19/04/2024 lúc 16:27 (GMT+7)
Breaking News

‘Bóng ma’ tin giả ám ảnh bầu cử Mỹ 2020

VNHN - Các trang mạng xã hội đang có các bước đi để hạn chế thông tin sai lệch và tin giả lan truyền trên nền tảng của họ trước cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới, khi rủi ro đang ở mức độ đỉnh điểm.

VNHN - Các trang mạng xã hội đang có các bước đi để hạn chế thông tin sai lệch và tin giả lan truyền trên nền tảng của họ trước cuộc bầu cử Mỹ tháng 11 tới, khi rủi ro đang ở mức độ đỉnh điểm.

Cuộc chiến tin giả

Ngày 4/9, Facebook thông báo sẽ hạn chế các quảng cáo chính trị trong thời gian 1 tuần trước khi diễn ra bầu cử và gỡ bỏ các nội dung sai lệch về dịch Covid-19 cũng như về cuộc bầu cử năm 2020.

Thông báo trên được đưa ra sau khi mạng xã hội này gỡ bỏ một ấn phẩm tin tức giả, được cho là do nhóm người Nga điều hành với nội dung kích động hỗn loạn và nhầm lẫn trong cuộc bầu cử năm 2016, làm dấy lên mối lo ngại mới về sự can thiệp của nước ngoài.

“Tin giả” đã trở thành một vấn đề sau cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016. (Nguồn: DKodding.in)

Hồi đầu tháng 9 này, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết công ty đã xóa hơn 100 mạng lưới trên phạm vi toàn cầu có hoạt động can thiệp vào bầu cử Mỹ trong vài năm qua. Ông nói: “Cuộc bầu cử này sẽ không diễn ra như thường lệ. Tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ nền dân chủ của mình”.

“Tin giả” đã trở thành một vấn đề từ sau cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016. Các bài viết trên mạng xã hội được lan truyền rộng rãi có nội dung xoay quanh các tuyên bố kỳ quặc về các ứng cử viên tổng thống Mỹ, được các tài khoản có quan điểm đảng phái cực đoan và các trang web sơ sài đăng với nội dung “câu view”, xuất hiện nhiều tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử, được cho là đã ảnh hưởng đến tình cảm của cử tri.

Sau đó đã có thông tin rằng phần lớn các câu chuyện bịa đặt này là sản phẩm của các “trại nội dung” (nơi một số lượng lớn các tác giả tự do được thuê để viết các nội dung đáp ứng tối đa thuật toán của các công cụ tìm kiếm thay vì nội dung có giá trị thực cho người đọc), được vận hành bởi những người trẻ tuổi ở khu vực Balkans tham gia vào mạng lưới này để kiếm tiền quảng cáo nhanh chóng.

Mặc dù được chấp nhận rộng rãi, nhưng đến nay chưa có bằng chứng công khai về mối liên hệ của Nga đối với các hoạt động này.

Nhưng những cáo buộc đó đã trở thành tâm điểm của các nỗ lực chính trị tại Mỹ trong hai năm sau đó, trong khi các gã khổng lồ công nghệ như Facebook và Twitter đã phải “ngồi ghế nóng” ở Quốc hội để giải trình về việc đã để cho các thông tin sai lệch được lan truyền trên nền tảng của họ.

Chỉ trong vòng vài năm, tin giả đã được công nhận là mối đe dọa thực sự đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Hàng chục quốc gia đã ban hành luật chống tin giả với mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng không có biện pháp nào của chính phủ hay các mạng xã hội khởi xướng đủ để giải quyết vấn đề này mà không gây tranh cãi.

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 kết hợp với cuộc đua tranh cử gây tranh cãi nhất trong nhiều thập kỷ đã tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” khi những kẻ sợ hãi và những người theo thuyết âm mưu từ mọi ngóc ngách của Internet xuất hiện với số lượng đông đảo.

