thực tế chứng minh dự án là đúng. Và qua đề tài này cũng đã giúp ông đào tạo ra hàng chục Thạc sĩ; Tiến sĩ có chuyên môn sâu về Hệ thống điện và trở thành chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực này.

Ông còn là tác giả của nhiều ý tưởng mới táo bạo, học hỏi trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Từ những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã đề xuất ý tưởng sử dụng máy để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức của sinh viên. Máy kiểm tra dùng phiếu đục lỗ đầu tiên của ông đã được lắp ráp tại phòng thí nghiệm của bộ môn (làm từ rowle và các linh kiện của máy bay Mỹ bị bắn rơi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức của sinh viên vừa được tuyển vào trường. Sáng kiến này đã được cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đánh giá cao.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề giáo, khoa học GS Trần Đình Long đã cống hiến cho niềm say mê khoa học, cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, như một ngọn lửa cháy hết mình cho niềm đam mê ấy, đã thắp sáng lên tình yêu với khoa học với biết bao thế hệ sinh viên của ngành Hệ thống điện. Ông trở thành tấm gương về sự thủy chung nhất với sự nghiệp trồng người, mà cái tâm, cái ân tình của ông với đời, với người mãi mãi ấm áp, tỏa sáng. Với những đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước trao tặng nhiều Bằng khen, Huân huy chương.