23/04/2024 lúc 17:50 (GMT+7)
Breaking News

Bóc trần sự thật bẽ bàng về cuộc chiến không hồi kết của Mỹ tại Afghanistan

VNHN - Trong bài viết có tiêu đề “Bị sa lầy mà không có một chiến lược”, cây bút Craig Whitlock của tờ Washington Post đã công bố những tiết lộ mới về sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến tại Afghanistan, trong đó chỉ rõ những sai lầm mà các chính phủ tiền nhiệm của Mỹ mắc phải.

VNHN - Trong bài viết có tiêu đề “Bị sa lầy mà không có một chiến lược”, cây bút Craig Whitlock của tờ Washington Post đã công bố những tiết lộ mới về sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến tại Afghanistan, trong đó chỉ rõ những sai lầm mà các chính phủ tiền nhiệm của Mỹ mắc phải.

Ngay từ đầu, lý do cho việc Mỹ tham chiến tại Afghanistan rất rõ ràng: tiêu diệt tổ chức khủng bố al-Qaeda, dẹp bỏ phiến quân Taliban và ngăn chặn tái diễn cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Trong vòng 6 tháng, Washington đã hoàn thành phần lớn những mục tiêu mà nước này đặt ra. Các thủ lĩnh của al-Qaeda và Taliban bị tiêu diệt, bắt giữ hoặc phải tìm nơi lẩn trốn. Nhưng sau đó chính phủ Mỹ đã phạm phải những sai lầm cơ bản và sai lầm này được lặp đi lặp lại trong hơn 18 năm qua, bài báo trên Washington Post trích dẫn các tài liệu của chính phủ cho biết.

Một buổi huấn luyện pháo binh chung giữa quân đội Mỹ và quân đội Afghanistan tại tiền đồn chiến đấu ở Jaghatu, tỉnh Wardak, năm 2012. 

Mù mờ về mục tiêu và chiến lược

Trong hàng trăm cuộc phỏng vấn cấu thành lịch sử bí mật của cuộc chiến tranh Afghanistan, nhiều quan chức Mỹ thừa nhận, cuộc chiến đã thay đổi theo những chiều hướng ít liên quan đến al-Qaeda hoặc vụ tấn công khủng bố 11/9. Bằng cách mở rộng sứ mệnh ban đầu, người Mỹ cho biết họ đã áp dụng các chiến lược chiến tranh không hoàn hảo dựa trên những giả định sai lầm về một quốc gia mà họ không hiểu rõ.

Kết quả là tạo một cuộc xung đột không thể chiến thắng và cũng không có lối thoát. Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều quan chức phục vụ dưới thời Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Obama nhận xét, cả hai nhà lãnh đạo đều thất bại trong vai trò quan trọng nhất của họ - tổng tư lệnh, để đưa ra một chiến lược rõ ràng với các mục tiêu cụ thể, mang tính khả thi. Các nhà ngoại giao và chỉ huy quân sự Mỹ phải thừa nhận rằng họ phải đấu tranh rất nhiều để trả lời những câu hỏi đơn giản: Ai là kẻ thù? Ai chúng ta có thể tin tưởng như đồng minh? Làm sao để biết khi nào chúng ta đã chiến thắng?

Dù theo đuổi chiến lược khác nhau nhưng cả Tổng thống Bush và Tổng thống Obama đều phạm phải những sai lầm mà họ không bao giờ khắc phục được, theo thông tin từ các cuộc phỏng vấn. Sau khi liên tiếp giành chiến thắng về mặt quân sự trong năm 2001 và 2002, Tổng thống Bush quyết định giữ lại một lực lượng nhỏ quân đội Mỹ ở lại Afghanistan vô thời hạn để săn lùng những kẻ khủng bố. Nhưng ngay sau đó, ông đã lên kế hoạch tham chiến tại Iraq và Afghanistan nhanh chóng trở thành hoài niệm. Nhà ngoại giao James Dobbins, người từng là đặc phái viên Mỹ về Afghanistan dưới thời ông Bush và ông Obama nói rằng đó là một sai lầm “rõ ràng ngay từ lúc đầu”.

Các tướng lĩnh quân đội Mỹ tại Học viện quân sự ở West Point lắng nghe Tổng thống Obama phát biểu về kế hoạch tăng quân tại Afghanistan năm 2009.

