20/04/2024 lúc 12:49 (GMT+7)
Breaking News

Bóng đá sẽ trở nên nhân bản hơn sau mùa dịch Covid-19

VNHN - Kể từ sau Thế chiến II, đây là lần đầu tiên trái bóng đồng loạt dừng lại trên khắp Châu Âu lẫn thế giới. Sự gián đoạn đột ngột này đã phơi bày những thiếu sót của một hệ thống lâu nay nhảy múa theo những khoản tiền khổng lồ.

VNHN - Kể từ sau Thế chiến II, đây là lần đầu tiên trái bóng đồng loạt dừng lại trên khắp Châu Âu lẫn thế giới. Sự gián đoạn đột ngột này đã phơi bày những thiếu sót của một hệ thống lâu nay nhảy múa theo những khoản tiền khổng lồ.

Bóng đá tạm dừng cũng mang đến cơ hội, thời gian để tính toán lại lịch thi đấu. Việc mở rộng World Cup lên 48 đội hay FIFA Club World Cup lên 24 đội không mang tính bền vững. Chính bản thân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) Gianni Infantino cũng đề cập đến vấn đề này một cách thẳng thắn. Trên La Gazetta dello Sport, người đứng đầu bóng đá thế giới cho biết: “Có lẽ chúng ta phải thay đổi bóng đá thế giới bằng cách lùi một bước. Các giải đấu sẽ ít hơn, ít đội hơn nhưng cân bằng hơn.

Các trận đấu không nhiều như trước nhưng cạnh tranh cao hơn và bảo vệ sức khỏe của cầu thủ tốt hơn”. Người đứng đầu FIFA tin rằng đây là thời điểm thích hợp để cải tổ môn thể thao Vua, làm lại lịch thi đấu đã quá tải cũng như phân phối lại nguồn thu, vốn ngày càng tập trung vào nhóm các đội bóng đại gia có các tập đoàn kinh tế lớn chống lưng, bơm tiền và thâu tóm. Ông nhấn mạnh khi các trận đấu trở lại, bóng đá sẽ “trở nên tốt hơn, nhân bản hơn và mang đến nhiều giá trị đích thực hơn”.

Còn nhà sử học chuyên về bóng đá David Goldblatt tin rằng FIFA nên xem xét lại kế hoạch mở rộng World Cup lên 48 đội vào năm 2026 trên khắp Bắc Mỹ. Ngoài ra, việc tổ chức EURO 2020 (đã bị dời sang năm 2021) trên khắp 12 quốc gia ở Châu Âu cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn về một nguy cơ khác: Biến đổi khí hậu. Rất nhiều vấn đề lộ ra, hoặc được nhìn nhận theo cách công chính nhất từ chính người trong cuộc, từ một cuộc khủng hoảng sâu rộng của thế giới do dịch COVID-19 mà bóng đá đang chịu tác động. Ở đó, bỏ qua những tổn thất thì ở khía cạnh tích cực lại tốt cho bóng đá.

Messi nhận mức lương lên đến 1.05 triệu euro/tuần (sau thuế) tại Barcelona. Đây là mức thu nhập rất khó để lặp lại sau khi bóng đá trở lại từ dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images

Rồi sẽ có một cuộc đại cách mạng, để bóng đá dần quay trở về gần nhất với những giá trị nguyên bản, tốt đẹp nhất mà tất cả đều vẫn mơ ước khi lâu nay bị cuốn vào vòng xoáy. “Chúng tôi đang sống thông qua một điều gì đó mà không ai trong chúng tôi đã quen và điều đó sẽ thay đổi mọi thứ một cách sâu sắc”, Huấn luyện viên Carlo Ancelotti của Everton cho biết trên Corriere dello Sport. “Tiền bản quyền truyền hình sẽ giảm. Cầu thủ và huấn luyện viên sẽ kiếm được ít hơn. Vé vào sân sẽ có giá thấp hơn vì mọi người có ít tiền hơn.

Nền kinh tế sẽ khác và bóng đá cũng vậy. Điều đó có lẽ tốt hơn” - Ancelotti nói. “Với mỗi cuộc khủng hoảng luôn đi cùng cơ hội. Trong một thời gian dài, chúng ta đã thấy những khoản tiền chuyển nhượng và mức lương tăng phi mã đến mức điên rồ. Virus SARS-CoV-2 và cuộc khủng hoảng do dịch gây ra sẽ chấm dứt điều này. Cung và cầu sẽ điều tiết thị trường và thiết lập trạng thái cân bằng mới”, Chủ tịch Bayern Munich - Karl-Heinz Rummenigge đưa ra quan điểm trong một bài xã luận hôm 2.4. Bayern Munich là đội bóng giàu nhất nước Đức, không ngần ngại vung tiền để mua cầu thủ.

Thương vụ kỷ lục của họ là bỏ ra 80 triệu euro để mua Theo Hernandez từ Atletico Madrid năm 2019. Nhưng nó vẫn còn thua xa so với kỷ lục thế giới 222 triệu euro mà Paris Saint-Germain trả cho Barelona để có Neyma năm 2017. Còn nói về lương lúc này, không ngôi sao nào của Bayern hay cả thế giới đo lại với Messi. Siêu sao người Argentina nhận 1,05 triệu euro/tuần sau thuế tại Barca. Cựu Chủ tịch Bayern Munich - Uli Hoeness dự đoán về khả năng xuất hiện một “thế giới bóng đá mới”, bởi mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng và các khoản chi tiêu lớn như trước đây sẽ không diễn ra trong 2-3 năm tới.

Dự đoán này đang ngày càng trở nên thực tế khi các đội bóng giàu có đang chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Barcelona, đội có quỹ lương lớn nhất thế giới buộc phải giảm 70% lương của cầu thủ để rồi lộ ra cả mớ vấn đề nội bộ bất ổn. Hàng loạt các đội bóng khác tại Châu Âu cũng thực hiện biện pháp tương tự để tự cứu mình trước đại dịch. Như Juventus, đội vô địch Italia 8 lần liên tiếp, nhờ khoản lương bị giảm tiết kiệm được trên 90 triệu euro. Câu hỏi được đặt ra, liệu việc đặt ra giới hạn về lương có phải là một hướng đi hay không, bất chấp những khó khăn do những quy định của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra? Câu trả lời sẽ chờ thời gian để chứng thực.