Tháng 4/2020, Tổng thư ký Liên hợp quốc chính thức khẳng định đang tồn tại vấn nạn tin giả về dịch bệnh Covid-19. Trong khi thế giới đang tập trung đối phó với dịch bệnh, các thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus, lời khuyên y tế giả mạo nguy hiểm, sự phân biệt đối xử và kỳ thị tràn lan liên quan đến dịch bệnh này đã lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.

Điều này đã trở nên tồi tệ đến mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải thêm mục “làm sáng tỏ các bí ẩn” trên trang mạng của tổ chức này. Trang chủ của các mạng xã hội lớn đã hướng người dùng tìm kiếm thông tin liên quan đến virus đến trang mạng của WHO.

Hơn cả một nền tảng mạng xã hội

Nhưng tất cả những điều này đã không ngăn được việc đại dịch đã bị chính trị hóa mạnh mẽ ở Mỹ, nơi các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm việc khuyến cáo người dân ở trong nhà và đeo khẩu trang, đã trở thành những điểm gây tranh cãi trong mùa bầu cử này.

Tuy nhiên, thông tin giả về dịch bệnh là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy những gì được nói trên mạng không chỉ dừng lại ở trên mạng, khi việc tin rằng dịch bệnh là “trò lừa bịp”, uống thuốc tẩy và đốt phá các trạm 5G đã gây ra những hậu quả ở đời thực.

Vai trò của các công ty công nghệ lớn trong việc phổ biến tin giả đã đặt ra một số vấn đề nghiêm túc trong việc quản lý thông tin trực tuyến. Các công ty này liên tục bị chỉ trích vì đã thiếu quyết liệt hoặc làm quá mức trong vấn đề chống tin giả, buộc họ phải vạch ra một ranh giới mong manh giữa trách nhiệm xã hội và quyền tự do ngôn luận.

Trong cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd hồi tháng 6/2020, Facebook đã gây ra một cuộc phản đối từ các nhà quảng cáo vì đã cho phép đăng nội dung kích động từ Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội này.

Sau đó, vào tháng 8/2020, Facebook đã thất bại trong việc ngăn chặn lực lượng dân quân vũ trang sử dụng mạng xã hội này để tổ chức hoạt động trước khi xảy ra vụ nổ súng chết người liên quan đến một trong số các thành viên của tổ chức này ở thành phố Kenosha, bang Wisconsin.

Zuckerberg luôn khẳng định rằng Facebook là một nền tảng mạng xã hội, không phải là một công ty truyền thông. Tuy nhiên, ngày nay nền tảng này đã trở nên mạnh mẽ hơn hầu hết các hãng truyền thông trong việc phát tán tin tức.

Kể từ năm 2016, rất nhiều đối tượng, bao gồm cả các hãng truyền thông chính thống bị gắn mác “tin giả”. Khi cách thức này đã trở thành thông lệ để gọi các bài viết hay các ý kiến thiên vị mà một người không đồng ý với điều đó – được chính ông Trump làm cho trở nên phổ biến, điều này đã làm mờ ranh giới giữa việc chống tin giả và kiểm duyệt thông tin.

Trong nỗ lực kiểm tra tính xác thực của thông tin và loại bỏ tin tức giả, bao gồm cả những tin tức do các quan chức chính phủ tuyên truyền, các mạng xã hội tiếp tục phải đối mặt với sự giám sát trong việc xử lý các bài phát biểu chính trị, đặc biệt là trong các mùa bầu cử.

Sau khi Twitter đánh dấu vi phạm đối với một số nội dung tweet của ông Trump, Nhà Trắng đã đe dọa tước bỏ sự bảo vệ đối với các công ty Internet theo luật năm 1996, vốn quy định rằng các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến không được coi là nhà xuất bản.

Cindy Otis, một cựu nhân viên phân tích của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), và là tác giả của cuốn sách “Thật hay giả: Hướng dẫn của một nhà phân tích CIA về phát hiện tin giả”, cho rằng bản chất thu hút người dùng của mạng xã hội đã làm thông tin sai sự thực trên mạng được khuếch đại. Bà nói: “Những tin tức kiểu này không bao giờ có thể tạm dừng hay lùi lại được”.