“Các cuộc chiến đó lấy đi rất nhiều thời gian và sự chú ý. Chúng ta sẽ làm quá tải hệ thống nếu chúng ta thực hiện nhiều hơn 1 nhiệm vụ tại một thời điểm”, ông Dobbins nói thêm. Vào thời điểm ông Obama nhậm chức năm 2009, al-Qaeda đã biến mất khỏi Afghanistan nhưng Taliban thì quay trở lại. Chính quyền Tổng thống Obama đã xé bỏ chiến lược chống khủng bố của Tổng thống Bush và phê chuẩn một kế hoạch hoàn toàn đối lập: một chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn, được hỗ trợ bởi 150.000 binh sỹ Mỹ và NATO, cùng hàng tấn hàng viện trợ dành cho chính phủ non yếu của Afghanistan lúc bấy giờ. Trái ngược với ông Bush, ông Obama đặt ra thời hạn nghiêm ngặt và cam kết sẽ đưa tất cả các binh sỹ Mỹ về nước vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống. Nhưng chiến lược của ông Obama cũng bị thất bại.

Các quan chức Mỹ, NATO và Afghanistan nói rằng, họ cố gắng hoàn thành quá nhiều mục tiêu trong thời gian quá ngắn, phụ thuộc vào một chính phủ Afghanistan tồn tại nhiều tham nhũng và hoạt động không hiệu quả. Theo nguồn tin này, Tổng thống Obama đã đặt ra các thời hạn “giả” để chấm dứt chiến tranh trước khi nó kết thúc. Tất cả những gì Taliban phải làm là chờ ông ấy rút đi. “Có rất nhiều giả định sai lầm trong chiến lược, chẳng hạn như Afghanistan sẵn sàng chuyển sang chế độ dân chủ chỉ sau một đêm, dân chúng sẽ hỗ trợ chính phủ trong một thời gian ngắn, mọi việc đang tốt hơn”, Bob Crowley – một quan chức quân đội về hưu, từng đảm nhiệm vị trí cố vấn chống khủng bố cho biết.

Các binh sỹ quân đội Afghanistan tại Kabul năm 2009. 

Năm 2014, Văn phòng Tổng thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan (viết tắt là SIGAR) được thành lập. SIGAR đã khởi xướng một dự án 11 triệu USD có tên gọi “Học tập từ những trải nghiệm” để nghiên cứu sai lầm cốt lõi của cuộc chiến Afghanistan. Sau khi phỏng vấn hơn 600 người, các nhà nghiên cứu của cơ quan này đã công bố 7 báo cáo khuyến nghị thay đổi chính sách.

Để tránh gây tranh cãi, SIGAR đã lược bớt những lời chỉ trích gay gắt nhất và không đề cập tên tuổi của hơn 90% người được phỏng vấn, đồng thời loại bỏ kế hoạch xuất bản một báo cáo riêng biệt về những thiếu sót trong chiến lược tham chiến tại Afghanistan. Sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài 3 năm, tờ Washington Post đã tiếp cận được các ghi chú và những bản ghi âm từ hơn 400 cuộc phỏng vấn.

Các thông tin thu thập được tiết lộ rằng, những người tham gia trực tiếp vào cuộc chiến này không thể rũ bỏ nghi ngờ về chiến lược và sứ mệnh tại Afghanistan, ngay cả khi ông Bush, ông Obama và sau đó là Tổng thống Trump nói với người dân Mỹ rằng họ cần phải tiếp tục chiến đấu tại quốc gia này. “Chúng ta thực sự đang làm gì ở đất nước này? Mục tiêu của chúng ta là gì? Xây dựng quốc gia? Đảm bảo quyền lợi của phụ nữ? Chúng tôi chẳng bao giờ hiểu rõ về những mục tiêu và thời hạn đã được đặt ra”, một quan chức Mỹ giấu tên bộc bạch.

Binh sỹ Mỹ bị thương trong một vụ nổ tại tỉnh Kandahar, Afghanistan năm 2010. 

Đánh đồng Taliban và al-Qaeda

“Điều duy nhất bạn có thể làm là ném bom chúng (Taliban và Al-Qaeda – ND) và cố gắng tiêu diệt chúng. Đó là những gì chúng tôi đã hành động. Chúng đã biến mất”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld dưới thời chính quyền Bush phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn với MSNBC. Tuyên bố của ông Donald H. Rumsfeld là một trong những minh chứng đầu tiên cho thấy các nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ đang lầm tưởng họ có thể kết thúc cuộc chiến Afghanistan theo cách thức của riêng mình.

Thực tế thì Taliban đã bị đánh bại nhưng không hề bị xóa sổ. Do quá tự tin bởi việc dễ dàng chinh phục Afghanistan, chính quyền Tổng thống Bush đã từ chối ngồi xuống đối thoại với các thủ lĩnh Taliban bại trận để đàm phán về một nền hòa bình lâu dài – quyết định mà sau đó đã khiến các quan chức Mỹ hối hận. Taliban bị loại khỏi các hội nghị quốc tế và các cuộc họp của Afghanistan từ năm 2001 đến 2003 về thành lập một chính phủ mới, thậm chí ngay cả khi một số nhân vật cấp cao của nhóm phiến quân này đã thể hiện thiện chí sẵn sàng tham gia đàm phán. Về phần mình, Mỹ đã tăng cường trao thưởng cho việc bắt giữ các thành viên của Taliban và đưa hàng trăm đối tượng đến nhà tù quân sự ở Vịnh Guantanamo, Cuba. “Một sai lầm lớn mà chúng tôi mắc phải là đối xử với Taliban như với al-Qaeda.

Các thủ lĩnh chủ chốt của Taliban rất quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống mới nhưng chúng tôi đã không trao cho họ cơ hội”, ông Barnett Rubin, chuyên gia học thuật của Mỹ tại Afghanistan, từng là cố vấn cho Liên Hợp Quốc tại thời điểm đó, nói trong cuộc phỏng vấn. Cùng chung quan điểm này, một quan chức giấu tên của Liên Hợp Quốc nhận định trong cuộc phỏng vấn rằng, đây là cơ hội lớn nhất đã bị bỏ qua. “Vào thời điểm đó, hầu hết chỉ huy của Taliban đều quan tâm đến việc gia nhập chính phủ. Bài học rút ra là: Nếu có cơ hội đàm phán với Taliban, hãy đàm phán với họ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rumseld cùng các trợ lý, tháng 9/2002. 

Taliban không tham gia vào vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, không ai trong số những tên không tặc và những kẻ ủ mưu đến từ Afghanistan nhưng chính quyền Tổng thống Bush lại liệt các lãnh đạo Taliban vào danh sách khủng bố bởi họ đã giúp al-Qaeda có nơi ẩn nấp và từ chối giao nộp Osama bin Laden. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Taliban trong xã hội Afghanistan lại quá lớn và rất khó xóa bỏ. Sau đó, người Mỹ nhận ra rằng xóa sổ Taliban là điều không thể. Ngày nay, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh là thúc đẩy một lộ trình chính trị, trong đó tái hòa giải Taliban và chính phủ Afghanistan. Năm 2018, lần đầu tiên chính phủ Mỹ mở các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Taliban.

Tham gia cùng lúc 2 cuộc chiến tranh

Trong khi cuộc chiến tại Afghanistan chưa kết thúc thì chính quyền Tổng thống Bush lại chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn hơn tại Iraq. Vào ngày 21/10, sau khi dành nhiều thời gian tại Nhà Trắng tham gia các cuộc họp về Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld đã không khỏi bất ngờ bởi những gì xảy ra tại Afghanistan đang dần biến mất khỏi tâm trí của Tổng thống Bush.

Ông Bush đã hủy bỏ cuộc gặp với Dan McNeill – chỉ huy các lực lượng Mỹ tại Afghistan. Ông Dan McNeill nhớ lại, ông đã nhận được rất ít hướng dẫn chiến lược từ chính quyền và số lượng quân được điều đến Afghanistan cũng rất hạn chế. Richard Haass, một nhà ngoại giao cấp cao, từng là điều phối viên đặc biệt của chính quyền Bush về Afghanista cho biết, ông đã đề xuất kế hoạch triển khai từ 20.000 đến 25.000 binh sỹ Mỹ cùng với quân đội của các lực lượng đồng minh tới Afghanistan nhưng kế hoạch này bị bác bỏ.

“Không có sự nhiệt tình. Không có một ý niệm sâu sắc nào về việc thiếu năng lực tại Afghanistan. Tôi đang nói về một nhiệm vụ rất hạn hẹp. Đào tạo và vũ trang trong một vai trò rất hạn chế”, Richard Haass nói. Bằng cách giữ quân đội ở mức tối thiểu tại Afghanistan, chính quyền Bush đang tìm cách giành chiến thắng nhanh chóng trên hai mặt trận cùng một lúc. Nicholas Burns, một nhà ngoại giao Mỹ nhận xét, chính quyền Tổng thống Bush đã đánh mất hình ảnh lớn tại Afghanistan vào thời điểm then chốt.

Chiến thuật thiếu chiến lược rõ ràng là con đường dẫn tới thất bại

Từng có hy vọng rằng chiến lược của ông Obama sẽ giúp xoay chuyển tình hình tại Afghanistan, nhưng dường như vị Tổng thống này cũng không tránh được vết xe đổ. Chiến lược chống khủng bố quy mô lớn được yêu cầu phải gấp rút hoàn thành trong khi quân đội lại nhận được những chỉ đạo mơ hồ từ cấp trên: “Chúng tôi không được cung cấp bất cứ tài liệu nào hướng dẫn chúng tôi cách thực hiện công việc. Chúng tôi được chỉ thị những ưu tiên chiến lược mơ hồ từ các chỉ huy”, một sỹ quan giấu tên cho biết.

Các phần tử bị bắt giữ tình nghi thuộc lực lượng Taliban và al-Qaeda tại nhà tù Shiberghan ở tỉnh Jowzlan, tây bắc Afghanistan năm 2004. 

Các chỉ huy quân sự Mỹ đã áp dụng cách tiếp cận “dọn sạch, nắm giữ và xây dựng”. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ đẩy lùi quân nổi dậy tại một khu vực cho đến khi các quan chức địa phương và lực lượng an ninh Afghanistan có thể bình ổn khu vực. Do phải hoạt động theo một thời gian biểu chặt chẽ, các chỉ huy của Mỹ đã cố gắng “dọn sạch” những khu vực nơi Taliban đang cố thủ như các tỉnh Helmand và Kandahar ở miền nam Afghanistan và tăng cường viện trợ cho người dân tại các khu vực đó. Nhưng cách tiếp cận này đã phản tác dụng khi các quan chức Mỹ bỏ bê những khu vực hòa bình đứng về phía chính quyền Kabul.

Trong cuộc phỏng vấn, một quan chức cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho biết, những thống đốc thân thiện từ các khu vực ổn định sẽ tự hỏi rằng: “Tôi phải làm gì để có được thiện cảm từ người Mỹ?”. Vào năm 2014, có nhiều bằng chứng cho thấy kế hoạch của ông Obama đang chùn bước. Một quan chức ngoại giao dưới thời ông Obama nói rằng, nhiệm vụ đã không được tập trung ngay từ ban đầu, trong khi đó, nhiều ý kiến khác nhận xét rằng các vấn đề nảy sinh phản ánh một sự thiếu chiến lược.

Binh sỹ Mỹ tập luyện tại trạm quan sát ở tỉnh Konar, Afghanistan năm 2011. 

Nhiều năm trôi qua kể từ khi bước chân vào cuộc chiến tại Afghanistan, Mỹ vẫn không hiểu điều gì đang thôi thúc kẻ thù của họ chiến đấu. Trong suốt 18 năm qua, hơn 775.000 binh sỹ Mỹ đã được luân phiên triển khai tới Afghanistan. Trong số này có 2.300 người đã thiệt mạng và 20.589 bị thương, thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. Hiện nay, có khoảng 13.000 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan. Quân đội Mỹ thừa nhận rằng Taliban đang mạnh hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2001.

Tuy nhiên không có sự tính toán công khai toàn diện nào cho những thất bại về chiến lược phía sau cuộc tham chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những người được phỏng vấn cho rằng kể từ năm 2001, chính phủ Mỹ đã lãng phí một khoản tiền khổng lồ cho cuộc chiến tại Afghanistan. Họ cũng nói rằng họ phải chịu áp lực để chứng minh rằng chiến dịch quân sự tốn kém này đang có tác dụng dù rằng sự thực không phải như vậy.